Thi hành sớm các luật liên quan bất động sản: Cần rà soát kỹ lưỡng để tránh xung đột

Chiều 21-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Các đại biểu dự họp Quốc hội, chiều 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự họp Quốc hội, chiều 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đồng tình đưa các luật này vào thi hành sớm 5 tháng. Nhưng theo ĐB, 4 luật quan trọng có hiệu lực sớm chắc chắn có áp lực rất lớn, do đó, đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt, khẩn trương để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, cần nhưng không được nóng vội, vẫn phải bảo đảm chất lượng.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, cần thiết ban hành luật này để đưa 4 luật liên quan đất đai, bất động sản, nhà ở vào thực tiễn 5 tháng. Theo ĐB, Luật Đất đai sửa đổi có nhiều điều giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết, các nội dung còn lại trong Luật đều có thể thi hành được và phát huy hiệu quả, nhất là chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quy định mở rộng hạn điền, đối tượng được chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, thuê đất trả tiền hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập; thế chấp ngân hàng…

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Tương tự, đối với Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung mới, quan trọng trong quản lý, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển nhà ở. Hầu hết các nội dung có thể thực hiện ngay mà không phải hướng dẫn chi tiết như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở xã hội... Do đó, ĐB đồng tình các luật này sớm đi vào cuộc sống như mong muốn của cử tri.

Tuy nhiên, các ĐB cũng chưa thực sự yên tâm với cam kết của Chính phủ về tiến độ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn.

Các ĐB cũng đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật, nhất là các nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương. Bên cạnh đó, cần đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh tạo khoảng trống pháp lý, hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách; những ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp.

 Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, chiều 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, chiều 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, một số điều khoản chuyển tiếp của Luật Đất đai tiếp tục có hiệu lực từ 1-1-2025, trong khi các quy định chính sách của Luật Đất đai và toàn bộ nội dung của 3 luật còn lại có hiệu lực từ 1-8-2024. Do đó, các ĐB đề nghị Chính chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để tránh xung đột do chuyển tiếp của Luật Đất đai.

Để đảm bảo luật thi hành sớm có hiệu quả, tác động lớn đến người dân, các ĐB đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của mình, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hóa, trình cấp thẩm quyền ký ban hành, kịp thời, bảo đảm sau khi các luật này được thông qua ngày 1-8-2024 sẽ dễ thực hiện, không bị chênh, không có bất cập, gây khó khăn cho người dân.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, người dân, doanh nghiệp đang rất chờ đợi các luật này có hiệu lực sớm 5 tháng.

“Vừa qua, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hoàn thành những tuyến đường cao tốc, người dân mong chờ những “tuyến cao tốc” trong hoàn thiện thể chế. Trong bối cảnh vẫn còn tâm lý sợ sai thì việc Chính phủ quyết tâm, nỗ lực trình Quốc hội quyết tâm thực thi sớm các luật này là rất đáng trân trọng, cổ vũ”, ĐB Vũ Tiến Lộc nói.

ĐB Vũ Tiến Lộc đề xuất Chính phủ gửi luôn các dự thảo văn bản để các địa phương chủ động nghiên cứu trước, chỉ rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, để khi văn bản ra đời thì các địa phương có thể bắt tay vào thực hiện có hiệu quả ngay.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, người dân, cử tri mong muốn những luật này có hiệu lực sớm để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.

Theo Bộ trưởng, Luật Đất đai (sửa đổi) được làm rất kỹ, qua nhiều kỳ họp, lấy ý kiến sâu rộng nhân dân, các quy định rất cụ thể, có thể thực hiện ngay, do đó, thi hành sớm có nhiều thuận lợi. Chính phủ cũng đã chuẩn bị các văn bản hướng dẫn. Tương tự, Luật Nhà ở, Chính phủ cũng đã song song chuẩn bị các dự thảo nghị định, thông tư. Vì vậy, không lo vì vội mà kém chất lượng. 2 luật còn lại cũng tương tự.

“Người dân, doanh nghiệp, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài… đang rất mong chờ các luật liên quan đất đai có hiệu lực sớm để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, khơi thông các nguồn lực”, Bộ trưởng nêu, đồng thời cho biết, một số dự thảo Nghị định hướng dẫn đang được gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành ngay trong thời gian tới.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thi-hanh-som-cac-luat-lien-quan-bat-dong-san-can-ra-soat-ky-luong-de-tranh-xung-dot-post745667.html