Thi công ngày đêm, tăng tốc bù tiến độ các dự án đường cao tốc bắc-nam
Sau các chuyến đi thị sát trực tiếp công trường, tại cuộc họp mới đây về tình hình giải ngân, một lần nữa Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án rà soát, kiên quyết xử lý các nhà thầu năng lực yếu, không để ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn 1) cũng như kết quả giải ngân chung của ngành.
Những ngày này, tại công trường các dự án đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn I) không khí lao động hối hả, thi công ngày đêm nhằm tăng tốc bù lại tiến độ, quyết tâm bằng mọi giá hoàn thành đúng hẹn theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Huy động máy móc, dồn lực thi công
Dự án thành phần đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 là một trong 4 dự án thuộc đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn I) yêu cầu phải hoàn thành cuối năm nay. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến việc huy động, nhân sự của nhà thầu, nhất là việc huy động thiết bị đặc chủng xử lý nền đất yếu, nhiều mũi thi công bị ngừng trệ do cách ly ca F0 tại công trường.
Từ cuối năm 2021 trở lại đây, thời tiết trong khu vực xảy ra mưa lớn và kéo dài (riêng từ đầu năm 2022 đến nay, địa bàn dự án có tới 140 ngày mưa), đe dọa tiến độ thi công, nhất là dự án có công địa đất yếu lớn, phải xử lý nền đường nhiều giai đoạn. Đó là chưa kể thời điểm giữa năm 2022, “bão giá” nguyên vật liệu trong thời gian dài đã khiến nhiều nhà thầu thi công lao đao, càng làm càng lỗ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Định An, Cao Đăng Hoạt, nhà thầu tại dự án Mai Sơn-quốc lộ 45 đánh giá: Nhà thầu không chỉ chịu “tác động kép” nữa mà có thể coi như bị “tác động tam, tứ”, do giá thép, xi-măng, xăng dầu, vật liệu cát, đất đắp,... đồng loạt bị đẩy lên rất cao vượt quá dự tính của đơn vị, chưa kể các lực lượng chức năng siết chặt tải trọng đối với phương tiện, khiến tiến độ vận chuyển, đắp nền bị chậm lại. Rất may là Định An được địa phương giao mỏ đất, nên chủ động vật liệu đắp, hiện tại sản lượng thi công vẫn bảo đảm đúng tiến độ.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết, trên toàn bộ 5 gói thầu của dự án, các đơn vị đang triển khai 79 mũi thi công, gồm 52 mũi thi công đường và cấu kiện, 24 mũi thi công cầu, 3 mũi thi công hầm.
Tổng sản lượng thi công đến hết ngày 28/11 đạt gần 5.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 77% giá trị xây lắp theo hợp đồng. Hiện nay, việc xử lý nền đất yếu đã hoàn thành, khối lượng đắp nền đường đạt khoảng 95%; các công trình cầu cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới, đang thi công kết cấu phần trên (tổng sản lượng đạt gần 88%); công trình hầm Tam Điệp đã cơ bản hoàn thành,...
Tại gói thầu 12-XL, sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo điều chuyển khối lượng của nhà thầu Hoàng Long (do năng lực kém) cho đơn vị khác, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã điều chuyển 600 m cuối tuyến (đoạn Km 307+00 đến Km 307+600) cho Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Tập đoàn Đèo Cả đã điều động hàng chục đầu máy thiết bị, vận chuyển cấp tốc đến công địa thi công dự án.
Tại hạng mục hầm Thung Thi, bất chấp thời tiết vài ngày trước mưa lớn, Đèo Cả cũng đang gấp rút thi công 24/24 giờ, hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để chuẩn bị đưa vào vận hành khai thác cuối năm nay. Hiện nay, bên trong hầm đã cơ bản hoàn thiện, nhà thầu đang tổ chức lắp đặt hệ thống thiết bị chuyên dụng, hệ thống điện, thông gió,...
Theo đánh giá của đại diện chủ đầu tư, kết quả thi công hiện nay của gói thầu XL12 và hầm Thung Thi rất tích cực, khẳng định quyết tâm cao độ và năng lực thi công khá tốt của Tập đoàn Đèo Cả.
Có chế tài xử lý đơn vị giải ngân chậm
Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho hay, dự án thành phần quốc lộ 45-Nghi Sơn có chiều dài hơn 43km, qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, tổng mức đầu tư hơn 5.534 tỷ đồng. Giá trị sản lượng thực hiện từ khi khởi công đến đạt hơn 58% giá trị các hợp đồng, vượt so tiến độ yêu cầu. Vướng mắc lớn nhất của dự án thời gian qua là mỏ vật liệu trữ lượng thấp, không bảo đảm chất lượng công trình.
Vật liệu đất đắp cần cho dự án hơn 5,5 triệu mét khối, nhu cầu hiện cần khoảng 1,4 triệu mét khối; trữ lượng đổ thải của dự án khoảng 1,65 triệu mét khối, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất địa điểm bãi đổ thải, song thực tế một số vị trí gặp khó khăn.
Trước thực tiễn dự án gặp khó khăn khách quan tại hiện trường, Ban Quản lý dự án 2 đã điều động một Phó giám đốc Ban trực tiếp phụ trách công trường, phối hợp cùng địa phương giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh, hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Năm nay, dự án được bố trí điều chỉnh vốn gần 950 tỷ đồng, giải ngân vốn từ đầu năm đến nay đạt khoảng 792 tỷ đồng (hơn 83,35% kế hoạch năm).
Kiểm điểm tiến độ giải ngân và tiến độ thi công các dự án của Bộ Giao thông vận tải, đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư đánh giá, dự kiến đến hết tháng 11/2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so kế hoạch được bổ sung và 69,4% so kế hoạch giao đầu năm), gồm 31.174 tỷ đồng vốn trong nước và 3.709 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải được duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước dự kiến giải ngân khoảng 57%), song toàn ngành giao thông vẫn còn 24 dự án chưa đáp ứng kế hoạch giải ngân. Theo đó, nhóm các dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn I, dự án thành phần đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt chậm khoảng 27,3% (164 tỷ đồng); Cam Lộ-La Sơn chậm khoảng 17,3% (262 tỷ đồng), Nha Trang-Cam Lâm chậm khoảng 9,8% (gần 77 tỷ đồng),...
Theo nhận định của Bộ trưởng, đối với khối lượng phải giải ngân còn lại, lo ngại nhất là nhóm các dự án giao cho 7 địa phương. Nếu địa phương không quyết liệt triển khai, nhất là giải phóng mặt bằng, Bộ sẽ xem xét khoanh lại, bàn giao cho địa phương, không đầu tư tiếp. Các địa phương phải tập trung cao độ, tỏ rõ thái độ kiên quyết với tất cả các nhà thầu năng lực thi công yếu kém. Cần phải có chế tài xử lý đối với đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, thưởng phạt nghiêm minh để bảo đảm kết quả chung của ngành.
Từ nay đến cuối năm, ngành giao thông cần tiếp tục giải ngân hơn 20 nghìn tỷ đồng. Về tiến độ triển khai các dự án giao thông đường bộ lớn sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện có 8 dự án lớn chưa đáp ứng tiến độ giải ngân và tiến độ thi công; trong đó, có 5 dự án do địa phương làm chủ đầu tư.
Một trong những dự án “báo động đỏ” về tiến độ triển khai là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu-Ba Đa do Sở Giao thông vận tải Hà Nam làm chủ đầu tư, lũy kế giải ngân đến hết tháng 11 chậm khoảng 69,5% do tiến độ thi công chậm khoảng 40% so kế hoạch.
Lo lắng trước nguy cơ vỡ tiến độ dự án, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư xem xét xử lý ngay nhà thầu thi công chậm trễ theo quy định của hợp đồng đã ký, trường hợp cần thiết phải bổ sung nhà thầu, tập trung thi công bù lại tiến độ chậm. Các chủ đầu tư được yêu cầu chỉ đạo quyết liệt nhà thầu tập trung thi công “3 ca, 4 kíp”, bảo đảm tiến độ và hoàn thành kế hoạch giải ngân.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, các nhà thầu phải tập trung phương tiện, thiết bị thi công đặc chủng và huy động tối đa nhân lực thi công 3 ca, cam kết bằng mọi giá phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác dự án cuối năm nay.
Riêng hai dự án cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-quốc lộ 45 và Cam Lộ-La Sơn, nhà thầu phải tập trung tối đa nhân lực, máy móc, tăng cường “3 ca, 4 kíp” bảo đảm khánh thành, đưa vào khai thác ngày 31/12/2022, kiên quyết không lùi tiến độ; hai dự án còn lại do vướng mắc khách quan không thể hoàn thành cuối năm nay, vẫn phải dồn lực, đạt mục tiêu thông xe kỹ thuật cuối năm nay và đưa vào khai thác từ tháng 4/2023.
“Hiện nay, có thể đánh giá đã qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nhà thầu chỉ cần tập trung huy động nhân lực, thiết bị thi công là có thể nhanh chóng bù tiến độ. Tôi yêu cầu các Ban Quản lý dự án và nhà thầu quán triệt rõ tinh thần của Bộ Giao thông vận tải là làm hết tốc lực, chạy nước rút trong những bước cuối cùng, chuẩn bị tâm thế thi công xuyên Tết, công trường không nghỉ để vượt tiến độ và đạt chất lượng đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.