Thi công đường lại… lấp sông
Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn huyện Vĩnh Linh và Gio Linh có chiều dài 21,3km. Ban đầu, dự án được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2021, sau đó phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 135, tháng 8/2021. Sau điều chỉnh để phù hợp với thực tế, tuyến đường thi công giai đoạn 1 có chiều dài gần 15km và bổ sung cầu tại Km 25+300 trên đường tỉnh ĐT571. Dự án do Sở GTVT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, có tổng mức kinh phí hơn 229 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2024.
Ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường nhằm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực khi thiên tai xảy ra và phục vụ công tác quản lý, phòng chống cháy rừng, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng miền núi và biên giới. Ngoài ra, dự án nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo thành trục ngang phía Bắc của tỉnh kết nối khu vực miền núi với đồng bằng, phá thế độc đạo Quốc lộ 9 từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và ngược lại, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn, đặc biệt các xã rẻo cao, biên giới Vĩnh Ô, Vĩnh Hà của huyện Vĩnh Linh và Hướng Việt, Hướng Lập của huyện Hướng Hóa.
Trong số gần 15km đường nói trên, chỉ một phần ngắn đi qua xã Linh Trường của huyện Gio Linh, còn lại tập trung đi qua địa bàn 8 thôn của xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh. Đáng nói, trong quá trình san ủi mặt bằng, các đơn vị thi công vừa trực tiếp múc, san gạt đất đá từ trên các đồi cao đổ lấp xuống sông suối, vừa vận chuyển nguồn vật liệu dư thừa này từ những điểm thi công mặt bằng khác cùng trên tuyến đường đổ lấp xuống sông suối ở đây.
PV Báo CAND ghi nhận trên suốt 12km vừa thi công xong mặt bằng này, có trên 10 điểm lớn đổ thẳng đất đá xuống lòng sông, với mỗi điểm có chừng hơn 1.000m3. Nhiều khúc sông vì thế bị thu hẹp dòng chảy, với chiều ngang trước đây từ 30 - 50m nay chỉ còn 3 - 5m.
Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô bức xúc cho biết, quá trình san ủi đất đá đồi núi ở đây để làm mặt bằng tuyến đường, chính quyền và người dân địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, phản ánh trực tiếp với các đơn vị thi công dự án nhưng họ vẫn cố tình vi phạm. Hậu quả của việc ồ ạt đổ đất đá lấp sông suối này không chỉ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước dùng cho cả sinh hoạt và sản xuất của người dân, mà còn gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh, khiến tôm cá ngày càng bị chết dần, hiện không còn thấy như trước. Ngoài ra, việc hàng trăm nghìn m3 đất đá đổ xả tự do xuống lòng sông chắc chắn sẽ gây ra việc bồi lấp, nhấn chìm ruộng vườn, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở vùng hạ du vào mùa mưa lũ.
Tìm hiểu được biết, dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn các xã Linh Trường của huyện Gio Linh và 8 bản của xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh do 3 doanh nghiệp tư nhân trúng thầu thi công, gồm Công ty Cổ phần Thành An, Công ty Cổ phần Trường Danh và Công ty Cổ phần Xây dựng dịch vụ thương mại 68. Trong thực tế, trên công trường này còn xuất hiện một số nhà thầu khác với vai trò "thầu phụ", "thầu lại" của các đơn vị trúng thầu. Việc san ủi đồi núi, vận chuyển nguồn vật liệu đất đá dư thừa đổ ồ ạt xuống các sông suối qua địa bàn Vĩnh Ô hầu như xảy ra trên suốt tuyến đường vừa thi công xong mặt bằng. Trong đó, càng đi lên phía thượng nguồn, tình trạng thi công vô phép tắc này càng diễn ra phổ biến.
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho hay, trong khảo sát, thiết kế xây dựng dự án có việc xây dựng các bãi thải để các đơn vị thi công vận chuyển đổ tập kết nguồn vật liệu đất đá dư thừa kể trên. Lãnh đạo đơn vị cũng thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị giám sát, quản lý dự án phải bám sát công trường, chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu thi công đảm bảo theo phép tắc. "Trước phản ánh của người dân và phóng viên, đơn vị sẽ sớm tổ chức kiểm tra để xử lý sự việc", lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/thi-cong-duong-lai-lap-song-i730755/