Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Phong trào thi đua Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương phát động vào ngày 18-11-2022.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, phong trào này được xác định là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân.
Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp
Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai như: các dự án quan trọng quốc gia, các dự án quan trọng của tỉnh nhằm kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ngoài ra, còn có các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và nhiều dự án lớn khác nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định, các dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, từng bước kết nối các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực…, tạo tiền đề và tiềm lực phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo lãnh đạo tỉnh, Đồng Nai tập trung rà soát, cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, kém hiệu quả, ưu tiên vốn cho các dự án do Trung ương quyết định đầu tư có vốn đối ứng ngân sách tỉnh, công trình trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định việc huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong những lĩnh vực đột phá của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Để khơi dậy khí thế thi đua thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, trong các cuộc họp quan trọng, lãnh đạo tỉnh nhiều lần nhấn mạnh cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát việc tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện.
Là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện trên lĩnh vực này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đặc biệt quan tâm đến việc gặp gỡ, đối thoại với người dân trong vùng dự án để lắng nghe người dân và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Gần đây nhất có thể kể đến như: buổi đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy với 150 người dân đại diện cho các hộ dân có đất thu hồi để phục vụ dự án mở đường (T1 và T2) giao thông kết nối giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành với quốc lộ 51…
Trong khi đó, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho hay, bằng nỗ lực và quyết tâm cao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị Trung ương chấp thuận tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 từ 45% lên 50%. Từ nguồn vốn được tăng này, Đồng Nai có thể bổ sung nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ, việc triển khai đồng thời nhiều dự án trên địa bàn Đồng Nai vừa là động lực, cũng vừa thách thức cho tỉnh. Để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như mục tiêu đề ra, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. UBND tỉnh đã thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh và thí điểm thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh. Thành lập các ban chỉ đạo do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban nhằm đôn đốc và theo dõi, báo cáo hàng tháng, hàng quý về tiến độ triển khai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ triển khai dự án…
Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ thủ tục các khu đất lợi thế dọc những tuyến đường giao thông quan trọng và các khu đất có lợi thế thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhằm có thêm nguồn vốn để sử dụng đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn. Tỉnh đã, đang nỗ lực tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo cơ chế thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là rà soát, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị Trung ương, Chính phủ xử lý các quy định còn chồng chéo, vướng mắc…
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã, đang và sẽ tích cực vận động toàn dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng tại cộng đồng dân cư; chung sức làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi cũng như chấp hành tốt việc tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng tại địa bàn cư trú.
Ông Phạm Văn Ray, nông dân ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) chia sẻ: “Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ giúp địa phương phát triển và giúp chính cuộc sống của mỗi người dân được tốt hơn”. Vừa qua, người nông dân này đã hiến 9 ngàn m2 đất để mở đường nội đồng, đóng góp 600 triệu đồng cho việc xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn tại ấp Lạc Sơn...