Theo thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không chinh phục Hỏa Diệm Sơn huyền thoại
Ai đã từng say mê hành trình thỉnh kinh nơi đất Phật của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký, hẳn sẽ muốn một lần in dấu chân mình ở Hỏa Diệm Sơn và đất Thổ Lỗ Phồn nghìn năm xưa cũ.
Thổ Lỗ Phồn là một thành phố nhỏ nằm ở trung tâm bồn địa Turpan - một trong những khu vực có địa hình thấp nhất thế giới ở Tân Cương, Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu của nhà Đường (618-907), Turpan từng là chốn phồn hoa đô hội, người qua kẻ lại đông nườm nượp vì đây là ốc đảo xanh tốt, giàu có giữa lòng sa mạc. Ngày nay, Turpan là thành phố hiền hòa, nổi tiếng với nghề trồng nho. Con đường Tơ lụa cổ xưa đã lụi tàn, quá khứ vàng son đã tan biến theo cát bụi thời gian, nhưng vẫn còn đó minh chứng của một thời huy hoàng, như Hỏa Diệm Sơn, thành cổ Cao Xương, Thiên Phật động Bezeklik hay làng Thổ Dục Câu có lịch sử hàng nghìn năm.
Hỏa Diệm Sơn 'ngỡ chỉ có trong truyền thuyết'
Ngay khi đặt chân đến Thổ Lỗ Phồn, Tân Cương, Trung Quốc, có lẽ mỗi một du khách sẽ thấy mình tựa như một kẻ hành hương trong Tây Du Ký và điểm đến đầu tiên mà ai cũng muốn đặt chân tới chắc chắn sẽ là Hỏa Diệm Sơn. Dãy núi thời thơ bé mà ta vẫn nghĩ chỉ có trong truyền thuyết hiện ra sừng sững trong tầm mắt, những đỉnh lởm chởm giống như lưỡi lửa kéo dài tít tắp về phía chân trời.
Vùng trời ở đây không bàng bạc như trong phim Tây Du Ký, mà xanh ngát diệu kỳ, tạo nên độ tương phản mạnh với những khối đá núi sa thạch đỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời gay gắt, tạo ảo giác về ngọn lửa đang cháy. Không khó để hiểu vì sao Hỏa Diệm Sơn lại truyền cảm hứng cho tác giả Ngô Thừa Ân khi viết Tây Du Ký, và đoàn làm phim của Trung Quốc năm xưa đã lặn lội nghìn dặm xa đến tận đây để ghi hình.
Đứng dưới chân núi, trên những đụn cát ngoài rìa sa mạc, có lẽ người lữ khách như thấy mình đang xuyên không về thế giới thần thoại cổ xưa, khi Tôn Ngộ Không dùng quạt Ba Tiêu để dập tắt ngọn lửa.
Dù vậy, một bảo tàng về Tây Du Ký ngay ở chân núi sẽ đưa người về với thế giới hiện đại, nơi có một chiếc nhiệt kế khổng lồ được đặt ngoài trời, mô phỏng theo cây gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không.
Thổ Dục Câu của người đạo Hồi
Nằm tựa vào dãy Hỏa Diệm Sơn là Thổ Dục Câu, ngôi làng điển hình của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương khép mình trong thung lũng nhỏ, là ốc đảo xanh giữa sa mạc Taklamakan. Thổ Dục Câu được cho là có lịch sử khoảng 1.300 năm và hiện nay, vẫn tựa như một thế giới riêng biệt của hàng thế kỷ trước.
Nếu Hỏa Diệm Sơn là địa danh gợi nên hành trình hướng Tây Thiên mang đậm màu sắc Phật pháp, thì Thổ Dục Câu lại mang dáng hình, thanh âm của mảnh đất đạo Hồi. Đạo Hồi du nhập vào Thổ Lỗ Phồn vào nửa sau thế kỷ 15 và bởi vậy, những nhà nguyện với kiến trúc uốn vòm đặc trưng ở nơi đây đem đến một màu sắc khác biệt và độc đáo.
Thành cổ Cao Xương – cát bụi của năm tháng vàng son
Thành cổ Cao Xương là di tích lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc, là minh chứng về một thời vàng son đã qua. Cao Xương từng là trung tâm thương mại và văn hóa sôi động dọc theo Con đường Tơ lụa cách đây hàng thế kỷ, giờ chỉ còn là những bức tường đất đá gần như đổ nát.
Theo như người bản địa chia sẻ, Hốt Tất Liệt- vị vua nổi tiếng của đế chế Mông Cổ một thời và cao tăng Trần Huyền Trang thời nhà Đường, người truyền cảm hứng cho tác phẩm Tây Du Ký, đã từng ghé qua đây.
Những tàn tích trong ánh nắng ban chiều gợi nên những cảm nhận sâu sắc về mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Những khu chợ nhộn nhịp, thành quách tầng tầng lớp lớp, đã bị phong hóa bởi gió, cát và bởi chính lịch sử qua hàng thế kỷ, nay chỉ còn lại những vết tích nhỏ nhoi mà con người ở thế kỷ 21 đang dốc sức gìn giữ. Dù vậy, đứng giữa thành cổ trong ráng chiều, có lẽ không tránh khỏi đôi chút cảm thán và để tâm hồn mình phiêu bồng theo bước chân của lữ khách, thương nhân, người hành hương hay của những người truyền giáo đã từng đặt chân đến đây.
Thiên Phật động Bezeklik – sự tĩnh lặng giữa sa mạc oi nồng
Cách thành cổ Cao Xương không xa là Thiên Phật động Bezeklik, nép mình trong hang động cổ xưa, vừa đáng kinh ngạc nhưng lại rất đỗi khiêm nhường. Hàng nghìn bức tranh sống động mô tả về đạo Phật và kinh Phật, về các vị bồ tát khắc trên vách đá của hơn 80 hang động khiến lòng người trở nên an yên, tĩnh lặng. Dường như chất thiền định đã thấm vào đá, tạo ra một bầu không khí dịu dàng, xua đi cái oi nồng của sa mạc. Công trình này là minh chứng cho đời sống tâm linh từng phát triển rực rỡ ở khu vực này, cũng là minh chứng là tấm lòng hướng Phật của những người tu hành từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 14.
Hành trình đến Thổ Lỗ Phồn, Tân Cương không chỉ là một trải nghiệm du lịch đơn thuần mà còn là một cuộc hành hương về với quá khứ. Mỗi bước đi qua vùng đất cổ xưa này, mỗi cuộc gặp gỡ với con người và cảnh quan nơi đây đều dệt nên trải nghiệm phong phú về văn hóa, lịch sử và những chiêm nghiệm sâu lắng về chính bản thân. Tinh thần không lùi bước của Tôn Ngộ Không, sự kiên định của Đường Tăng Trần Huyền Trang, những người truyền giáo đạo Hồi, những nhân vật lịch sử như Đại Hãn Hốt Tất Liệt, con đường tơ lụa nghìn năm về trước, Hỏa Diệm Sơn sừng sững cùng thời gian… tất cả như được tái hiện một cách rõ ràng, sắc nét, để quá khứ và hiện tại có thể hòa vào làm một và truyền cảm hứng cho bước chân người lữ khách.
Ảnh: Hạ Phương