Thi công cầu Đại Ngãi 1: Sớm rút ngắn 80km từ miền Tây về TP.HCM

Công trình cầu Đại Ngãi 1 dài hơn 3km và đường dẫn hai đầu cầu có giá trị xây lắp hơn 3.900 tỷ đồng, bắc qua luồng Định An của sông Hậu, nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, thuộc dự án cầu Đại Ngãi.

Sáng 9/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cùng Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dự lễ triển khai thi công gói thầu 15-XL xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn tại xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh (hàng trước, thứ ba từ trái sang) nghe báo cáo tình hình triển khai dự án cầu Đại Ngãi 1.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh (hàng trước, thứ ba từ trái sang) nghe báo cáo tình hình triển khai dự án cầu Đại Ngãi 1.

Gói thầu 15-XL thuộc dự án xây dựng cầu Đại Ngãi, công trình cầu dây văng lớn thứ hai Việt Nam (sau cầu Cần Thơ), được thực hiện bởi liên danh nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Xây dựng và lắp máy Trung Nam và các công ty khác, do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Thời gian thực hiện dự án là 1.250 ngày, dự kiến hoàn thành tháng 6/2028. Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư.

Tại lễ triển khai thi công, Bộ trưởng Trần Hồng Minh tin tưởng dự án về đích sớm bởi nhà thầu giàu kinh nghiệm trong thi công cầu lớn, kể cả cầu vượt biển. Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 sớm hoàn thành sẽ kết nối Trà Vinh, Sóc Trăng với TP.HCM, rút ngắn thời gian và quãng đường đáng kể, giúp bà con đi lại, giao thương thuận lợi hơn.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh (đứng giữa) và Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm (ngoài cùng bên phải) ấn nút khởi công cầu Đại Ngãi 1.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh (đứng giữa) và Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm (ngoài cùng bên phải) ấn nút khởi công cầu Đại Ngãi 1.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho biết liên danh nhà thầu đã chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng thi công ngay sau lễ triển khai.

Theo ông Đông, hiện Việt Nam chưa có trung tâm thử nghiệm đặc thù kiểm soát chất lượng các công trình cầu dây văng lớn do vốn đầu tư cao. Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) và Công ty SOH Wind Engineering (Đan Mạch) để nghiên cứu tác động gió và khí động học. Dự kiến, phòng thí nghiệm hầm gió đầu tiên tại Việt Nam sẽ được triển khai, kết hợp đào tạo nhân lực.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi 1 bắc qua luồng Định An, sông Hậu.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi 1 bắc qua luồng Định An, sông Hậu.

Dự án cầu Đại Ngãi (gồm cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) dài 15km trên quốc lộ 60, có điểm đầu tại xã Hùng Hòa (Tiểu Cần, Trà Vinh) và điểm cuối tại xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng). Đây là dự án nhóm A, vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự án có 5 nút giao, 7 cầu, chia làm 4 gói thầu.

Trong đó, gói thầu 15-XL thi công cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn trị giá 3.907 tỷ đồng. Cầu dài hơn 3km, phần cầu chính dây văng qua luồng Định An, sông Hậu, rộng 21,5m, có hai trụ tháp chữ A cao 110m, sơ đồ nhịp chính 210+450+210m.

Máy móc thiết bị sẵn sàng thi công ngay sau lễ triển khai.

Máy móc thiết bị sẵn sàng thi công ngay sau lễ triển khai.

Khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi (gồm cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) sẽ cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam và với TP.HCM, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, mở rộng giao thương và phá bỏ thế độc đạo của quốc lộ 1.

Theo tính toán, cầu Đại Ngãi giúp rút ngắn khoảng 80km so với tuyến quốc lộ 1 khi đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM và ngược lại.

Trước đó, dự án cầu Đại Ngãi 2 đã được khởi công (15/10/2023). Sau hơn một năm thi công, cầu Đại Ngãi 2 hiện đã đạt trên 55% khối lượng. Hồi đầu tháng 12/2024, nhà thầu đã gác những dầm cầu đầu tiên của dự án này.

Theo thiết kế, cầu Đại Ngãi 2 dài 862m, có tổng cộng 13 nhịp, với 91 dầm cầu, mỗi dầm nặng hơn 80 tấn, dài gần 40m. Riêng nhịp chính dài 330m được thi công dạng kết cấu đúc hẫng.

Dự kiến, cầu Đại Ngãi 2 sẽ hợp long vào tháng 1/2025 và đưa vào sử dụng trong năm này.

Cầu Đại Ngãi 2 vượt sông Hậu giáp cửa biển Trần Đề, nối liền huyện đảo Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng với đất liền, phá thế cô lập giữa sông Hậu của vùng đất này.

Cầu Đại Ngãi 2 được xây dựng bởi liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, Công ty CP Tập đoàn Thuận An.

Nguyên Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khoi-cong-cau-dai-ngai-1-rut-ngan-80km-tu-mien-tay-ve-tphcm-192241209061736693.htm