Thí điểm những mô hình kinh tế mới ở Cần Giờ
Sáng 16-8, phát biểu tại hội thảo khoa học Cần Giờ xanh hướng tới đô thị sinh thái ven biển do UBND huyện Cần Giờ phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) tổ chức, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định cam kết đồng hành với sự phát triển của Cần Giờ, với mục tiêu Cần Giờ xanh phát triển bền vững.
Theo ông, Cần Giờ là "mặt tiền biển" của thành phố, vị trí rất quan trọng, là đầu mối lớn của cả vùng kinh tế phía Nam. Với cách tiếp cận rộng hơn, Cần Giờ như gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển, nếu đầu tư xứng tầm, phù hợp sẽ đại diện TP HCM kết nối với TP Vũng Tàu qua hành lang ven biển này.
"Vấn đề đặt ra là làm sao chọn đúng định hướng, những bước đi, hành động để vừa phát huy vị trí, vai trò vừa giữ gìn những giá trị tự nhiên, văn hóa tạo nền tảng, môi trường và là điều kiện cho sự phát triển xanh, bền vững. Làm sao bảo đảm định hướng phát triển bền vững không chỉ cho Cần Giờ mà còn cho TP HCM và cả nước" - ông Phan Văn Mãi nói.
Trên cơ sở các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, TP HCM có định hướng phát triển Cần Giờ thành trung tâm kinh tế hàng hải và đô thị dịch vụ du lịch, thông qua 2 dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu đô thị lấn biển. Theo HIDS, các dự án trên sẽ tạo thêm việc làm mới, thu hút người đến sinh sống tại khu đô thị lấn biển và có thêm nhiều lượt du khách mỗi năm. Dự án khu đô thị đã được Chính phủ phê duyệt, thành phố đang thẩm định, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, còn cảng Cần Giờ mới ở bước lập đề án, xin bổ sung quy hoạch.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng HIDS, phát biểu: "Nếu phát triển Cần Giờ xanh thì cần đề xuất những giải pháp cụ thể như năng lượng xanh, năng lượng gió, năng lượng áp mái hoặc điện mặt trời, điện gió ngoài khơi. Có những nghiên cứu để Cần Giờ đầu tư phát triển tái chế, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, làm sao giảm thiểu nhiều nhất túi ni-lông, rác thải nhựa. Hoặc đề xuất các mô hình cụ thể áp dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như xe máy điện, năng lượng tái tạo. Bài toán đặt ra là phát triển kinh tế biển Cần Giờ nhưng không tác động bất lợi với môi trường".
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhận định có những ý tưởng rất hay trong phát triển kinh tế xanh Cần Giờ từ công nghiệp xanh, dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh - sạch - hữu cơ, đô thị xanh, giao thông xanh... Để làm được những điều này không đơn giản nên cần tính toán để có giải pháp cụ thể. Cần Giờ có thể định hướng triển khai 3 ngành khả thi là du lịch biển, kinh tế hàng hải mà gốc là cảng; năng lượng tái tạo vốn là thế mạnh của nơi này.
Đặc biệt, Cần Giờ đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thí điểm những mô hình kinh tế mới. Cần quyết tâm chính trị để đưa Cần Giờ từng bước theo mô hình của Cù lao Chàm là không có rác thải nhựa và bảo vệ môi trường bền vững.
"Nếu có chính sách đặc biệt kêu gọi đầu tư thì phải nghiên cứu ngay từng giải pháp phù hợp. Cần Giờ không có bãi chôn rác thải mà cần nhà máy xử lý vi sinh. Hiện thành phố chưa có nhà máy điện từ rác thải, có thể cho Cần Giờ thí điểm thực hiện mô hình này không?
Hoặc đầu tư được điện gió ngoài khơi, điện sinh khối sẽ giúp Cần Giờ sử dụng hoàn toàn điện tái tạo, không sử dụng điện khí thải carbon. Nếu làm được sẽ là đột phá rất lớn cho TP HCM và cả nước" - TS Trần Du Lịch nói.