Thị lực của con giảm sau mổ, PH kêu cứu, Sở Y tế chuyển đơn tới BV Mắt Sài Gòn
Vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã chuyển đơn của bà Lê Thị Ngọc Thanh đến Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn để xem xét, giải quyết.
Ngày 31/10/2023, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có phiếu chuyển đơn của công dân gửi đến Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn (Địa chỉ: 100 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong phiếu chuyển đơn kiến nghị, phản ánh này, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thanh tra Sở Y tế nhận được đơn ghi ngày 16/10/2023 của bà Lê Thị Ngọc Thanh (Phường An Tân, Thị xã An Khê, Gia Lai), trong đơn có nội dung phản ánh Bệnh viện Mắt Sài Gòn, địa chỉ: 98-100 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có tắc trách trong việc mổ mắt bằng phương pháp Femto Lasik cho người bệnh Vũ Lê Trung H. (sinh năm 2005, con của bà Thanh).
Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh và quy định của pháp luật, Thanh tra Sở Y tế chuyển đơn của bà Lê Thị Ngọc Thanh đến Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn để xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả cho Thanh tra Sở Y tế trong ngày 6/11.
Đến ngày 3/11, Bệnh viện mắt Sài Gòn có văn bản do BS.CKII Tăng Hồng Châu, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn ký phản hồi về đơn kiến nghị của bà Lê Thị Ngọc Thanh, đồng thời báo cáo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Bệnh viện Mắt Sài Gòn cho biết, căn cứ phiếu chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đến Bệnh viện, Bệnh viện có thông tin như sau:
“Thứ nhất, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn phản ánh của bà Thanh và tiến hành xác minh vụ việc có liên quan đến vấn đề khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân H. tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn.
Thứ hai, Bệnh viện Mắt Sài Gòn đã báo cáo trung thực và chi tiết với đoàn cán bộ Sở Y tế về toàn bộ quá trình thăm khám, phẫu thuật của bệnh nhân H., kết luận của Hội đồng chuyên môn đối với tình trạng của bệnh nhân cũng như các giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục kỹ thuật của bệnh viện từ Bộ Y tế, chứng chỉ hành nghề, đăng ký chứng chỉ hành nghề của các thành viên tham gia thăm khám và phẫu thuật cho bệnh nhân.
Thứ ba, bệnh viện sẽ tiếp tục chờ sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp.
Chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu về những bức xúc của bà (tức bà Lê Thị Ngọc Thanh) và bệnh nhân H., tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, theo các kết quả thăm khám tại các bệnh viện trong và ngoài nước cũng như kết luận của Hội đồng chuyên môn thì vẫn không có sơ sở để kết luận tình trạng của bệnh nhân H. là do quá trình phẫu thuật.
Chúng tôi đã và sẽ luôn sẵn sàng hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực nhãn khoa với mong muốn xác định được nguyên nhân tình trạng bệnh lý cũng như các giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân H.
Ngoài ra, nhằm mục tiêu động viên khuyến khích em H. tiếp tục hành trình học vấn và định hướng nghề nghiệp mới, bệnh viện có kế hoạch thực hiện chương trình cấp học bổng hỗ trợ cho hoàn cảnh đặc biệt. Đây là một trong những động hướng đến sinh viên và cộng đồng thường niên của bệnh viện. Vì thế chúng tôi rất mong muốn được gặp gỡ Bà và em H. để chia sẻ về kế hoạch cấp học bổng này…”.
Tuy nhiên, sau khi nhận được phản hồi của bệnh viện, phụ huynh Lê Thị Ngọc Thanh tiếp tục có đơn gửi Bộ Y tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc không đồng ý với trả lời sơ sài và thiếu trách nhiệm từ phía Bệnh viện Mắt Sài Gòn.
Đơn phản hồi của bà Thanh cho rằng: “Việc gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với tương lai cả đời sau này của con tôi nhưng bệnh viện lấy “học bổng” hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn để xoa dịu nỗi đau, mất mát là không xứng đáng với trách nhiệm, đạo đức của người hành nghề y. Sức khỏe, tâm lý và cuộc sống sau này của con tôi ai phải chịu trách nhiệm?
Đặc biệt, ước mơ của con trai tôi đi phẫu thuật mắt để đủ điều kiện tham gia học tại một trường khối quân đội nhằm cống hiến sức trẻ cho đất nước, nhưng giờ đây giấc mơ đã tan biến. Từ khi xảy ra sự việc như trên, sức khỏe cháu bị sa sút nghiêm trọng, tâm lý cháu bị dao động, chán nản, mất phương hướng…
Việc Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện kết luận về tình trạng của con tôi và không tìm ra được nguyên nhân nên không chịu trách nhiệm liệu có khách quan, công tâm? Khác gì vừa “đá bóng, vừa thổi còi”?
Tôi mong muốn Sở Y tế, Bộ Y tế sớm lập Đoàn kiểm tra, hội đồng chuyên môn để đánh giá, giám định nguyên nhân xảy ra tình trạng mắt con tôi sau phẫu thuật cận gần như bị hỏng như vậy…”.
Trước đó, ngày 31/10, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Sau mổ tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn, thị lực của con giảm, phụ huynh kêu cứu”, trong đó nêu toàn bộ thư kêu cứu của chị Lê Thị Ngọc Thanh (phường An Tân, Thị xã An Khê, Gia Lai) tố cáo Bệnh viện Mắt Sài Gòn (98-100 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) và phản hồi của bệnh viện về trường hợp của bệnh nhân H.
Trong thư, chị Thanh nêu, để đủ tiêu chuẩn về sức khỏe tham gia xét tuyển vào một trường đại học khối quân đội nên ngày 10/4/2023, con chị Thanh tên là Vũ Lê Trung H. (sinh năm 2005) có đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn để khám và chữa mắt cận, loạn.
Khi vào bệnh viện, cháu H. đeo kính thì thị lực hai mắt là 10/10 (bỏ kính ra là 6/10). Trước khi mổ mắt đã được bác sỹ Trương Công Minh tiền khám, kết luận và cam kết mắt của Hiếu mổ được bằng phương pháp Femto Lasik. Đến 13 giờ 00 ngày 10/4/2023, H. đã được các bác sỹ phẫu thuật xong.
Đến ngày 11/4/2023, chị Thanh cho con đi khám lại, bệnh viện đã tiến hành đo thị lực hai mắt và kết luận hồi phục tốt, cho xuất viện. Sau 11 ngày phẫu thuật mắt của con chị Thanh, thị lực mắt phải giảm từ 9/10 xuống 2/10, mắt trái giảm từ 10/10 xuống 9/10.