Thép Pomina chưa thể hé lộ danh tính nhà đầu tư chiến lược

Mặc dù chưa công bố cụ thể nhà đầu tư chiến lược, Chủ tịch Pomina Đỗ Duy Thái tiết lộ đây là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động rất gần với ngành thép.

 Danh tính nhà đầu tư chiến lược trong đợt tái cấu trúc của Thép Pomina vẫn là bí ẩn. Ảnh: POM.

Danh tính nhà đầu tư chiến lược trong đợt tái cấu trúc của Thép Pomina vẫn là bí ẩn. Ảnh: POM.

CTCP Thép Pomina (HoSE: POM) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào sáng 1/3 để trình cổ đông các phương án tái cấu trúc công ty.

Đáng chú ý, trong đại hội lần này, ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết chưa thể công bố thông tin cụ thể về nhà đầu tư chiến lược mới. Bản thân nhà đầu tư này cũng chưa muốn công khai danh tính do quy trình đàm phán vẫn đang diễn ra.

Song, Chủ tịch Đỗ Duy Thái tiết lộ đây là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động rất gần với ngành thép.

Cách đây vài ngày, HĐQT Thép Pomina đã cập nhật tờ trình tái cấu cấu trúc, trong đó chuyển sang phương án góp vốn thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ cùng với nhà đầu tư chiến lược mới sau khi tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei Steel (Nhật Bản).

Cụ thể, công ty mới có vốn điều lệ khoảng 2.700-2.800 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng. Thép Pomina sẽ góp 35% vốn điều lệ, tương đương 900-1.000 tỷ đồng, bằng toàn bộ giá trị đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Trong khi đó, nhà đầu tư mới sẽ góp 65% vốn còn lại bằng tiền, tương đương 1.800-1.900 tỷ đồng.

Kế hoạch mới của Thép Pomina đồng nghĩa công ty sẽ bán lại đất đai, nhà xưởng, dây chuyền và nhà máy cho nhà đầu tư mới và chỉ nhận lại một phần vốn. Với việc thành lập pháp nhân mới, nhà đầu tư chiến lược sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với CTCP Pomina Phú Mỹ, không chịu trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan tới Thép Pomina.

Tuy nhiên, so với mức góp vốn dự kiến của Thép Pomina, giá trị của 2 nhà máy lại cao hơn rất nhiều.

Theo kết quả định giá tài sản của Công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản hiện vật của 2 nhà máy dự kiến đưa vào vốn góp thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT 10%). Trong đó, giá trị của Pomina 1 là 336,4 tỷ đồng và Pomina 3 là 6.357,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này ước tính tổng giá trị của 2 nhà máy dao động 6.000-6.800 tỷ đồng, đồng thời kỳ vọng thu hồi lại khoảng 5.100-5.800 tỷ đồng sau khi đã trừ phần vốn góp vào CTCP Pomina Phú Mỹ.

Số tiền thu hồi được sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn tại các ngân hàng (khoảng 3.757 tỷ đồng) và khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp (khoảng 1.343 tỷ đồng).

Chủ tịch Đỗ Duy Thái cho biết mục tiêu của đợt tái cấu trúc nhằm lành mạnh hóa tài chính, đồng thời huy động vốn để khởi động lại lò cao vào quý III năm nay và hướng tới việc có lợi nhuận vào quý tiếp theo.

Lãnh đạo Thép Pomina sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư về việc sáp nhập đơn vị còn lại là CTCP Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ để tận dụng ưu thế lò cao và giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, việc đưa dây chuyền về nhà máy Pomina Phú Mỹ có thể cải thiện tình trạng gang bị nguội trong quá trình vận chuyển, qua đó giảm giá thành khoảng 450.000 đồng/tấn.

Ông Đỗ Tiến Sĩ, Tổng giám đốc Thép Pomina ước tính doanh thu tại nhà máy Pomina Phú Mỹ có thể đạt 14.000-15.000 tỷ đồng, chưa tính đến nguồn thu từ nhà máy Pomina 2.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thep-pomina-chua-the-he-lo-danh-tinh-nha-dau-tu-chien-luoc-post1462694.html