Thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, phụ huynh đồng thuận, học sinh phấn khởi

Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai có công văn hướng dẫn, nhiều trường THCS đã triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần. Qua khảo sát, chủ trương này được giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh đồng thuận, nhất trí cao.

Đồng thuận cao

Sau hơn 1 tuần triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần (nghỉ học chính khóa ngày thứ bảy và chủ nhật), Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Trung Trực (thị trấn Phú Thiện) đã nhận được những phản hồi tích cực từ học sinh, phụ huynh và giáo viên. Các ý kiến đều cho rằng, việc tổ chức dạy học 5 ngày/tuần đối với bậc THCS là tiếp nối thời gian tổ chức dạy học của bậc mầm non và tiểu học, giúp việc dạy và học tại trường được tập trung hơn cũng như kéo dài khoảng thời gian nghỉ vào cuối tuần cho cả học sinh và giáo viên.

Em Trần Dương Gia Bảo (lớp 8.1, Trường THCS Nguyễn Trung Trực) chia sẻ: “Khi nhà trường triển khai dạy học 5 ngày/tuần, em rất phấn khởi. Đây là mong ước bấy lâu của chúng em. Thay vì học 2 tiết vào chiều thứ bảy thì nay chúng em học vào sáng thứ tư nên không ảnh hưởng gì nhiều. Trong khi đó, em có trọn vẹn 2 ngày nghỉ cuối tuần để thư giãn, đỡ đần cha mẹ việc gia đình”.

 Được nghỉ 2 ngày cuối tuần giúp em Trần Dương Gia Bảo (thứ 2 từ trái sang, học sinh lớp 8.1, Trường THCS Nguyễn Trung Trực) cùng các bạn nâng cao khả năng tự học. Ảnh: V.C

Được nghỉ 2 ngày cuối tuần giúp em Trần Dương Gia Bảo (thứ 2 từ trái sang, học sinh lớp 8.1, Trường THCS Nguyễn Trung Trực) cùng các bạn nâng cao khả năng tự học. Ảnh: V.C

Đối với giáo viên, việc được nghỉ dạy ngày thứ bảy cũng giúp giảm bớt áp lực công việc. Cô Trần Thị Mỹ Kiều-Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trung Trực-cho hay: Trước đây, dù chỉ dạy 2 tiết vào thứ bảy nhưng chúng tôi vẫn phải soạn giáo án và lên lớp giảng dạy như ngày bình thường. Được nghỉ ngày thứ bảy giúp giáo viên có thời gian tái tạo sức lao động, đầu tư chuẩn bị giáo án cho tuần tiếp theo cũng như dành thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

“Thứ bảy của tuần vừa qua, nhà trường tổ chức giải bóng chuyền học sinh nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cả giáo viên và học sinh đã có khoảng thời gian thư giãn, vui vẻ trọn vẹn cùng nhau”-cô Kiều cho hay.

Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa), sau tuần đầu tiên cho học sinh nghỉ học thứ bảy để tổ chức giải bóng bàn, nhà trường đã đón nhận nhiều phản hồi tích cực. Phấn khởi trước chủ trương học 5 ngày/tuần, chị Huỳnh Thị Kim Hân (phường Đoàn Kết) cho rằng: Khi trường tổ chức dạy học chính khóa thêm vào buổi chiều giúp những phụ huynh phải đi làm cả ngày như chị có thể yên tâm hơn khi con mình được quản lý ở trường mà không phát sinh chi phí học tập. Bên cạnh đó, học sinh còn có thời gian nghỉ ngơi, cải thiện sức khỏe, nâng cao khả năng tự học, gắn kết với gia đình hay tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe.

 Việc triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần tại Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) nhận được sự đồng tình của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ảnh: V.C

Việc triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần tại Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) nhận được sự đồng tình của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ảnh: V.C

Đảm bảo điều kiện cần thiết

Năm học 2024-2025, Trường THCS Nguyễn Trung Trực có 15 lớp với 690 học sinh, trong đó có 60% học sinh dân tộc thiểu số. Để triển khai dạy học 5 ngày/tuần, Ban Giám hiệu đã lấy ý kiến phụ huynh, học sinh và giáo viên ngay từ đầu năm 2025. Kết quả, hơn 90% ý kiến đồng thuận với chủ trương này.

Theo thầy Nguyễn Văn Tỉnh-Hiệu trưởng nhà trường: Với đặc điểm phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, được nghỉ 2 ngày cuối tuần giúp các em có thời gian ở bên gia đình được nhiều hơn; từ đó, tỷ lệ đi học chuyên cần sẽ tăng lên. Để đảm bảo chương trình, nhà trường bố trí thời khóa biểu tăng thêm 1 buổi trong tuần, chủ yếu là các môn năng khiếu như: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh khi phải học 2 buổi/ngày. Riêng vào thứ bảy, nhà trường tổ chức họp Hội đồng sư phạm, họp chi bộ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao. Qua đó, cả giáo viên và học sinh đều có thời gian thư giãn, tự học để nâng cao chất lượng giáo dục.

 Việc được nghỉ 2 ngày cuối tuần giúp cô Trần Thị Mỹ Kiều (giáo viên Ngữ Văn Trường THCS Nguyễn Trung Trực) có thời gian chuẩn bị kỹ giáo án để nâng cao chất lượng bài giảng. Ảnh: V.C

Việc được nghỉ 2 ngày cuối tuần giúp cô Trần Thị Mỹ Kiều (giáo viên Ngữ Văn Trường THCS Nguyễn Trung Trực) có thời gian chuẩn bị kỹ giáo án để nâng cao chất lượng bài giảng. Ảnh: V.C

Hiện tất cả 12/12 trường THCS tại huyện Phú Thiện đều đã đăng ký dạy học 5 ngày/tuần. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phan Công Đương cho hay: Qua thí điểm dạy học 5 ngày/tuần cho thấy học sinh có thời gian tự học và tham gia các hoạt động khác, góp phần phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất; tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian tự nghiên cứu để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Ngoài ra, việc này còn giúp các trường phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch giáo dục cũng như khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên.

Thị xã Ayun Pa có 7/8 trường THCS đăng ký dạy 5 ngày/tuần. Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Rbol) là đơn vị duy nhất không đăng ký chương trình này do chưa có sự đồng thuận từ phía phụ huynh và Hội đồng sư phạm nhà trường.

Ông Võ Đức Hạnh-Trưởng phòng GD-ĐT thị xã-khẳng định: Việc triển khai dạy 5 ngày/tuần cần có sự đồng thuận từ phụ huynh, học sinh và giáo viên. Vì vậy, các trường có thể linh động triển khai thực hiện tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị. Nếu triển khai thì phải đảm bảo cơ sở vật chất, thời lượng các môn học, tuyệt đối không cắt xén chương trình; đồng thời đảm bảo tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần và chất lượng dạy-học.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thi-diem-day-hoc-5-ngaytuan-phu-huynh-dong-thuan-hoc-sinh-phan-khoi-post316213.html