Thi công đường không tham vấn ý kiến, hàng trăm mét kênh thủy lợi bị vùi lấp

Thời gian qua, một số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái bị hư hỏng, vùi lấp bởi các dự án thi công các công trình xây dựng.

Nguyên nhân là do trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư và đơn vị thi công không quan tâm tham vấn ý kiến của đơn vị quản lý công trình thủy lợi.

Việc thi công tuyến đường ảnh hưởng lớn đến công trình thủy lợi. (Ảnh: một tuyến kênh bị rãnh thoát nước của tuyến đường chồng lấn lên).

Việc thi công tuyến đường ảnh hưởng lớn đến công trình thủy lợi. (Ảnh: một tuyến kênh bị rãnh thoát nước của tuyến đường chồng lấn lên).

Trong số các công trình xây dựng mà quá trình thi công gây ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi phải kể đến dự án công trình cải tạo đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15), đoạn đi qua xã Xuân Ái - Yên Hợp, huyện Văn Yên, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đại Lợi - đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Văn Yên, Dự án công trình cải tạo đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) đoạn đi qua xã Xuân Ái - Yên Hợp, huyện Văn Yên (do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư) đang thi công đã vùi lấp, phá hủy hơn 320 m kênh cấp 1 và kênh nội đồng thuộc hệ thống công trình thủy lợi Khe Vải, hiện vẫn chưa hoàn trả, dẫn đến khó khăn trong quá trình dẫn nước phục vụ sản xuất của công ty này.

Không những thế, dự án trên còn thiết kế nhiều điểm rãnh thoát nước đường bộ đấu nối đổ trực tiếp vào hệ thống kênh cấp 1 và kênh nội đồng của công trình thủy lợi Khe Vải, gây nguy cơ ách tắc dòng chảy, ngập úng do công trình thủy lợi không thể đảm bảo việc tiêu thoát nước.

Bà Tô Phương Dung, Phó Giám đốc Công ty Đại Lợi cho biết, chủ đầu tư và đơn vị thi công không hề thông báo, hay có bất cứ trao đổi nào với phía Công ty Đại Lợi.

Bà Tô Phương Dung, Phó Giám đốc Công ty Đại Lợi cho biết, chủ đầu tư và đơn vị thi công không hề thông báo, hay có bất cứ trao đổi nào với phía Công ty Đại Lợi.

Bà Tô Phương Dung, Phó Giám đốc Công ty Đại Lợi cho biết, điều rất khó hiểu là khi thi công, chủ đầu tư và nhà thầu Dự án công trình cải tạo đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn đi qua xã Xuân Ái và Yên Hợp, huyện Văn Yên không hề thông báo, hay có bất cứ trao đổi nào với phía Công ty Đại Lợi.

"Khi tiến hành khảo sát, thiết kế và thi công, đơn vị chủ đầu tư không thông báo với công ty và cũng không có sự tham vấn với công ty về việc phối hợp thực hiện", bà Dung nói.

Canh tác lâu năm trên cánh đồng lớn tại thôn Trung Tâm, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, ông Nguyễn Văn Tuân nhìn hệ thống kênh dẫn nước bị Dự án công trình cải tạo đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) vùi lấp mà vô cùng lo lắng, bởi nếu không được khắc phục, sẽ không đủ nước tưới tiêu cho sản xuất.

"Bây giờ làm đường mở rộng ra thì nó lấp mương tưới nước, ruộng ở đây mùa tới không có nước vào. Bây giờ đề nghị, nếu như đã lấp ra thì phải làm thế nào có một cái mương để lấy nước cho vụ sau", ông Tuân than thở.

Ông Nguyễn Văn Tuân cho rằng, nếu không hoàn trả kênh mương sẽ không đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Tuân cho rằng, nếu không hoàn trả kênh mương sẽ không đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, qua kiểm tra cho thấy, việc thiết kế rãnh thoát nước đấu nối (thuộc Dự án cải tạo đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua xã Xuân Ái và Yên Hợp, huyện Văn Yên) có nhiều vị trí đổ nước trực tiếp vào hệ thống kênh cấp 1 và kênh nội đồng của công trình thủy lợi Khe Vải, gây ảnh hưởng đến năng lực tiêu, thoát nước của công trình, khiến hơn 7 ha lúa có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp.

Bên cạnh đó, một số tuyến kênh bị phá bỏ chưa được thi công hoàn trả, như tuyến kênh cấp 1 tại lý trình Km 26+680, thuộc địa phận xã Xuân Ái bị phá bỏ với chiều dài 84,5 m...

Ông Đinh Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hợp, địa phương có nhiều diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng cho biết, về phía địa phương đề xuất, bây giờ có một số tuyến mương đơn vị thi công chưa hoàn trả thì sẽ khẩn trương hoàn trả, để đảm bảo tưới tiêu trong tháng 6 này, vì vụ này bắt đầu rất sớm, 30/5 là bắt đầu dùng đến nước rồi, sang tháng 6 là đến vụ hè thu rồi.

Đơn vị thi công còn xây rãnh thoát nước đổ thẳng ra ruộng.

Đơn vị thi công còn xây rãnh thoát nước đổ thẳng ra ruộng.

Hiện nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đang đề nghị đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện nhiều biện pháp khắc phục như: khơi thông các tuyến mương đã bị vùi lấp do ảnh hưởng của thi công tuyến đường để đảm bảo dẫn nước; có thiết kế và thi công hoàn trả lại các tuyến kênh dẫn nước bị phá vỡ cho phù hợp. Đối với hệ thống cống, rãnh thoát nước mặt đường, đề nghị thiết kế bổ sung hố thu, bể lắng cát và thu nước để đảm bảo không bị bồi lấp kênh thủy lợi trong quá trình vận hành… Thời gian khơi thông và thi công hoàn trả phải xong trong tháng 5/2023.

Việc khắc phục chắc chắn chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên qua sự việc này cho thấy, việc thiết kế công trình nếu không quan tâm đến các hạ tầng đã có sẵn, không tham vấn ý kiến các bên liên quan sẽ dẫn đến chồng chéo hạ tầng kết cấu. Như thế, sẽ vừa gây lãng phí, vừa khó khăn cho công tác quản lý, vận hành các công trình; hơn cả là ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của nhiều hộ dân./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thi-cong-duong-khong-tham-van-y-kien-hang-tram-met-kenh-thuy-loi-bi-vui-lap-post1019142.vov