Thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội chiếm tỷ lệ áp đảo: Lo ngại mất cân đối nguồn nhân lực

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tỷ lệ học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây và ngày càng áp đảo so với số thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN).

Nếu như năm 2023, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi KHXH là 53,30% thì năm 2024 tăng lên tới 63%, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Thực trạng này khiến nhiều người quan ngại nguồn tuyển cho các trường đào tạo về khoa học, kinh tế, kỹ thuật sẽ hạn hẹp. Cùng với đó là sự mất cân đối nguồn nhân lực với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong tổng số hơn 1,07 triệu thí sinh đăng ký dự thi, có hơn 670 nghìn thí sinh chọn bài thi các môn KHXH (gồm các môn thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), chiếm tỷ lệ đến 63%; trong khi tỷ lệ thí sinh chọn bài thi các môn KHTN (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) chỉ chiếm khoảng 37%. GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Tỷ lệ số lượng thí sinh đăng ký chọn bài thi các môn KHXH nhiều hơn so với các môn KHTN đã diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, năm 2024, tỷ lệ thí sinh lựa chọn bài thi KHXH tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm gần đây, nếu tính từ năm 2019 đến nay. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, số thí sinh đăng ký bài thi KHXH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là gần 88.300 em, trong khi số thí sinh đăng ký bài thi KHTN chỉ là 21.000 em.

Nhiều học sinh cho rằng việc chọn bài thi KHXH có nhiều ưu thế như dễ học, dễ đạt điểm cao hơn so với chọn bài thi KHTN, nhất là với các môn vốn cần học vững và có kiến thức nền tảng từ đầu cấp như Hóa học, Sinh học, Vật lý... Khi điểm thi tốt nghiệp THPT cao, cơ hội trúng tuyển đại học của học sinh cũng tốt hơn. Ngoài ra, lựa chọn bài thi KHXH cũng là giải pháp an toàn giúp học sinh đủ điều kiện để xét tốt nghiệp THPT.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, sự chênh lệch này là xu hướng dễ hiểu vì với học sinh, chọn cách nào đơn giản nhất, nhanh nhất mà lại đạt được điểm cao thì tất nhiên các em sẽ ưu tiên hơn. Các môn thuộc tổ hợp KHXH hiện tính chất học thuộc vẫn còn nhiều, vì vậy học sinh có thể cần ít thời gian để học và ôn thi hơn nhưng vẫn dễ đạt được điểm cao. Trong khi đó, các môn KHTN yêu cầu tư duy logic, phải nắm vững hệ thống kiến thức từ lớp 10, lớp 11 và lớp 12 mới có thể hiểu và làm bài tốt được. Cùng đó, nhìn vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT qua các năm, dễ dàng nhận thấy các môn KHXH có tỉ lệ điểm cao nhiều hơn so với các môn KHTN. Do đó, nhiều học sinh với mục tiêu tốt nghiệp THPT trước mắt, các em sẽ lựa chọn tổ hợp môn KHXH để dự thi. Ngoài ra, còn một lý do khiến học sinh ngày càng “chuộng” tổ hợp KHXH hơn vì sự đa dạng trong cách xét tuyển của các trường đại học hiện nay. Với xu hướng tự chủ, các tổ hợp xét tuyển của các trường đại học cũng mở rộng và đa dạng các môn hơn, trong đó nhiều trường xét tuyển với nhiều tổ hợp mới trong đó có các môn xã hội.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu tình trạng chênh lệch giữa các môn KHXH và KHTN tiếp tục kéo dài như hiện nay có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực. Các ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, kỹ thuật… có nguy cơ đối diện với việc thiếu lực lượng lao động trình độ cao. Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trước yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh chuyển đổi số thì sự chênh lệch giữa 2 tổ hợp theo hướng thí sinh chọn môn KHXH ngày càng áp đảo như hiện nay là không thuận lợi, thậm chí mang đến nhiều thách thức, bởi trong khi nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ rất lớn nhưng nhiều trường sẽ khó tuyển sinh.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, nhìn vào bức tranh tổng thể, xu hướng học sinh lựa chọn các môn KHXH nhiều hơn KHTN có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa nguồn nhân lực ngành nghề. Trong khi nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ rất lớn nhưng nhiều trường sẽ khó tuyển sinh do hạn chế về nguồn tuyển. Để giải quyết tính trạng này, Bộ GD&ĐT cần tổ chức khảo sát thực tế, có đánh giá cụ thể về nguy cơ mất cân đối nguồn tuyển sinh và chất lượng nguồn tuyển sinh của các ngành để có giải pháp phù hợp, kịp thời.

Hùng Quân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/thi-sinh-chon-bai-thi-khoa-hoc-xa-hoi-chiem-ty-le-ap-dao-lo-ngai-mat-can-doi-nguon-nhan-luc-i739958/