Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng dưới sức ép thuế quan
Tùy vào kết quả đàm phán áp thuế đối ứng với Mỹ, Việt Nam chịu sức ép kích cầu nền kinh tế trong việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.
Trình bày tại Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2025 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nói chắc chắn Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế nào đó từ Mỹ. Khi đó, các nhà điều hành chính sách đứng trước áp lực mạnh tay nới lỏng chính sách kích cầu nền kinh tế để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.

Ông Nguyễn Xuân Thành trình bày phiên mở đầu tại Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2025 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Ảnh: Lê Vũ.
Theo ông Thành, kịch bản đàm phán tốt nhất là mức thuế 10-15%, khi đó hàng Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh, dòng vốn FDI vẫn tốt. Còn trong kịch bản đàm phán xấu nhất là mức thuế 30-35%, khi đó không còn khái niệm “Trung Quốc +1” cho Việt Nam.
Kịch bản mục tiêu đặt ra với đàm phán mức thuế 18-22%, khi đó chỉ mất một phần tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu, nhưng dòng vốn FDI chậm lại chứ không có sự tháo chạy.
“Quan điểm của tôi là kịch bản xấu cũng như tốt khó xảy ra. Việt Nam chủ động đáp ứng nhưng không đáp ứng trên thế yếu, phía Mỹ cũng đang mong muốn để có kết thúc sớm, và công bố thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận với Việt Nam. Những người có gây ảnh hưởng nhất là phía Bộ tài chính Mỹ cũng đưa ra thông điệp các đối tác, trong đó có Việt Nam đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của Mỹ.
Dù cho rằng mức 20% là “trong tầm tay”, nhưng ngay cả trong kịch bản như thế thì con số đó vẫn là cao, ảnh hưởng tiêu cực đến dài hạn, các nhà đầu tư trong nước ngoài sẽ phải tính toán lại. Vì mức thuế đối ứng là cộng thêm, ví dụ mặt hàng dệt may thuế 15% thì phải cộng thêm 20%, theo ông Thành.
Cụ thể, sức ép thuế quan sẽ làm giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, ngoài ra còn giảm xuất khẩu sang thị trường khác khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Rủi ro tiếp theo là các trụ cột tăng trưởng trong nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bao gồm giảm cầu nội địa khi thu nhập và việc làm gắn vói sản xuất công nghiệp xuất khẩu giảm. Du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, đàm phán song phương hai bên giữa Việt Nam và Mỹ đã khởi động, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro dù Việt Nam vẫn có cơ hội đàm phán và dư địa kích thích nền kinh tế. “Phía Mỹ có thể yêu cầu một số thứ, đáp ứng càng nhiều thì thuế càng giảm”, ông Thành nói.
Yêu cầu đầu tiên là giảm mạnh thuế nhập khẩu với một số mặt hàng. Chính phủ Việt Nam cũng chủ động đơn phương giảm thuế, nhưng thông điệp là thuế tối huệ quốc (dành cho tất cả thành viên WTO).
Vấn đề thứ hai là cam kết nhập khẩu nhiều hơn thì Việt Nam đang đáp ứng, có hai cái mới là cả về vũ khí và phê duyệt dự án diện khí LNG cho nhà đầu tư Mỹ hoặc nhập khẩu khí.
Vấn đề thứ ba là Mỹ chống truyền tải hàng hóa, đảm bảo quy định xuất xứ. Về mặt quản lý nhà nước sẽ phải thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn. Các yêu cầu cao hơn như thế này Việt Nam sẵn sàng đáp ứng, dù khó khăn hơn đối với thủ tục hải quan.
Vấn đề thứ tư là hạn chế thương mại với Trung Quốc, kể cả các quốc giá Đông Nam Á. Nếu Mỹ đưa ra ý này thì đàm phán khó khăn, kéo dài thời gian đàm phán.
Nhóm yêu cầu thứ tư là câu chuyện tiền tệ, nhạy cảm trước cáo buộc can thiệp tỷ giả. Rủi ro lần này là những nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ thì Mỹ yêu cầu không những can thiệp mạnh vào tỷ giá, mà thậm chí có thể phải can thiệp theo hướng cho đồng nội tệ lên giá so với đô la. Tín hiệu tích cực là phía Mỹ nói không đặt mục tiêu đó. Nếu đưa ra điều kiện này thì Việt Nam khó có thể đáp ứng được.

Sức ép tăng trưởng
Dự báo của các định chế tài chính quốc tế cho thấy kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng rào thuế quan thế hệ mới. Bên cạnh việc hạ dự báo hầu hết các nước, riêng Việt Nam, IMF vừa giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 từ mức 6,1% xuống còn 5,2%, tác động vào năm 2026 sẽ còn tiêu cực hơn. Điểm tích cực là ngay cả khi tình huống xâu như vậy thì cũng không có suy thoái toàn cầu.
"Đây là họ dựa trên kịch bản xấu nhất về thuế, nhưng khả năng mức 20% là khả thi. Còn ít nhất tình hình quí 1 vẫn sáng sủa, cho dù chưa phản ánh hết thực trạng", ông Thành nói.
Cụ thể, một số tiêu chí cho thấy như hoạt động sản xuất điện chỉ tăng 4,5% (năm 2024 tăng 12%). Các chuỗi bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cho thị trường trong nước phần lớn báo cáo doanh số giảm hoặc không tăng trong quí 1.
“Mặc dù nói thuế quan chưa tác động nhiều, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng mạnh nhưng hai động lực vẫn ở mức độ yếu, là tiêu dùng trong nước và đầu tư của doanh nghiệp tư nhân”, ông Thành bình luận.
Cụ thể, tổng đầu tư quí 1 tăng 8,3% so với cùng kỳ (chưa loại trừ lạm phát) các doanh nghiệp tư nhân vẫn rất thận trọng trong đầu tư mở rộng sản xuất (đầu tư tăng tăng 5,5% trong khi nhà nước tăng 13,7%, khối ngoại tăng 9,3%).

Toàn cảnh Diễn đàn Tài chính – Bất động sản 2025 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào hôm nay (8-5). Ảnh: Lê Vũ
Thách thức vẫn là cải thiện niềm tin của doanh nghiệp và cá nhân nhưng điều này lại quay lại câu chuyện thuế quan. Nếu người tiêu dùng e ngại thuế quan, cái khó của Việt Nam so với các nền kinh tế ASEAN và Trung Quốc là có sự bổ trợ giữa xuất khẩu và thị trường trong nước. Còn ở Việt Nam thì "đồng biến" vì nếu xuất khẩu yếu thì việc làm yếu, chuyển sang sức mua trong nước yếu. Nếu thuận lợi thì cả hai bên cùng thuận lợi.
“Tập trung đàm phán sẽ rất quan trọng, nếu mức thuế quan cao thì dẫn tới tâm lý bi quan trong tiêu dùng, tiếp theo là đầu tư tư nhân, và có thể là đầu tư FDI. Nhà đầu tư đang có xu hướng chờ đợi giải ngân”, ông Thành nói.
Cơ hội tăng trưởng vì thế còn phụ thuộc lớn phản ứng chính sách. Nếu có thuế quan mà mục tiêu tăng 8% thì cần kích cầu mạnh hơn, cả về tiền tệ và tài khóa. Muốn kích cầu mạnh tiền tệ thì phải hạ lãi suất, tiền đồng yếu thì lại khó đàm phán, nên dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Còn dư địa chính sách tài khóa nhiều hơn. Theo ông Thành, giải ngân 35 tỉ đô năm nay đầu tư công là có khả năng đạt được. Nếu mức thuế áp 10% thì ít áp lực hơn cho việc kích cầu.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/theo-duoi-muc-tieu-tang-truong-duoi-suc-ep-thue-quan/