Thép Nam Kim (NKG): Tiêu thụ thép lên cao nhất 7 quý, hoàn thành 45% mục tiêu lãi cả năm
Tiêu thụ thép của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) trong quý 1/2024 đã chạm mức cao nhất 7 quý trở lại đây trong bối cảnh sản lượng xuất khẩu tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý 1/2024, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.291 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh, từ 3,2% lên 10,7%.
Tính chung 3 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Thép Nam Kim tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đạt 255.000 tấn. Đây cũng là mức sản lượng cao nhất của doanh nghiệp này kể từ quý 2/2022.
Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng hơn 66%, còn sản lượng tiêu thụ trong nước giảm 9%. Công suất hoạt động tại nhà máy của Thép Nam Kim đã đạt khoảng 90% trong quý đầu năm.
Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Thép Nam Kim ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2024 đạt 188 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 49 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.
Năm nay, Thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 420 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 137% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý 1/2024, Thép Nam Kim đã hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 45% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra vào ngày 26/4 vừa qua, ban lãnh đạo Thép Nam Kim tiết lộ, công ty hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch đã đề ra.
Theo đó, Thép Nam Kim dự kiến, sản lượng tiêu thụ trong quý 2/2024 có thể tăng 10% so với quý 1/2024, đạt 280.000 tấn. Đồng thời, công ty đã bảo đảm được lượng hàng xuất khẩu cho quý 2/2024. Mặc dù giá bán có thể thấp hơn quý 1/2024 nhưng sản lượng bán hàng cao được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu tốt cho công ty.
Ban lãnh đạo Thép Nam Kim cũng cho biết thêm, lượng thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang chiếm từ 20 - 25% tổng lượng HRC đầu vào của công ty.
Do đó, nếu HRC Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá thì cũng không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty. Thép Nam Kim có thể chuyển sang sử dụng nguồn HRC từ Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản; tuy nhiên, giá từ các thị trường này có thể cao hơn giá HRC Trung Quốc.
Hiện tại, SSI Research dự báo, biên lợi nhuận trong các quý tiếp theo của Thép Nam Kim có thể sẽ giảm so với mức cao của quý 1/2024 do giá xuất khẩu giảm. Giá thép trung bình tại một số thị trường xuất khẩu đã giảm khoảng 15-25% so với mức đỉnh trong tháng 1/2024.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Thép Nam Kim đạt 12.993 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạt đạt 2.652 tỷ đồng, tăng 38%.
Cuối quý 1/2024, hàng tồn kho của Thép Nam Kim đạt 5.829 tỷ đồng, tương đương với đầu năm. Trong đó, thành phẩm đạt 2.805 tỷ đồng; hàng đang đi trên đường đạt 1.198 tỷ đồng; và nguyên liệu vật liệu đạt 1.676 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý 1/2024, nợ phải trả của Thép Nam Kim đạt 7.419 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (đạt 5.4501 tỷ đồng).