Thi sĩ xứ Thanh vang danh đất Phú Yên
Thành hoàng tỉnh Phú Yên là Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, người quê Thanh Hóa. Ông nhận lệnh chúa Nguyễn Hoàng vào đánh giặc, khẩn hoang từ Cù Mông đến đèo Cả, làm Trấn biên quan, hình thành nên vùng đất một thời biên cương Đại Việt. Nối gót tiền nhân, nhiều thế hệ người xứ Thanh đã vào đất Phú Yên làm ăn, lập nghiệp.
Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có nhiều người xứ Thanh gắn bó, thành danh ở đất này, trong đó nổi bật là các nhà thơ: Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Trần Vũ Mai...
Trần Mai Ninh sống mãi cùng "Nhớ máu", "Tình sông núi"
Được biết đến nhiều với tư cách nhà thơ, tác giả của hai bài thơ "Nhớ máu", "Tình sông núi" bất tử, nhưng Trần Mai Ninh (1917 - 1948) trước hết là chiến sĩ cách mạng từng vào tù ra khám, đồng thời ông còn là cây bút văn xuôi, báo chí tài năng, sắc sảo và là họa sĩ có nhiều tranh minh họa ấn tượng. Khi vào công tác ở Nam Trung bộ, ông từng phụ trách Báo Cứu quốc Khu 6, rồi đứng đầu gầy dựng Báo Phấn đấu, tiền thân của Báo Phú Yên ngày nay.
Nhiều lúc tôi nghĩ vui rằng nếu như xứ Thanh quê hương không lấy tên ông đặt cho giải thưởng báo chí của tỉnh thì đất Phú Yên có thể đã có giải thưởng báo chí mang tên Trần Mai Ninh, vị Tổng biên tập đầu tiên của Báo Phú Yên. Một sự vinh danh xứng đáng!
Tên khai sinh của Trần Mai Ninh là Nguyễn Thường Khanh, còn có bút danh Hồng Diện, TK, Mạc Đỗ, Tố Chi… nhưng cái tên Trần Mai Ninh mới thực sự “đóng đinh” ông vào văn học sử. Theo lời em gái ông là bác sĩ Nguyễn Thanh Thanh, bút danh Trần Mai Ninh xuất phát từ tên hai người chị em họ là Mai và Ninh mà ông rất quý mến. Nhưng còn họ Trần? Trong một lần nhà văn, nhà báo Xuân Ba quê Thanh Hóa từ Hà Nội bay vào cùng tôi lang thang khắp Phú Yên, ông cho tôi xem bài viết về một nhân vật xứ Thanh là ông Tham Đàm - “Người phát lộ thêm về Trần Mai Ninh” qua cuốn sách "Gửi lại thời gian". Trong đó có đoạn Xuân Ba viết:
“Thật thú vị khi biết thêm Trần Mai Ninh là con một ông tham trong hệ thống chính quyền thực dân. Nhà khá giả. Trần Mai Ninh đang học dở ban tú tài thì trốn cha mẹ, trốn nhà theo cách mạng. Nguyễn Thường Khanh từng bị bố mẹ từ. Và nữa, từ cái tên Nguyễn Thường Khanh đến Trần Mai Ninh là cả một sự trúc trắc. Chả là hai lần chàng trai ấy bị người yêu… bỏ! Cô người yêu đầu tên Mai. Và một cô nữa tên Ninh. Còn họ Trần là nói chàng nghèo trần như nhộng chả có chút vốn liếng của cải gì!”.
Thật ngạc nhiên. Tôi hỏi có đúng như vậy không, Xuân Ba nở nụ cười bí hiểm. Có thể chưa hoàn toàn xác tín nhưng chúng ta có thêm một giai thoại thú vị về bút danh Trần Mai Ninh, một con người mà chỉ vỏn vẹn mười năm vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút đã tạo dựng nên một sự nghiệp văn học nghệ thuật phong phú. Càng đọc, càng tìm hiểu về Trần Mai Ninh mới thấy ông là một nhân cách trí thức lớn, một tài năng xuất chúng, một con người có tầm nhìn và khả năng dự cảm tương lai. Chỉ với hai bài thơ "Nhớ máu", "Tình sông núi", Trần Mai Ninh là một trong những nhà thơ tiên phong cách tân thơ hiện đại mà sức ảnh hưởng còn mãi về sau với cảm hứng cuồn cuộn.
Ơ cái gió Tuy Hòa...
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng.
Gió đi ngang, đi dọc,
Gió trẻ lại lưng chừng
Gió nghĩ,
Gió cười,
Gió reo lên lồng lộn.
Chính cái gió Tuy Hòa trong bài thơ "Nhớ máu" của Trần Mai Ninh đã làm say mê tôi từ khi còn là học sinh chuyên văn Trường THPT Nguyễn Huệ ở Phú Yên. Khi chuyển vào Nha Trang tiếp tục học thì cái gió và cái chết đau đớn của nhà thơ Trần Mai Ninh ở thành phố biển này càng ám ảnh tôi. Và rồi, cũng chính cái gió của Trần Mai Ninh lẫn Trần Vũ Mai là một trong những nguồn cảm hứng để tôi viết nên trường ca "Bước gió truyền kỳ", để lần đầu tiên ngọn gió trở thành nhân vật chính xuyên suốt trong một trường ca của thơ Việt.
Hữu Loan với đỉnh cao "Đèo Cả"
Không có nhiều thời gian gắn bó với Phú Yên như nhà thơ Trần Mai Ninh, nhưng nhà thơ Hữu Loan cũng người xứ Thanh đã kịp viết nên kiệt tác "Đèo Cả" khi đến với vùng đất tự do này trong kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp. Một lần gặp gỡ ở TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Hữu Loan vui mừng khi biết tôi là người Phú Yên. Ông bảo rằng mình còn mắc nợ đất Phú và mong có nhiều dịp về thăm để “Lặn lội bao rừng suối/ ăn với nhau/ bữa heo rừng/ công thui/ chấm muối” (Đèo Cả).
Nhà thơ Hữu Loan cho biết bài thơ "Đèo Cả" ra đời sau một chuyến đi vào thăm ngọn đèo này khi ông đang làm chủ bút Báo Chiến sĩ của Quân khu IV, Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 304. Giữa khí thế hừng hực của những đoàn quân Nam tiến chi viện cho Nam bộ, Nam Trung bộ, Hữu Loan muốn tận mắt xem phòng tuyến đèo Cả ra sao. Và đúng như nhà nghiên cứu Chế Diễm Trâm có ghi lại trong "Bài thơ "Đèo Cả" của Hữu Loan": “Nhà thơ Hữu Loan khao khát vào đèo Cả thâm nhập thực tế. Một người bạn là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 79 cấp cho ông một con ngựa. Ngựa thuần người khác đã dùng hết, chỉ còn con ngựa đực bất kham. Vốn có “máu tráng sĩ”, Hữu Loan nhận cưỡi. Vừa ra khỏi thị xã Tuy Hòa, gặp ngựa cái, chú ngựa bắt đầu sinh sự. Hữu Loan vẫn ghìm cương thúc ngựa đi được nhưng bị nó trả thù, cứ nhè những gốc cây cà người cưỡi vào. Có lần bị nó tông mạnh vào cành cây, áo móc vào cành, treo người ngang vách đá, “tráng sĩ” phải đu cành mới thoát được”.
Nếu như bài thơ "Màu tím hoa sim" đầy xúc động được phổ nhạc và lan tỏa mạnh mẽ, đưa tên tuổi Hữu Loan bay xa, thì bài thơ "Đèo Cả" đặc sắc về thi pháp là tác phẩm quan trọng nhất đưa Hữu Loan lên tầm cao của một trong những nhà thơ cách tân hàng đầu nền thi ca Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, bài thơ "Đèo Cả" của Hữu Loan hợp cùng "Nhớ máu" của Trần Mai Ninh và "Hải Phòng 19/11/1946" của Trần Huyền Trân được xem như “tam tuyệt thi” mở đầu nền thi ca chống thực dân Pháp, khi cả ba bài đều sáng tác năm 1946. Nghĩa là trong “tam tuyệt thi” ấy có tới hai bài thơ của hai tác giả người Thanh Hóa lại đều sáng tác về và ở Phú Yên.
Đèo Cả!
Đèo Cả!
núi cao ngất
mây trời Ai Lao
sầu đại dương
dặm về heo hút
Đá Bia mù sương.
Từ ngôi nhà tuổi thơ tôi nhìn về phía đông hiện lên sừng sững hòn Đá Bia giữa dãy Thạch Bi Sơn cao ngất với "Đèo Cả" ngoằn ngoèo trập trùng. Những câu thơ về Đèo Cả của Hữu Loan cũng như cái gió Tuy Hòa của Trần Mai Ninh, cái gió La Hai và cái gió Cực Nam của Trần Vũ Mai đã trở thành niềm tự hào, vang động trong tôi từ thời niên thiếu cho đến khi bước chân phiêu bạt nhớ về cố hương. Dấu ấn của những con người tài năng xứ Thanh vang danh đất Phú mãi mãi là một phần di sản quý giá trong quá trình hình thành và phát triển Phú Yên.
Trần Vũ Mai vẫn… "Ở làng Phước Hậu"
Nếu như trong kháng chiến chống thực dân Pháp có hai nhà thơ Trần Mai Ninh và Hữu Loan thì trong chống đế quốc Mỹ và sau ngày đất nước thống nhất có nhà thơ Trần Vũ Mai là người gốc Thanh Hóa gắn bó với Phú Yên. Ông cũng thân thiết với hai nhà thơ người đất Phú Yên là Nguyễn Mỹ và Thanh Quế. Từ những ngày chiến tranh ác liệt ông đã bí mật vào tận làng Phước Hậu dưới chân núi Chóp Chài ngoại ô thị xã Tuy Hòa để hoạt động và viết nên trường ca "Ở làng Phước Hậu" nổi tiếng:
Người bạn ta chết trong mùa mưa lũ
Người bạn ta chết khi trời sập tối
Để cho bao lòng sống chẳng nguôi quên
Cho anh nói với em dáng mùa thu tới
Đồng Tuy Hòa rộng trắng bờ to
Gặp nhau đây qua mấy mùa trôi nổi
Bàn tay em hay mặt đất sững sờ…
Mỗi lần đưa các bạn văn về thăm Phú Yên, đứng từ hòn núi Nhạn bao giờ tôi cũng nhìn về phía Bắc có ngọn núi Chóp Chài với làng Phước Hậu dưới chân nơi nhà thơ Trần Vũ Mai từng gắn bó.
Một bạn thơ thân gần với Trần Vũ Mai là Thanh Thảo khi nói về số phận trường ca "Ở làng Phước Hậu" có viết: “Lúc đầu nó có tên là "Cảm giác lạc quan", nhưng về sau nhà văn Nguyễn Chí Trung, người thủ trưởng đầy quả cảm trong chiến đấu mà Mai rất quí trọng đã gợi ý anh nên đổi tên là "Ở làng Phước Hậu" cho … dễ hiểu. Tôi nghĩ chính việc “thay tên đổi họ” ấy đã khiến trường ca này, một trong những trường ca rất hay về cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/thi-si-xu-thanh-vang-danh-dat-phu-yen-i723907/