Thi hài liệt sĩ trở về với đồng đội sau gần 70 năm mất tích
'Thương tiếc vợ hiền Đặng Thị Thắng; Sinh viên YKDH; Y sĩ quân y; Chết ngày 25-7-1953; Hoàng Đức Tốn', tấm bia đá cùng người nằm dưới mộ tại Nghĩa trang nhân dân làng Mậu, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa 66 năm.
Nhưng chỉ những ngày trước tết năm nay, người thân mới tìm được và đưa quân nhân Đặng Thị Thắng trở về đoàn tụ với đồng đội.
Tấm biển có tên nhưng không ai rõ
66 năm trước ngôi mộ trên được dựng lên ở một vùng thôn quê của Thanh Hóa. Theo những người cao tuổi ở đây, ngôi mộ do cụ Hoàng Đức Tốn dựng cho vợ khi bà hy sinh.
Khi vợ đã mồ yên mả đẹp, người chiến sỹ năm ấy lại tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ của mình để bảo vệ đất nước. Chiến tranh kết thúc, làng Mậu cũng thay đổi nhiều. Ngôi mộ của cụ Đặng Thị Thắng vì vậy cũng trải qua nhiều biến thiên của làng xã và được di chuyển qua nhiều địa điểm.
Lần cuối cùng ngôi mộ được ông Lê Văn Thảo di dời về nghĩa trang nhân dân làng Mậu vào khoảng năm 1990. Do không có tiền mua tiểu nên ông Thảo dùng cái nồi vồ (chuyên dùng gánh nước) đặt hài cốt của bà vào và di chuyển đi.
“Ông cụ thân sinh của tôi có bảo bà là sinh viên y khoa về phục vụ bộ đội bị thương, chúng tôi không biết bà là liệt sĩ. Khi sang cát cho bà, xương cốt vẫn còn nhiều lắm”, ông Thảo kể lại.
Những hiểu biết của ông Thảo cũng như người dân làng Mậu chủ yếu vẫn là những thông tin trên tấm bia đá để lại. Nhiều năm trôi qua, ngôi mộ ấy cỏ mọc um tùm, tấm bia mộ đã bị che phủ hết chữ… Và có lẽ ngôi mộ sẽ vĩnh viễn nằm trong rặng cỏ um tùm của nghĩa trang nhân dân làng Mậu nếu không có một ngày, ông Lê Văn Sang, một sĩ quan quân đội về hưu bỗng dưng nhớ lại và đi tìm.
Không để bị lãng quên
Nhớ lại ngày ấy, ông Sang tâm sự: “Tôi chỉ nhớ là đã nhìn thấy ngôi mộ này từ năm lên 9 lên 10 tuổi gì đó, thấy bia mộ được khắc tên cẩn thận, tôi cứ nghĩ mộ của người thân gia đình nào đó trong làng. Bao nhiêu năm, di chuyển mấy lần và chưa bao giờ thấy người thân thắp hương lên phần mộ nên tôi mới cất công tìm hiểu và phát hiện người nằm dưới ngôi mộ kia không phải con em làng Mậu“.
Dựa vào tấm bia mộ với ngôi sao 5 cánh, ông Sang đoán đó là phần mộ của liệt sĩ nên mới tìm đến UBND xã Tân Ninh để báo về ngôi mộ, mong muốn các anh trên xã có phương án cụ thể để cất bốc cụ Thắng vào nghĩa trang liệt sĩ.
Sau khi nghe ông Sang chia sẻ về ngôi mộ, ngay lập tức UBND xã cử cán bộ ra hiện trường, kiểm tra ngôi mộ, chụp ảnh, ghi chép các thông tin trên bia mộ để làm căn cứ báo cáo với cấp trên.
“Vì tấm bia mộ chỉ ghi tên của liệt sĩ mà không có quê quán nên tôi nghĩ việc tìm kiếm thân nhân cho liệt sĩ rất khó bởi cụ Thắng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, giờ tìm người thân đúng là như mò kim đáy bể. Dẫu vậy tôi vẫn hy vọng một phép màu. Ngoài việc báo cáo lên Ban CHQS huyện Triệu Sơn, tôi cũng cho đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của UBND xã Tân Ninh và không quên đăng thêm lên mạng xã hội facebook”, ông Lê Thanh Sơn, cán bộ văn hóa xã Tân Ninh kể lại.
Khi thông tin về phần mộ của cụ Đặng Thị Thắng được Ban CHQS huyện Triệu Sơn báo cáo lên, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã cử người xuống xã Tân Ninh, tiến hành gặp gỡ các nhân chứng để có cơ sở tìm kiếm thân nhân cho liệt sĩ.
Trong buổi gặp gỡ các nhân chứng, các đồng chí ở Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa bước đầu nắm được thông tin. Hơn 10 năm trước, có một gia đình từng vào khu vực Tân Ninh để tìm liệt sĩ, họ đã đi nhiều nơi, hỏi thăm nhiều người nhưng không có kết quả bởi ngôi mộ đã bị di dời nhiều lần nên không còn nằm vị trí ban đầu, cuối cùng họ đành bỏ cuộc.
Ngày về như mơ
Sau rất nhiều nỗ lực, một ngày nọ ông Lê Thanh Sơn nhận được điện thoại của ông Đặng Phạm Thái Quang ở Hà Nội, ông Quang khẳng định, từ những dữ liệu về phần mộ liệt sĩ Đặng Thị Thắng, ông tin rằng đó là người thân mà gia đình ông đã tìm kiếm nhiều năm nay. Ông Quang xin một cuộc gặp với ông Lê Thanh Sơn vào ngày làm việc trong tuần nhưng khi gác máy, ông Quang thấy rằng không thể đợi được nữa nên ông đã ngay lập tức vào Thanh Hóa.
“Tôi hẹn anh Sơn thứ 2 vào ngày làm việc của xã nhưng vì quá hồi hộp, quá khát khao tìm bác nên tôi vào luôn. Dù ngôi mộ không ghi quê quán của liệt sĩ nhưng tôi khẳng định đó là mộ bác mình bởi bác Thắng là một trong rất ít sinh viên y khoa thời điểm đó. Khi bác kết hôn với bác Tốn ở chiến trường, bác đã thông báo về cho gia đình. Hiện vẫn còn bức ảnh của hai bác lưu tại gia đình chúng tôi”- ông Đặng Phạm Thái Quang bày tỏ.
Cũng theo ông Quang, trong nhiều năm nay gia đình đã cất công đi tìm mộ cụ Đặng Thị Thắng nhưng thất bại. Thông tin về ngôi mộ của cụ Thắng đến với gia đình những ngày giáp tết không khác gì một giấc mơ.
Sau khi xác minh, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành cất bốc phần mộ của liệt sĩ Đặng Thị Thắng. Dù đã 66 năm trôi qua, phần mộ của bà vẫn còn rất nhiều xương cốt, đặc biệt trong mộ có kèm di vật là 4 chiếc cặp ba lá vẫn còn nguyên vẹn. Đó là những gì còn lại của liệt sĩ Đặng Thị Thắng.
Gần 70 năm kể từ ngày nằm xuống, liệt sĩ Đặng Thị Thắng mới được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hơn nửa thế kỷ xa quê, nay liệt sĩ Đặng Thị Thắng đã được trở về quê hương, được ở cạnh các đồng đội và những người thân yêu của mình. Đó là khát khao đoàn tụ mà rất nhiều gia đình khác trên đất nước này khát khao đợi chờ, nhất là trước thời điểm tết cổ truyền của dân tộc.