Xuất khẩu nông sản: Cần xây dựng barie từ đồng ruộng
Thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra những yêu cầu khắt khe, nếu chúng ta không xây dựng các hàng rào, các barie từ đồng ruộng thì nông sản sẽ khó đi đường dài
Không để con sâu làm rầu nồi canh
Là địa bàn sản xuất nông nghiệp chủ lực với hơn 700 nghìn ha diện tích trồng cây công nghiệp và trái cây như hồ tiêu, cà phê, cao su, sầu riêng,… ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk - cho biết, trong thời gian vừa qua, việc xuất khẩu nông sản chế biến chỉ khoảng 10-15%, còn chủ yếu xuất thô. Muốn xuất khẩu được sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm là yêu cầu tiên quyết.

Vừa qua có tình trạng một số doanh nghiệp hội viên bị đánh cắp mã số GlobalGAP xuất khẩu đi thị trường EU, đối với mặt hàng chanh leo, thanh long
Qua quá trình theo dõi yêu cầu của thị trường xuất khẩu đòi hỏi nông sản phải đồng bộ hóa từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, bảo quan, xuất khẩu. Do đó, việc tăng cường kiểm soát chất lượng là vấn đề được đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay, trong khâu sản xuất và sơ chế, chế biến đang còn những vấn đề bất cập.
Đã có rất nhiều khuyến cáo, kinh nghiệm được đưa ra, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hà, vẫn thiếu những chỉ đạo theo kiểu “cầm tay, chỉ việc” ngay từ đồng ruộng. Việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang thiếu bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn với các đối tượng cây trồng chủ lực.
Không chỉ vướng ở ruộng đồng, khâu sơ chế, chế biến cũng đang là vấn đề. Các quy định của chúng ta đang nằm ở quá nhiều văn bản. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu rất quan tâm đến khâu chế biến nông sản, do đó, rất cần các cơ quan chức năng có các quy định cụ thể để cho các địa phương áp dụng.
Câu chuyện mới đây về cà phê giả được sản xuất từ 10% cà phê hạt, số còn lại 70% đậu nành và 20% là vỏ vụn cà phê khiến những vùng trồng cà phê như tại Đắk Lắk ít nhiều bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, hiện tại địa phương có gần 200 cơ sở chế biến cà phê. Tình trạng có những đơn vị làm giả cà phê cũng đặt ra một dấu hỏi lớn về lỗ hổng quy định những hoạt chất phụ gia hay đấu trộn các sản phẩm nông nghiệp trong quá trình sơ chế trước khi đưa vào thị trường. Không khéo, người tiêu dùng uống đậu nành chứ không phải cà phê.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - thông tin, với diện tích hơn 10 nghìn ha trồng thanh long, trong đó phần lớn là thanh long ruột đỏ. Các thị trường xuất khẩu không chỉ riêng EU mà cả Trung Quốc cũng rất khó tính, do đó, việc bảo đảm chất lượng là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp chưa sát sao với bà con nông dân, do đó, việc đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt là rất khó.
Trong khi đó, mấy năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân đã rất khó khăn trong việc sản xuất, không được sự đầu tư từ doanh nghiệp nên chủ yếu họ dựa vào sự đầu tư các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Rất có thể, các đại lý này đưa các loại thuốc không tốt hoặc không đảm bảo an toàn thực phẩm, việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Khi các sản phẩm xuất khẩu không đạt thì người nông dân cũng sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
“Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp đồng hành cùng người nông dân và các cơ quan chức năng không chỉ khuyến cáo người nông dân mà cần xuống đồng hành cùng với người nông dân, có như vậy, nông sản Việt nói chung, trái cây Việt nói riêng mới có thể đứng vững tại thị trường khó tính”, ông Nguyễn Quốc Trịnh nói.
Siết từ gốc sản xuất
Xuất khẩu sầu riêng lao dốc trong 2 tháng đầu năm do sản lượng xuất sang Trung Quốc sụt giảm tới 80% bởi thị trường này đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nông sản nhập khẩu, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước. Trong đó, các lô hàng sầu riêng phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi, chất vàng O và việc kiểm nghiệm phải thực hiện tại các phòng thí nghiệm được Trung Quốc công nhận. Tất cả các lô sầu riêng Việt Nam đưa vào Trung Quốc đều bị kiểm tra 100% trước khi thông quan.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vấn đề sầu riêng nhiễm vàng O hay Cadimi từ nguồn nào hiện chưa có những thông tin cụ thể từ cơ quan chức năng. Do đó, rất cần vai trò của nhà nước trong việc xây dựng hành lang pháp lý trong việc kiểm soát chất lượng từ gốc, ví dụ tất cả các nhà vườn sầu riêng trước khi bán phải có giấy xác nhận không có vàng O, không có Cadimi.
Bởi tình trạng hiện nay, khi doanh nghiệp vào thu mua tại vườn, các nhà vườn sẽ yêu cầu doanh nghiệp cắt hàng xong, trả tiền, ra ngoài vườn thì mới được lấy mẫu kiểm tra. Việc này an toàn cho nhà vườn nhưng lại gây khó cho doanh nghiệp.
“Vàng O bây giờ không chỉ có trong vấn đề thuốc nhúng nữa mà rất có thể bị nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, cần phải có những quy định cụ thể đối với cả những hoạt chất trừ nấm,… có màu sắc cũng phải loại trừ”, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị.
Siết chặt kiểm tra từ gốc, minh bạch thông tin cũng là cách để ngành hàng nông sản đi đường dài. Việc thay đổi thói quen canh tác cùng quy định bắt buộc kiểm tra từ gốc sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, thị trường xuất khẩu mà còn bảo vệ chính người sản xuất.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hà cho biết, hiện nay công tác quản lý mới nặng về hậu kiểm. Theo đó, các cơ quan chức năng mới đi kiểm tra các cơ sở để lấy mẫu gửi các cơ quan phân tích. Tuy nhiên, hệ thống các cơ quan kiểm nghiệm, phân tích của chúng ta quá mỏng. Do đó, khi gửi đi và lấy được kết quả mất rất nhiều thời gian và giá thành cũng khá cao.
Trước yêu cầu của các nước nhập khẩu như EU, Mỹ,… một trong những công cụ quản lý hiện nay đó là lấy mẫu kiểm nghiệm từ gốc sản xuất, chứ không còn con đường nào khác. Các đơn vị làm chức năng kiểm nghiệm cũng cần được đặt tại các vùng sản xuất lớn, vùng sản xuất tập trung cho xuất khẩu để thuận tiện cho việc kiểm nghiệm.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết:
Vừa qua có tình trạng một số doanh nghiệp hội viên bị đánh cắp mã số GlobalGAP xuất khẩu đi thị trường EU, đối với mặt hàng chanh leo, thanh long. Điều này ảnh hưởng tới uy tín của ngành hàng, thị trường EU có thể nâng tần suất kiểm tra. Các doanh nghiệp nên thận trọng, xử lý để tránh bị mạo danh.