Thí điểm dịch vụ internet vệ tinh Starlink:Trải nghiệm chưa dành cho số đông

Chính phủ vừa cho phép Tập đoàn SpaceX (Mỹ) thí điểm cung cấp dịch vụ internet vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam, trong thời gian 5 năm. Dịch vụ này được triển khai sẽ mang lại nhiều trải nghiệm, lựa chọn cho người dùng trong nước.

Giải pháp bổ sung cho hạ tầng viễn thông mặt đất

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ), hệ thống vệ tinh viễn thông quỹ đạo tầm thấp (Low Earth Orbit - LEO) hoạt động ở độ cao 160-2.000km so với mực nước biển. Nhờ quỹ đạo thấp, LEO có độ trễ tín hiệu thấp (20-40ms), tốc độ truyền dữ liệu cao (50-500Mbps) và khả năng phủ sóng rộng mà không cần nhiều hạ tầng mặt đất. Các hệ thống LEO sử dụng các băng tần Ku (10-15GHz), Ka (18-3GHz), E (70-80GHz) để cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tốc độ cao ổn định với mục tiêu phủ sóng toàn cầu, cả các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Hiện trên thế giới có các hệ thống LEO tiêu biểu của Mỹ và Trung Quốc. Trong đó Starlink của SpaceX (Mỹ) đang dẫn đầu về số lượng với hơn 6.000 vệ tinh đã được đưa vào khai thác (số liệu tháng 2-2025).

Hai ăng ten thu phát sóng internet vệ tinh Starlink thử nghiệm tại khu vực Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Hai ăng ten thu phát sóng internet vệ tinh Starlink thử nghiệm tại khu vực Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Tại Việt Nam, hạ tầng viễn thông mặt đất chủ yếu dựa trên mạng lưới cáp quang và các trạm thu phát sóng (BTS) 4G, 5G do các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone triển khai và vận hành. Các hạ tầng này mặc dù có khả năng phục vụ lượng lớn người dùng, có tốc độ cũng như độ phủ cao, tuy nhiên tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn gặp thách thức lớn, do chi phí xây dựng và vận hành cao trên địa hình phức tạp. Trong bối cảnh đó, các hệ thống LEO có thể đóng vai trò như một giải pháp bổ sung để cung cấp dịch vụ viễn thông, internet với nhiều lợi thế, góp phần thu hẹp khoảng cách số…

Vì vậy, tại Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 23-3-2025, Chính phủ cho phép Tập đoàn SpaceX thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam.

Theo đó, dịch vụ SpaceX được triển khai thí điểm trên toàn quốc gồm: Dịch vụ cố định vệ tinh (gồm dịch vụ truy nhập internet, kênh thuê riêng cho các trạm BTS); dịch vụ di động vệ tinh (truy nhập internet trên biển; internet trên máy bay). SpaceX sẽ được triển khai thí điểm tại Việt Nam tối đa 600.000 thuê bao.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19-2-2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Nghị quyết cho phép thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp không quá 5 năm, kết thúc trước ngày 1-1-2031.

Được biết, dự án Starlink tại Việt Nam dự kiến có giá trị đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, tập trung vào việc cung cấp internet cho vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ các lĩnh vực như giáo dục, y tế từ xa, quản lý thiên tai.

Mảnh ghép cần thiết

Theo các chuyên gia, hiện chi phí ban đầu (mua thiết bị đầu cuối) của dịch vụ Starlink có giá khoảng 500-600USD, cộng thêm phí thuê bao hằng tháng ước tính 50-100USD. Đây là con số không hề nhỏ, vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ gia đình. Thêm nữa, về công nghệ, dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp phụ thuộc thời tiết, tín hiệu vệ tinh dễ bị gián đoạn trong điều kiện mưa lớn hoặc bão, vốn là hiện tượng thời tiết khá phổ biến ở Việt Nam.

Về mặt thị trường, chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, đại diện một tập đoàn viễn thông cho biết, với lợi thế về công nghệ, dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được triển khai thí điểm trước mắt sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nhà mạng trong nước. Chẳng hạn, nhà mạng sẽ bị mất các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khách hàng trên các tàu viễn dương...

Hiện hãng công nghệ, nhà sản xuất đang thử nghiệm tích hợp công nghệ vệ tinh vào máy điện thoại (Apple đang triển khai). Cùng với đó, số lượng trạm vệ tinh LEO tăng lên sẽ kéo giá thành dịch vụ giảm xuống. Điều này cho thấy, trong tương lai với sự phát triển không ngừng của công nghệ, giá thiết bị đầu cuối, giá dịch vụ vệ tinh sẽ rất cạnh tranh. Với lợi thế công nghệ đó, Starlink nói riêng và dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp nói chung có thể là mối đe dọa trực tiếp về doanh thu với nhà mạng, ở việc phát triển thuê bao di động và cả thuê bao băng rộng cố định.

Về việc hợp tác kinh doanh với Starlink, các nhà mạng trong nước nếu có cũng chỉ là đại lý cấp 1, cấp 2 của SpaceX, hoặc chính là khách hàng của nhà cung cấp này. Được biết, SpaceX đang xúc tiến đàm phán với một nhà mạng để kinh doanh dịch vụ Starlink tại Việt Nam.

Thông tin về việc thí điểm dịch vụ Starlink, trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Anh Cương phân tích, dịch vụ Starlink có bản chất khác hoàn toàn với các dịch vụ viễn thông truyền thống. Đây là 2 ngạch song song bổ trợ cho nhau, chứ không phải là đối đầu trực tiếp.

Mạng viễn thông truyền thống tiếp cận gần người dân, tốc độ cao, giá thành phổ cập. Còn internet vệ tinh có lợi thế vùng phủ rộng, không bị giới hạn bởi địa hình nhưng tốc độ và giá cả sẽ hạn chế hơn, nên họ sẽ hướng tới các khu vực mà doanh nghiệp viễn thông truyền thống khó hoặc không có động lực kinh doanh.

“Do vậy, việc triển khai internet vệ tinh tầm thấp cơ bản sẽ là mảnh ghép để nâng cao trải nghiệm cho người sử dụng ở các khu vực như hàng không (máy bay), trên biển, giúp phủ lõm ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và có thể là phương án dự phòng trong một số trường hợp khẩn cấp, như thiên tai, cứu nạn…”, ông Nguyễn Anh Cương cho biết.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thi-diem-dich-vu-internet-ve-tinh-starlink-trai-nghiem-chua-danh-cho-so-dong-697698.html