Thi công tu bổ tháp Bánh Ít không để ảnh hưởng di tích gốc

Ngày 10/3, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết, sau khi nhận thông tin phản ánh về việc thi công, tu bổ và phát huy giá trị cụm di tích tháp Bánh Ít có sử dụng xe cơ giới để san gạt mặt bằng, một số vị trí thi công chưa đảm bảo nội dung được Bộ VH,TT&DL thẩm định, thỏa thuận; đơn vị đã có văn bản gửi Sở VH&TT tỉnh Bình Định, đề nghị kiểm tra thực tế.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ cụm di tích tháp Bánh Ít, căn cứ nội dung dự án được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích; gửi báo cáo về Bộ VH,TT&DL (qua Cục Di sản Văn hóa).

Được biết, vào ngày 1/9/2021, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị cụm di tích tháp Bánh Ít tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Công trình do Sở VH&TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022.

Ngày 27/10/2021, Bộ VH,TT&DL có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Tháng 12/2021, công trình chính thức khởi công. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhà thầu sử dụng máy đào để san gạt sân phía trước tháp chính và khuôn viên tháp chính, trong khi theo hồ sơ dự án thì việc đắp cát công trình bằng thủ công và máy đầm đất cầm tay.

Tiếp nhận thông tin này, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND xã Phước Hiệp, Sở VH&TT và các bên liên quan kiểm tra, chấn chỉnh.

Tại buổi kiểm tra, các bên thống nhất đề nghị dừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước tháp chính và khuôn viên tháp chính bằng máy cơ giới. Cụm di tích tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII; là cụm di tích còn nhiều tháp nhất (4 tháp) trong các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Định. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp này được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 1982; được đưa vào tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh...

Việc chủ đầu tư để đơn vị thi công đưa phương tiện cơ giới vào thi công, san gạt ở khu vực tháp Bánh Ít, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho rằng, đây là việc sai hoàn toàn. Trong Luật Di sản Văn hóa đã quy định rõ, những khu vực nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm và khu vực nào có thể điều chỉnh. Trước đây, các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di tích đã quy định tháp Bánh Ít chỉ có một khu vực duy nhất (khu vực I), mà khu vực I trong Luật Di sản Văn hóa quy định là bất khả xâm phạm, cấm làm thay đổi cảnh quan của di tích.

Cũng theo TS Hòa, tháp Chăm cổ đẹp nhất là giữ nguyên vẻ đẹp điêu khắc trên tháp, bản thân tháp đã đẹp rồi, không cần phải làm thêm bồn hoa cây cảnh, hay bê tông hóa khuôn viên tháp. Vật liệu đá xây lát nền cho các di tích tháp Chăm là chỉ sử dụng đá tổ ong, không sử dụng những vật liệu mới như gạch, đá chẻ. Việc để doanh nghiệp, đơn vị thi công huy động phương tiện cơ giới xâm hại tháp Bánh Ít cần làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư là Sở VH&TT tỉnh Bình Định.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/thi-cong-tu-bo-thap-banh-it-khong-de-anh-huong-di-tich-goc-i646647/