Thép Nam Kim (NKG): Doanh thu quý I giảm 23%, lợi nhuận 'lao dốc' do thị trường thép ảm đạm
CTCP Thép Nam Kim (mã ck: NKG) vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2025 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan, phản ánh tác động tiêu cực từ nhu cầu thị trường suy yếu và xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Theo báo cáo, trong ba tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần hơn 4.100 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2024; lợi nhuận ròng chỉ đạt 65 tỷ đồng, giảm mạnh 56%, chủ yếu do biên lợi nhuận thu hẹp, giá thép duy trì ở mức thấp và nhu cầu thị trường suy yếu rõ rệt.
Dù kết quả kinh doanh sụt giảm, Thép Nam Kim vẫn ghi nhận một số điểm tích cực trong hoạt động quản trị chi phí. Cụ thể, chi phí tài chính giảm gần 50%, chi phí bán hàng giảm tới 52%, phần lớn đến từ việc giảm chi phí vận chuyển do công ty đã ngừng xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ tháng 9/2024.
Thép Nam Kim hiện đang phải đối mặt với làn sóng bảo hộ thương mại mạnh mẽ, đặc biệt từ thị trường Mỹ. Trong tháng 4/2025, Mỹ đã công bố mức thuế chống bán phá giá tạm thời lên tới 49% đối với sản phẩm tôn mạ xuất khẩu từ Thép Nam Kim – một đòn giáng mạnh vào hoạt động kinh doanh quốc tế của công ty.
Trước đó, sản phẩm của Thép Nam Kim đã chịu thuế 25% khi xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ, công ty đã dừng xuất khẩu sang Mỹ từ quý III/2024, khi sản lượng xuất khẩu sang thị trường này chỉ chiếm khoảng 10% trong năm 2024. “Chúng tôi nghĩ rằng tình hình không thể xấu hơn. Xuất khẩu sang Mỹ hiện không còn diễn ra”, ông Vũ nhận định.
Ở chiều tích cực, Chính phủ Việt Nam vừa quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá lên tới 37% đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, trong đó có Thép Nam Kim, tại thị trường nội địa.
Bất chấp những khó khăn trước mắt, Thép Nam Kim vẫn kiên định với chiến lược dài hạn. Mới đây, công ty đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại Phú Mỹ, với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, sau khi huy động thành công gần 1.600 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu.
Theo Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Quang, nhà máy mới dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2026, tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường nội địa, những dòng sản phẩm mà “Việt Nam chưa từng sản xuất được trước đây”.
Tính đến cuối quý I/2025, Thép Nam Kim còn nắm giữ khoảng 5.900 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm gần 800 tỷ đồng so với đầu năm, cho thấy doanh nghiệp vẫn đang kiểm soát tốt dòng vốn lưu động trong giai đoạn khó khăn.