Thị phần môi giới của VPS giảm ba quý liên tiếp tại HNX

Thứ hạng về thị phần môi giới chứng khoán trên sàn HNX và UPCoM vẫn do những cái tên quen thuộc như VPS, TCBS và SSI chiếm lĩnh trong quý III/2024.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố top 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch lớn nhất đối với cổ phiếu niêm yết, thị trường UPCoM và chứng khoán phái sinh trong quý III/2024.

VPS tiếp tục dẫn đầu hai sàn

Đối với cổ phiếu niêm yết, Chứng khoán VPS tiếp tục dẫn đầu với 21,18%, giảm đáng kể so với mức 24,2% của quý II và là quý thứ ba liên tiếp thị phần bị thu hẹp (quý I đạt 24,7%).

Giữ vững vị trí thứ hai là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với thị phần 7,89%, gần như đi ngang so với 7,86% của quý trước. Tiếp sau là Chứng khoán VNDirect với mức 7%, giảm so với 7,77% trong quý II. Các thứ hạng tiếp theo thuộc về Chứng khoán SSI, MBS.

Ở chiều ngược lại, với 3,59% thị phần, Chứng khoán BIDV (BSC) tiếp tục “bứt phá” lên thứ 6 từ hạng 8 ở quý II và 10 trong quý I trước đó, đồng thời thế chỗ cho Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 8. Chứng khoán Vietcap tiếp tục đứng cuối bảng xếp hạng với 3,06%.

Đáng chú ý, sau khi rời khỏi top 10 quý trước, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã trở lại với 3,28% thị phần cùng nhân tố mới là Chứng khoán APG ở vị trí thứ 7 (3,52%). Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) và Chứng khoán FPT (FPTS) đã rời khỏi bảng xếp hạng.

Dù ghi nhận đà giảm thị phần tại thị trường niêm yết, VPS lại tiếp tục gia tăng chiếm lĩnh trên sàn UPCoM. Thị phần quý III của VPS tiếp tục tăng từ 28,16% quý II lên 30,77% quý III (quý I đạt 22,31%).

SSI tiếp tục giữ vị trí thứ hai thị phần UPCoM với 6,87%, thay đổi không đáng kể so với 6,98% quý II.

TCBS và MBS cùng tăng một bậc lên nắm vị trí thứ ba và 4 với 6,24% và 6%. Trong khi đó, VNDirect lùi hai bậc về thứ 5.

Thị trường phái sinh vẫn chứng kiến sự áp đảo thị phần của VPS với 58,92%, không quá thay đổi so với quý II. Kế đến là Chứng khoán HSC với 6,2%. Tân binh DNSE tiếp tục thăng bậc từ thứ tư lên thứ ba với 5,3%, cao hơn 5,11% của quý II. TCBS bị đẩy về thứ 4 với 4,61% thị phần.

Ngành chứng khoán sẵn sàng cho “game” nâng hạng

Trong bối cảnh các thành viên thị trường tích cực chuẩn bị nguồn lực và vị thế cho sự kiện nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, nhóm các công ty chứng khoán tiếp tục “cuộc đua” tăng vốn, ưu đãi phí và lãi vay, đẩy mạnh các chiến dịch tiếp thị sản phẩm... nhằm đáp ứng nhu cầu sôi động để chiếm lĩnh thị trường.

Theo đội ngũ phân tích của Chứng khoán ACB (ACBS), các công ty chứng khoán như SSI, HSC, Vietcap sẽ hưởng lợi từ dòng vốn ngoại mặc dù giá trị phí giao dịch thu được không lớn so với quy mô lợi nhuận hiện tại của các công ty này.

Thay vào đó, với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm nay. Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các công ty tăng cường bộ đệm rủi ro.

Đánh giá những tiêu chí mà Việt Nam "chưa đạt" để được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE, các chuyên gia của ACBS cho rằng, cần nhiều thời gian hơn để giải quyết như giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, có thị trường ngoại hối phát triển, tăng cường quyền tiếp cận thông tin bình đẳng và đối xử công bằng với nhà đầu tư nhỏ lẻ, có trung tâm thanh toán bù trừ (CCP).

Việc áp dụng công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình kể từ 2025-2028 theo Thông tư 68 là một sự khởi đầu tốt. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay thị trường ngoại hối còn nhiều rào cản trước mắt.

Hiện Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với vai trò cận biên và được kỳ vọng phân loại lại lên Secondary Emerging. Hoạt động đánh giá lại sẽ được FTSE thực hiện tiếp tục vào đầu tháng 10/2024, và hai kỳ năm 2025, trong tháng 3 và tháng 9.

Trong dài hạn hơn, ACBS cho rằng nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE, TTCK Việt Nam có thể thu hút thêm dòng vốn lớn hơn nữa.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu được FTSE và MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới đến năm 2030.

Về thị trường, những tín hiệu tích cực về điểm số và thanh khoản tạo kỳ vọng thị trường chứng khoán trong nước sẽ sớm bước vào một nhịp tăng mới trong giai đoạn cuối của năm 2024.

Một nghiên cứu từ học viện CFA đã chỉ ra rằng khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực.

Trong khi đó, Quỹ Pyn Elite Fund nhận định khoảng thời gian khó khăn 18 tháng qua của thị trường Việt Nam đang dần qua đi, và lợi nhuận của các công ty niêm yết đang phục hồi.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thi-phan-moi-gioi-cua-vps-giam-ba-quy-lien-tiep-tai-hnx-d37309.html