Thí điểm thành công hệ thống dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR
Hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR đã được thí điểm thành công tại bốn huyện sản xuất cà phê lớn nhất ở Lâm Đồng và Đắk Lắk. Đây được xem là công cụ hữu hiệu để chứng minh với các đối tác quốc tế rằng cà phê Việt Nam là sản phẩm không liên quan đến phá rừng, đáp ứng yêu cầu của EUDR.(KTSG Online) - Hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR đã được thí điểm thành công tại bốn huyện sản xuất cà phê lớn nhất ở Lâm Đồng và Đắk Lắk. Đây được xem là công cụ hữu hiệu để chứng minh với các đối tác quốc tế rằng cà phê Việt Nam là sản phẩm không liên quan đến phá rừng, đáp ứng yêu cầu của EUDR.
Thông tin được đưa ra tại “Lễ chuyển giao kết quả thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR (EU Deforestation Regulation - Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu)” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (The Sustainable Trade Initiative - IDH) của Hà Lan phối hợp tổ chức chiều ngày 17-12 tại Hà Nội, baochinhphu.vn đưa tin.
Từ tháng 11-2023 đến 12-2024, IDH phối hợp với các doanh nghiệp trong nhóm hợp tác đã triển khai thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê. Các doanh nghiệp được phân quyền truy cập, sử dụng và trích xuất thông tin đáp ứng yêu cầu của EUDR từ hệ thống, hỗ trợ quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiệu quả.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết cùng với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và nông dân, chương trình thí điểm đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, trong đó có hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR tại bốn huyện thí điểm của Lâm Đồng và Đắk Lắk. Đây là một trong những công cụ hữu hiệu để chứng minh với các đối tác quốc tế rằng cà phê Việt Nam là sản phẩm không liên quan đến phá rừng, đáp ứng yêu cầu của EUDR; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo bà Mara Grimminger, Trợ lý quan hệ quốc tế, Tổng vụ Môi trường, Ủy ban châu Âu, Liên minh châu Âu công bố quyết định lùi thời gian áp dụng EUDR đến tháng 12-2025. Thời gian được kéo dài nhằm đảm bảo các đối tác toàn cầu, cũng như Việt Nam có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi quy định có hiệu lực, tạo điều kiện cho một quá trình triển khai suôn sẻ và hiệu quả. Cơ hội này cần được tận dụng để chuẩn bị, thực hiện các hành động cụ thể đáp ứng yêu cầu của EUDR, mở đường cho một tương lai bền vững của ngành cà phê Việt Nam.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 23-6-2023, Liên minh châu Âu đã ban hành quy định về chống phá rừng. Quy định đã đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc và cam kết không phá rừng, không suy thoái rừng trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp gồm bảy ngành hàng. Trong đó có ba ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm cà phê, gỗ và cao su.