Thi đua khen thưởng kịp thời, chính xác, hiệu quả, có tính chất động viên phong trào
Chiều 31/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan về công tác thi đua, khen thưởng. Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng cần chú trọng thể chế hóa chủ trương của Đảng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ kịp thời khó khăn, bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng kịp thời, chính xác hiệu quả, có tính chất động viên phong trào.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua , khen thưởng Trung ương; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Ủy viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan.
Báo cáo với Chủ tịch nước về kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng từ năm 2021 đến nay, các nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2025, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2021 đến nay, trên cả nước triển khai bảy phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động. Trong đó, ba phong trào tiếp nối từ giai đoạn trước, bốn phong trào thi đua mới.
Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai đồng bộ, hiệu quả là nòng cốt định hướng cho các phong trào thi đua. Hội đồng đã tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
Các bộ, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền; tổ chức nhiều hoạt động để kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình, thông qua nhiều hình thức.
Cùng với đó, công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thưởng được tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Công tác tham mưu Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, các ngành, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW được thực hiện kịp thời, đúng tiến độ.
Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, chất lượng khen thưởng được nâng lên, kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước; khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh và công tác có thành tích tiêu biểu được thực hiện kịp thời.
Từ năm 2021 đến nay, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã tham mưu thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ khen thưởng 19.232 trường hợp, trình Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước khen thưởng cho 337.568 trường hợp.
Tại buổi làm việc, các ý kiến đại diện Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng, các cơ quan, đơn vị liên quan đã làm rõ tình hình kết quả công tác thi đua, khen thưởng trong những năm qua; hoạt động công tác thi đua khen thưởng trong thời gian tới; những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, giải quyết và những đề xuất kiến nghị của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, công tác thi đua, khen thưởng nhằm tri ân, ghi nhận những cống hiến cho tổ quốc, những nỗ lực đổi mới, tạo khí thế thi đua trong lao động sản xuất…
Trong năm 2024, có nhiều sự kiện chính trị, ngày lễ kỷ niệm như sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 2025 cũng có nhiều ngày kỷ niệm lớn như 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…đặt ra nhiều vấn đề về công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, nhiều cán bộ lão thành, có nhiều đóng góp cho cách mạng, nhiều cán bộ, chiến sĩ có nhiều đóng góp cho tổ quốc, nhưng còn vướng mắc, tồn đọng trong hồ sơ công tác thi đua khen thưởng.
Không chỉ trong kháng chiến, trong hòa bình, lao động sản xuất, quá trình gần 40 năm đổi mới cũng đặt ra nhiều vấn đề cho công tác thi đua, khen thưởng. Chủ tịch nước khẳng định, đất nước ngày càng phát triển, thành tích ngày càng nhiều, cần tạo không khí phấn khởi, động viên thi đua, khen thưởng về những đóng góp cán bộ, nhân dân là rất lớn. Vì vậy, công tác thi đua, khen thưởng cần rà soát lại để sát với thực tế.
Chủ tịch nước biểu dương Bộ Nội vụ đã kịp thời có những thống kê, báo cáo đánh giá công tác thi đua, khen thưởng kịp thời.
Chủ tịch nước nhất trí 4 nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng mà Bộ Nội vụ đề ra; nhất trí việc thực hiện Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch nước lưu ý khi tổng kết cần có đánh giá những đóng góp của công tác thi đua, khen thưởng trong gần 40 năm đổi mới đất nước; đóng góp của nhân dân đối với công tác thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tham mưu, đề xuất cho Bộ Chính trị ban hành chỉ thị mới cho công tác thi đua, khen thưởng cần chú ý không chỉ thi đua, khen thưởng cho nhiệm kỳ đại hội tới mà cần hướng đến thi đua tiến tới 100 năm sự lãnh đạo của Đảng, 100 thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác thi đua, khen thưởng lưu ý đến những công sức đóng góp của cán bộ, nhân dân.
Khẳng định rất quan tâm, hết sức tạo điều kiện cho công tác thi đua, khen thưởng, Chủ tịch nước đồng thời lưu ý công tác thi đua, khen thưởng cần gắn liền với kiểm tra, đôn đốc; chất lượng, thi đua, khen thưởng đúng người, đúng việc; lưu ý việc tháo gỡ vướng mắc khi triển khai Luật Thi đua-khen thưởng năm 2022 và các quy định pháp luật liên quan kịp thời; khẩn trương giải quyết vướng mắc đối với công tác thi đua, khen thưởng người có thành tích trong kháng chiến vì chiến tranh đã lùi xa.
Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng cần chú trọng thể chế hóa chủ trương của Đảng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ kịp thời khó khăn liên quan công tác thi đua, khen thưởng; công tác thi đua, khen thưởng gắn với cải cách thủ tục hành chính để làm sao bảo đảm kịp thời, chính xác hiệu quả, có tính chất động viên phong trào; đồng thời cần công khai minh bạch, có tính giáo dục, nêu gương; chú trọng người lao động trực tiếp, người sản xuất… trong thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội về công tác thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch nước lưu ý, bảo đảm người có công với đất nước phải có chế độ, có khen thưởng kịp thời, trong đó trước mắt Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương và Bộ Nội vụ cần rà soát lại danh sách những đồng chí cán bộ lão thành, có công với đất nước để có báo cáo cụ thể, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm khen thưởng kịp thời vào đợt kỷ niệm lớn của đất nước, thể hiện sự tri ân, vinh danh có ý nghĩa.