Thi lớp 10: Hướng dẫn ôn tập, làm bài thi môn toán

Đề thi lớp 10 môn toán không chỉ kiểm tra kiến thức lý thuyết mà còn đánh giá khả năng phân tích, lập luận, giải quyết vấn đề và trình bày bài giải.

Kỳ thi lớp 10 năm nay là kỳ thi lớp 10 đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Theo TS Huỳnh Ngọc Thanh, tác giả sách giáo khoa toán Chân trời sáng tạo, Chủ biên sách tuyển sinh 10 môn toán và ThS Tô Thị Vân Anh, giáo viên Trường THCS Tân Phú, TP Thủ Đức, tác giả bộ sách tuyển sinh 10 môn toán, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn toán năm nay sẽ có những thay đổi và định hướng sau:

Tăng cường tính thực tiễn: Đề thi sẽ chú trọng vào các bài toán có tính ứng dụng cao, gắn liền với đời sống hằng ngày, giúp học sinh thấy được vai trò quan trọng của toán học trong cuộc sống. Phát triển tư duy sáng tạo: Bên cạnh các bài toán cơ bản, đề thi sẽ có những câu hỏi mang tính thử thách, đòi hỏi học sinh phải có tư duy linh hoạt, sáng tạo để giải quyết.

Đánh giá toàn diện năng lực: Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức lý thuyết mà còn đánh giá khả năng phân tích, lập luận, giải quyết vấn đề và trình bày bài giải của học sinh. Bám sát chương trình sách giáo khoa mới: Đề thi sẽ được xây dựng dựa trên chương trình sách giáo khoa toán Chân trời sáng tạo, đảm bảo tính khoa học, chính xác và phù hợp với năng lực của học sinh.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh lớp 10 tại ngày hội do Báo Người Lao Động tổ chức. Ảnh: Q. Liêm

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh lớp 10 tại ngày hội do Báo Người Lao Động tổ chức. Ảnh: Q. Liêm

Lời khuyên cho thí sinh:

Nắm vững kiến thức cơ bản: Ôn tập kỹ lưỡng các kiến thức trong sách giáo khoa, đặc biệt là những phần trọng tâm. Luyện tập giải đề thường xuyên: Làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng giải đề và quản lý thời gian. Phát triển tư duy logic: Hãy tập trung vào việc hiểu bản chất vấn đề, rèn luyện khả năng phân tích và lập luận.

Giữ gìn sức khỏe và tinh thần: Hãy đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ và giữ tinh thần thoải mái trước kỳ thi. Tự tin vào bản thân: Hãy tin tưởng vào khả năng của mình, đừng nản lòng trước những khó khăn.

Dựa theo cấu trúc đề thi và đề thi minh họa của môn toán của Sở GD-ĐT TP HCM đã công bố, cấu trúc đề thi tuyển sinh 10 môn toán năm học 2025 - 2026 sẽ có những điểm đáng chú ý sau:

Phạm vi đánh giá: Chương trình GDPT 2018 môn toán cấp THCS, bao gồm các mạch kiến thức: Hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Nội dung kiểm tra nhằm mục đích đánh giá các năng lực toán học: Tư duy và lập luận toán học; giải quyết vấn đề toán học; mô hình hóa toán học.

Định hướng đánh giá: Học sinh biết vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế. Khuyến khích tăng cường việc tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học tủ, học vẹt. Nội dung kiểm tra đánh giá nhằm giúp học sinh định hướng một số kiến thức, kỹ năng cần thiết khi bước vào cấp THPT.

Căn cứ đánh giá: Các yêu cầu cần đạt của môn toán trong Chương trình 2018 chủ yếu là lớp 8 và lớp 9.

Lịch thi lớp 10 tại TP HCM

Trong quá trình ôn luyện, học sinh thường gặp một số dạng bài toán sau:

Bài toán thực tế: Để giải quyết tốt dạng bài này, các em cần đọc kỹ đề, phân tích các dữ kiện và tìm ra mối liên hệ giữa các đại lượng. Hãy cố gắng mô hình hóa bài toán bằng các phương trình, bất phương trình hoặc hệ phương trình.

Luyện tập giải nhiều bài toán thực tế khác nhau để làm quen với các dạng bài và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Bài toán hình học phẳng: Đây là dạng bài đòi hỏi khả năng tư duy hình học tốt. Hãy nắm vững các định lý, tính chất hình học đã học. Vẽ hình chính xác và trực quan để dễ dàng quan sát và phân tích. Tập trung vào việc chứng minh các mối quan hệ hình học (song song, vuông góc, bằng nhau, đồng dạng). Đối với các bài tính toán, cần áp dụng linh hoạt các công thức tính diện tích, thể tích, độ dài. Bài toán về phương trình bậc 2 và ứng dụng hệ thức Vi-ét: Nắm chắc các công thức nghiệm của phương trình bậc 2. Học thuộc và biết cách vận dụng các hệ thức Vi-ét một cách linh hoạt. Luyện tập các bài toán liên quan đến tìm điều kiện của tham số để phương trình có nghiệm thỏa mãn điều kiện cho trước.

Các em cần ôn tập theo chuyên đề: Chia nhỏ kiến thức thành các chuyên đề và ôn tập kỹ lưỡng từng chuyên đề. Luyện tập giải đề thi thử: Giải các đề thi thử để làm quen với cấu trúc đề và rèn luyện kỹ năng làm bài. Giữ tâm lý thoải mái: Đừng quá căng thẳng, hãy giữ tinh thần lạc quan và tự tin. Phân bổ thời gian hợp lý: Trong quá trình làm bài, hãy phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu hỏi.

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thi-lop-10-huong-dan-on-tap-lam-bai-thi-mon-toan-196250528140731364.htm