Theo tôi, tổ trưởng chuyên môn 'hưởng 1 trong 2' chế độ như dự thảo là phù hợp

Đã có ý kiến cho rằng, tổ trưởng chỉ được hưởng một trong hai chế độ như dự thảo là thiệt thòi.

Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến góp ý, đã thu hút sự quan tâm của giáo viên cả nước.

Một trong những nội dung khiến giáo viên đang giữ vị trí tổ trưởng, tổ phó chuyên môn tâm tư là nguyên tắc xác định chế độ làm việc của dự thảo thông tư.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 4 dự thảo Thông tư nêu: "Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này. Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy".

Điều này có nghĩa: tổ trưởng đã hưởng phụ cấp thì không được hưởng giảm trừ định mức tiết 3 tiết/tuần và ngược lại, tổ trưởng có quyền chọn hưởng một trong hai ưu đãi chứ không bắt buộc phải hưởng theo ưu đãi nào.

Đã có ý kiến cho rằng, tổ trưởng chỉ được hưởng một trong hai chế độ như dự thảo của Bộ là thiệt thòi so với nhiệm vụ mà tổ trưởng đang thực hiện ở trường phổ thông.

 Ảnh minh họa: P.L

Ảnh minh họa: P.L

Vậy hiện nay, trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, tổ chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn ở trường phổ thông có nhiệm vụ gì?

Theo Khoản 2 Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học, tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.[2]

Thực tế tổ chuyên môn, tổ trưởng ở trường phổ thông thực hiện nhiệm vụ như thế nào?

Với nhiệm vụ (a), tổ trưởng chỉ cần tổng hợp kế hoạch dạy học và giáo dục của giáo viên phụ trách môn học nếu tổ có nhiều môn học, còn nếu tổ chỉ một môn, tổ trưởng chỉ cần phân công mỗi giáo viên thực hiện kế hoạch dạy học và giáo dục bộ môn một khối, sau đó tổng hợp, xét duyệt.

Giáo viên nói chung, tổ trưởng chuyên môn nói riêng đều có chứng chỉ tin học, biết sử dụng máy tính thành thạo nên theo người viết để hoàn thành nhiệm vụ này không mất quá nhiều thời gian.

Với nhiệm vụ (b) việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, năm học 2024-2025 là năm thực hiện ở lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2028. Việc chọn sách giáo khoa cho năm học này cũng đã hoàn thành. Việc đề xuất tài liệu tham khảo để nhà trường mua sắm đã theo mẫu của thư viện, gần như tổ trưởng không phải tốn nhiều công sức.

Thực tế những năm trước việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa do cả tổ thực hiện, không riêng gì tổ trưởng.

Với nhiệm vụ (c), đây là nhiệm vụ của tất cả giáo viên, không phải chỉ riêng tổ trưởng hay cá nhân nào, Khoản 1 Điều 27 Nhiệm vụ của giáo viên Thông tư 32 ghi rõ: tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Với nhiệm vụ (d), mọi giáo viên đều phải thực hiện, tổ trưởng chỉ cần đưa biểu mẫu đã in sẵn cho giáo viên làm trong cuộc họp tổ, sau đó nộp lại cho văn thư, cho vào túi hồ sơ; nhiệm vụ này chính tổ trưởng cũng phải thực hiện cho cá nhân của mình.

Thực tế, sau khi mỗi cá nhân thực hiện, tổ trưởng có một bản tổng hợp đồng ý theo tự đánh giá của giáo viên để giáo viên làm minh chứng khi thực hiện trên phần mềm.

Với nhiệm vụ (đ), là nhiệm vụ chung của bất cứ giáo viên nào, nếu tổ trưởng là người báo cáo nội dung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho trường, cho tổ thì sẽ có kinh phí riêng chi cho nhiệm vụ này.

Với nhiệm vụ (e), mọi thành viên trong trường học đều có nhiệm vụ này chứ không riêng gì tổ trưởng.

Thực tế, hiệu trưởng thường phân công tổ trưởng những nhiệm ngoài các nhiệm vụ đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cho tổ trưởng như sau:

Kiểm tra hồ sơ giáo án của giáo viên hàng tháng, với việc thực hiện quản lý trường học trên phần mềm hiện nay, chỉ cần vài cú kích chuột là có ngay kết quả giáo viên có thực hiện đúng, đủ theo thời gian không.

Ngoài ra, tổ trưởng còn phải thực hiện nhiệm vụ xếp loại thi đua từng thành viên của tổ, nhiệm vụ này thực hiện trong cuộc họp tổ định kỳ.

Tổ trưởng còn phân công giáo viên dạy thay; phân công giáo viên thực hiện chuyên đề, phân công giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi; lập danh sách giáo viên thanh tra toàn diện, thanh tra chuyên đề … Tất cả nội dung này cũng thực hiện trong cuộc họp tổ chuyên môn, phần lớn trên tinh thần tự giác, tự nguyện.

Với tổ trưởng ở trường trung học phổ thông, có thể tham gia coi thi, chấm thi, … theo điều động của cấp trên đều có đãi ngộ riêng, và tương đối cao, phù hợp tính chất của mỗi nhiệm vụ;

Những nhiệm vụ này cũng không chỉ riêng có với tổ trưởng mà mọi giáo viên đều phải thực hiện nhiệm vụ của giáo viên quy định tại Khoản 8, Điều 27, Thông tư 32.

Thực tế, khi giáo viên đã được quyền chủ động về kế hoạch, nội dung dạy học, phương pháp giảng dạy, tổ trưởng tôn trọng giáo viên sẽ thấy nhiệm vụ nhẹ nhàng.

Ngược lại, nếu còn nặng nề áp đặt nội dung, phương pháp của mình cho người khác, chưa thực sự tôn trọng giáo viên, sẽ thấy áp lực, tính chất công việc phức tạp.

Vì quyền lợi của bản thân mình đang làm tổ trưởng, tổ trưởng sẽ muốn được hưởng chế độ hai trong một, vừa nhận phụ cấp vừa giảm trừ tiết dạy như hiện nay;

Từ thực tế và những phân tích ở trên, theo người viết, tổ trưởng chỉ được hưởng "một trong hai", chọn lựa phụ cấp thì không có giảm trừ tiết dạy là phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1654

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/theo-toi-to-truong-chuyen-mon-huong-1-trong-2-che-do-nhu-du-thao-la-phu-hop-post244447.gd