Thi HSG môn tích hợp học nặng, không được cộng điểm vào 10, HS không 'mặn mà'

Việc bồi dưỡng HSG môn tích hợp gặp khó khăn vì chưa có giáo viên đủ chuẩn; học sinh lo quá tải vì nhiều kiến thức, lại không được cộng điểm khi thi vào lớp 10.

Năm học 2024 - 2025 đánh dấu sự đồng bộ của chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên tất cả các cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông). Với cấp học trung học cơ sở, đây là năm thứ 4 ngành giáo dục triển khai chương trình mới.

Đặc biệt, việc đưa môn tích hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý vào kỳ thi học sinh giỏi bậc trung học cơ sở, thay thế cho các môn đơn lẻ đang nhận được không ít sự quan tâm.

Thực tế, nhiều giáo viên, nhà trường đang lúng túng trong việc lựa chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi môn tích hợp. Các Sở Giáo dục và Đào tạo hiện vẫn đang xem xét phương án tổ chức kỳ thi, dù năm học mới đã sắp bắt đầu.

 Ảnh minh họa: P.L

Ảnh minh họa: P.L

Địa phương vẫn đang chờ chỉ đạo, chưa quyết định phương án chính thức

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trịnh Trọng Nam, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã có một số chia sẻ liên quan đến vấn đề này.

Cụ thể, ông Trịnh Trọng Nam thông tin: “Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đang tham khảo các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh khác và chờ thêm ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện tại, phía Sở Giáo dục và Đào tạo đang trao đổi thận trọng 3 phương án được lấy ý kiến từ 27 Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, chưa quyết định phương án chính thức”.

Theo đó, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa chỉ ra một số phương án như sau: Thứ nhất, “học gì thi nấy”, thi 7 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học.

Riêng với hai môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ có ma trận, cấu trúc đề thi hợp lý để tạo nên sự bình đẳng giữa các bộ môn, có định hướng giúp học sinh chuyển lên cấp trung học phổ thông không bị “lệch” về tư duy khoa học cơ bản.

Thứ hai, thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thời lượng thi mỗi môn là 150 phút. Những môn học còn lại được tổ chức dưới hình thức các cuộc thi Olympic.

Thứ ba, thi 5 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Tin học. Việc thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lùi sang năm học 2025 - 2026.

 Học sinh trung học cơ sở trong giờ Khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa: M.T.

Học sinh trung học cơ sở trong giờ Khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa: M.T.

Học sinh e ngại học đội tuyển môn tích hợp vì quá tải kiến thức

Chia sẻ về thực tế xây dựng và bồi dưỡng học sinh giỏi môn tích hợp tại đơn vị, cô Đinh Thị Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Thắng (Vĩnh Phúc) cho hay: “Hiện tại, nhà trường chưa triển khai việc bồi dưỡng và thi học sinh giỏi môn tích hợp, vì năm học 2023 - 2024, học sinh giỏi lớp 9 vẫn thi theo chương trình cũ. Đó là tách riêng từng đơn môn.

Đối với giảng dạy môn tích hợp, nhà trường vẫn thực hiện theo đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018; song, việc chọn đội tuyển, bồi dưỡng học sinh đi thi học sinh giỏi môn tích hợp, trường vẫn đang chờ chỉ đạo từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Nói về những khó khăn của nhà trường khi chọn học sinh giỏi môn tích hợp, vị hiệu trưởng chỉ ra: “Không phải học sinh nào cũng có lợi thế ở tất cả các kiến thức đơn môn trong môn tích hợp.

Chẳng hạn, học sinh có chỉ có sở trường đối với lĩnh vực Hóa học, việc học bổ sung cả kiến thức Vật lý, Sinh học là không dễ dàng. Điều này cũng có thể gây nên sự quá tải với học sinh.

Mặt khác, một số phụ huynh không mấy “mặn mà” với việc để con thi học sinh giỏi, do không có chính sách cộng điểm khi thi vào trường trung học phổ thông. Hoặc phụ huynh sẽ khuyến khích con thi học sinh giỏi môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, để có nhiều ưu thế hơn khi thi vào lớp 10 trung học phổ thông”.

 Cô Đinh Thị Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Thắng (Vĩnh Phúc). Ảnh: NVCC.

Cô Đinh Thị Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Thắng (Vĩnh Phúc). Ảnh: NVCC.

Là người trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, Trường Trung học cơ sở Giấy Phong Châu (Phú Thọ) cho biết, hiện tại, việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn tích hợp tại nhà trường đang được thực hiện riêng lẻ theo từng phân môn đối với các nội dung chuyên biệt và học tập trung khi dạy các nội dung thuộc kiến thức chung.

“Đầu vào” học sinh giỏi được lựa chọn bằng cách thực hiện bài thi theo cấu trúc đề thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu của huyện và tỉnh.

Chia sẻ thêm về khó khăn khi xây dựng đội tuyển môn tích hợp, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng, do kiến thức nặng, khó và rộng, chính là những nguyên nhân khiến học sinh lo lắng, e ngại khi lựa chọn đội tuyển ôn thi môn tích hợp.

Đã có nhiều năm kinh nghiệm dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý, một giáo viên môn Khoa học tự nhiên tại một trường trung học cơ sở ở Hà Nội cũng chia sẻ về những khó khăn cho cả giáo viên và học sinh khi dạy và học đội tuyển học sinh giỏi môn tích hợp.

“Hiện tại, đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường vẫn đang được bồi dưỡng đơn lẻ 3 phân môn riêng biệt. Khi dạy học sinh giỏi môn tích hợp, 1 giáo viên không thể dạy chuyên sâu cả 3 phân môn này.

Trong khi đối với đội tuyển học sinh giỏi, đòi hỏi phải có độ sâu về kiến thức. Vậy nên, các thầy cô sẽ tự tin hơn khi dạy đúng chuyên môn được đào tạo, còn đối với các chuyên môn không được đào tạo sẽ có sự lúng túng nhất định.

Ngoài ra, yêu cầu học sinh học giỏi đều cả 3 phân môn là điều rất khó khăn và có thể gây nên sự quá tải cho các em” - nữ giáo viên này phân tích.

Có thể cân nhắc cộng điểm thi vào lớp 10 để khuyến khích học sinh

Để thực hiện tốt việc bồi dưỡng, tổ chức thi học sinh giỏi môn tích hợp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Thắng góp ý: “Theo tôi, trước hết, chúng ta cần có sự đảm bảo về mặt đội ngũ giáo viên. Ví dụ, với môn Lịch sử và Địa lý, hiện tại vẫn là giáo viên dạy riêng từng phần. Để học sinh có kiến thức tích hợp tốt, chúng ta cần bồi dưỡng trước hết về đội ngũ.

Bên cạnh đó, vấn đề đề thi cũng cần cân nhắc, để xây dựng theo đúng chuẩn tích hợp, có những phần đòi hỏi kiến thức tổng hợp ở tất cả các môn.

Ngoài ra, nếu chúng ta có những chính sách ưu tiên như cộng điểm khi thi vào trường trung học phổ thông, chắc chắn sẽ tạo động lực cho học sinh tham gia đội tuyển, ôn luyện và đi thi”.

Đồng tình với ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng cho rằng, nên có chính sách ưu tiên, cộng điểm khi thi vào trường trung học phổ thông để khuyến khích, động viên học sinh tham gia.

 Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, Trường Trung học cơ sở Giấy Phong Châu (Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, Trường Trung học cơ sở Giấy Phong Châu (Phú Thọ). Ảnh: NVCC.

Cô Tâm cũng bày tỏ: “Chúng ta cần một cấu trúc đề thi hợp lý, đảm bảo các nội dung chung trong đề phải đúng, thang điểm phù hợp. Nội dung chuyên biệt của từng phân môn vẫn là nội dung chủ đạo trong đề thi. Điều này sẽ giảm tải được kiến thức cho học sinh”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn tích hợp, cô Thanh Tâm cũng chia sẻ thêm về tầm quan trọng của việc cần phải đào tạo giáo viên chuẩn để có thể dạy đồng đều các môn tích hợp. Từ đó, yêu cầu đặt ra đối với các trường trung học cơ sở là phải đáp ứng đội ngũ giáo viên này.

Về phía giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý ở Hà Nội, cô cũng nêu quan điểm: “Cộng điểm cho học sinh cũng là một vấn đề cần cân nhắc, nhưng cộng điểm có khích lệ được học sinh tham gia hay không, cũng là bài toán cần giải quyết.

Vì trên thực tế, học tích hợp và thi tích hợp môn Khoa học tự nhiên là điều không dễ dàng đối với học sinh, thay vì học kiến thức của 3 phân môn như trước, hiện giờ học sinh phải học đến 3 phân môn”.

Về đề thi, nữ giáo viên này cũng đề xuất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể cho học sinh thi theo lựa chọn phân môn và đề thi sẽ chiếm 80% phân môn học lựa chọn và 20% thuộc phân môn còn lại. Chẳng hạn, với học sinh chọn phân môn Vật lý, đề thi sẽ bao gồm 80% nội dung thuộc kiến thức Vật lý và 20% là kiến thức về Hóa học và Sinh học. Tương tự như vậy đối với các thí sinh khác, có sự lựa chọn “ưu tiên” cho thế mạnh của mình.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-hsg-mon-tich-hop-hoc-nang-khong-duoc-cong-diem-vao-10-hs-khong-man-ma-post244998.gd