Thép Pomina lên kế hoạch khắc phục việc chậm công bố thông tin tài chính

CTCP Thép Pomina (mã POM - sàn HoSE) nêu lý do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp và lộ trình khắc phục việc chậm công bố thông tin.

Ngày 22/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 23/5, cổ phiếu POM chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần. Lý do bởi công ty này chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán.

Nói về việc chậm nộp Báo cáo tài chính được kiểm toán trong 3 năm liên tiếp và khắc phục âm vốn lưu động, Thép Pomina cho biết có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Năm 2021, khi dịch bùng nổ cũng là lúc Thép Pomina đang xây dựng dự án lò cao, khiến dự án bị kéo dài thời gian lắp đặt, chạy thử và đi vào hoạt động gây phát sinh nhiều chi phí khi cho vốn đầu tư dự án tăng lên rất nhiều so với dự toán ban đầu.

Thứ hai, ảnh hưởng cuộc xung đột giữa Nga - Ukraina và chính sách "zero covid" của Trung Quốc. Trong đó, kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn, ngành bất động sản đóng băng khi nguồn huy động vốn bị siết chặt, lãi suất vay tăng mạnh... đã khiến công ty phải cắt giảm sản xuất, lợi nhuận bị bào mòn dẫn đến vốn lưu động bị âm (nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản lưu động).

Thứ ba, trước tình hình khó khăn buộc Công ty phải sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, vì vậy việc thu thập thông tin, đối chiếu tài liệu, xác nhận công nợ, đàm phán với nhà cung cấp được giãn hoãn các khoản thanh toán đã làm mất rất nhiều thời gian cho việc kiểm toán báo cáo tài chính của Thép Pomina.

Và cuối cùng, tiến trình tái cấu trúc của Thép Pomina đến thời điểm này tuy có chuyển biến tích cực nhưng cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến quy định pháp lý, sự thận trọng của nhà đầu tư, giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài… buộc Công ty phải xoay qua tìm cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư trong nước.

Thép Pomina cho biết thêm Công ty đang tích cực đẩy nhanh tiến độ làm việc với nhà đầu tư sớm có bản thỏa thuận hợp tác đầu tư để cung cấp cho công ty kiểm toán. Hiện tại, công ty đang trong giai đoạn cuối cùng với nhà đầu tư và công ty kiểm toán để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Báo cáo dự kiến sẽ công bố ngay sau khi hoàn tất và chậm nhất là ngày 20/6/2024.

Trước đó, ngày 10/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định hủy niêm yết bắt buộc hơn 279,6 triệu cổ phiếu POM trên sàn HoSE từ ngày 10/5/2024. Trong đó, lý do được đưa ra do đơn vị chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán trong 3 năm liên tiếp.

Sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội quyết định chấp thuận niêm yết hơn 279,6 triệu cổ phiếu Thép Pomina trên sàn UPCoM, ngày giao dịch đầu tiên là 23/5 và giá tham chiếu là 2.800 đồng/cổ phiếu.

Thép Pomina đang tìm cổ đông để tái cấu trúc

Về kế hoạch tái cấu trúc, Thép Pomina cho biết nhằm làm lành mạnh hóa cơ cấu tài chính, đồng bộ các khâu luyện và cán thép nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và nhà máy luyện phôi thép - Chi nhánh (Pomina 3).

Công ty quyết định thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ khoảng 2.700 - 2.800 tỷ đồng; và vốn vay ngân hàng là 4.000 tỷ đồng. Như vậy, ước tính vốn điều lệ chiếm 40% tổng nguồn vốn, và còn lại 60% là vốn vay.

Về cơ cấu cổ đông tại CTCP Pomina Phú Mỹ, Thép Pomina sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ (khoảng 900 đến 1.000 tỷ đồng) và còn lại 65% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác (khoảng 1.800 - 1.900 tỷ đồng).

Đối với phần góp của Thép Pomina, Công ty sẽ góp vốn bằng hiện vật toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị tại 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3, sau góp vốn sẽ chấm dứt đăng ký kinh doanh của 2 đơn vị; các cổ đông khác sẽ góp vốn bằng tiền mặt.

Công ty kiểm toán AFC & Savills đã định giá hai nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 thuộc Thép Pomina với giá trị 6.694 tỷ đồng.

Căn cứ vào giá trị định giá, giá trị hai nhà máy của Thép Pomina khoảng 6.000 đến 6.800 tỷ đồng, Thép Pomina sẽ góp từ 900 đến 1.000 tỷ đồng vào pháp nhân mới là Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ. Như vậy, giá trị thu hồi được sau khi góp vốn 2 nhà máy là 5.100 đến 5.800 tỷ đồng.

Đối với số tiền thu hồi còn lại, Thép Pomina dự kiến dùng 3.757 tỷ đồng để thanh toán các khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại Ngân hàng; và còn lại 1.343 tỷ đồng để thanh toán các khoản phải trả các nhà cung cấp.

Tiếp tục lỗ trong quý đầu năm 2024, nâng tổng lỗ lũy kế 1.697,1 tỷ đồng

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024 (báo cáo tự lập), Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 471,44 tỷ đồng, giảm 71,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận âm 224,9 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 186,6 tỷ đồng, tức lỗ thêm 38,3 tỷ đồng.

Lý giải việc tiếp tục lỗ trong quý đầu năm 2024, Thép Pomina cho biết do nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy thép Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu chi phí quản lý, chi phí lãi vay. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất nên lỗ trong kỳ và hiện tại Công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc nhằm có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.

Với việc tiếp tục lỗ trong quý I/2024, tính tới 31/3/2024, tổng lỗ lũy kế của Thép Pomina đã lên tới 1.697,1 tỷ đồng, bằng 60,7% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.796,8 tỷ đồng).

Tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của Thép Pomina giảm nhẹ 3,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 328,8 tỷ đồng, về 10.075,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ còn hơn 6 tỷ đồng và tổng nợ vay lên tới 6.232,87 tỷ đồng (5.386,9 tỷ đồng vay ngắn hạn và 845,97 tỷ đồng vay dài hạn), bằng 533,4% vốn chủ sở hữu.

Thép Pomina thuyết minh chủ nợ vay lớn nhất chủ yếu 2.573,1 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM; 1.639,2 tỷ đồng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM; 488,5 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam…

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thep-pomina-len-ke-hoach-khac-phuc-viec-cham-cong-bo-thong-tin-tai-chinh-d216382.html