Thí sinh hơn 9,5 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói gì?

Việc thí sinh 'hơn 9,5 điểm một môn vẫn trượt đại học' khiến không ít, thí sinh và phụ huynh băn khoăn. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giải thích về vấn đề này.

Năm 2024, điểm chuẩn trúng tuyển đại học nhiều trường top, ngành hot rất cao, đặc biệt là điểm chuẩn khối C.

Đơn cử như điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là 29,3 điểm, đồng nghĩa với việc thí sinh dù đạt trên 9,5 điểm/môn vẫn trượt.

Không chỉ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn của khối sư phạm tại nhiều trường đại học khác cũng rất cao. Hai ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cùng lấy 28,83 điểm. Tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, điểm chuẩn ở ngành Sư phạm Lịch sử (đào tạo tại cơ sở chính) và Sư phạm Ngữ văn (đào tạo tại cơ sở chính) cũng lên tới 28,6 điểm.

Việc “hơn 9,5 điểm một môn vẫn trượt đại học” khiến không ít phụ huynh băn khoăn.

Bên lề Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 19.8, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

“Hơn 9,5 điểm một môn vẫn trượt đại học” có bất thường?

- Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, một số ngành của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các trường đại học khác, thí sinh đạt đến 29 điểm vẫn trượt. Ông có thấy đây là hiện tượng bất thường hay không?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Thực ra nếu chúng ta nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm nay với năm khác thì điểm chuẩn như vậy có vẻ như cao quá.

Nhưng nếu nhìn nhận theo nguyên tắc của tuyển sinh đại học, tức là tuyển những người có đủ năng lực để vào và mang tính chất lựa chọn thì sẽ thấy rằng chọn từ trên xuống dưới, nếu như có nhiều người ở tốp trên rồi thì những người tốp dưới đương nhiên sẽ bị mất cơ hội. Đây là câu chuyện quy tắc của việc lựa chọn. Sẽ có những khía cạnh khác nhau để nhìn nhận.

Chúng ta thấy rằng nhìn chung, điểm vào khối sư phạm năm nay đều tăng, không chỉ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lý giải cho điều này có nhiều lý do. Trong đó, những chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách về cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm đã thu hút số lượng thí sinh đăng ký có vẻ ngày càng đông. Năm nay, theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, số thí sinh đăng ký vào các ngành sư phạm tăng vọt.

Chỉ tiêu thì có hạn, trong khi số lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh, sẽ chỉ có những bạn tốp trên mới đủ điểm để trúng tuyển. Tôi cho rằng đó cũng là một dấu hiệu tích cực.

Riêng với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có một điểm khác nữa là theo quy chế của Bộ GD-ĐT được tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia. Năm nay, chúng tôi có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành, đương nhiên các bạn được tuyển thẳng. Điều này càng làm cho việc cạnh tranh khó khăn hơn.

- Nhiều phụ huynh bức xúc khi thí sinh đạt trên 9,5 điểm mỗi môn vẫn không đỗ đại học theo nguyện vọng yêu thích nhất. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Đứng từ phía phụ huynh thì băn khoăn, tâm sự như thế là có thật. Tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những ý kiến này. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng nếu thí sinh đã có điểm cao như thế, các em không trúng tuyển ngành này thì sẽ trúng tuyển ngành khác bởi hiện nay, thí sinh được đăng ký không hạn chế nguyện vọng.

Như vậy nếu như nguyện vọng cạnh tranh cao nhất không được thì các em sẽ có những nguyện vọng khác. Tôi cho rằng đây cũng là một chuyện bình thường trong cuộc sống, bởi có thể chúng ta đã giỏi nhưng vẫn có bạn khác giỏi hơn và ta phải chấp nhận câu chuyện như vậy.

Yêu cầu đầu vào của giáo dục đại học chính là yêu cầu hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

- Liên quan đến câu chuyện các trường đại học sử dụng các phương thức xét tuyển sớm vẫn gây một số tranh luận hiện nay, quan điểm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Tôi nghĩ cần nhìn nhận vấn đề xét tuyển sớm trên nhiều khía cạnh. Khía cạnh đầu tiên liên quan đến tự chủ của trường đại học. Rõ ràng các trường đại học được tự chủ ở mức độ nhất định trong quá trình tuyển sinh và việc đó tôi nghĩ chúng ta cũng nên tôn trọng.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thời gian vừa qua, có một số ý kiến, đặc biệt là ý kiến từ các trường phổ thông về xét tuyển sớm. Đơn cử, nhiều trường đại học chỉ xét tuyển 5 kỳ học bạ, dẫn đến câu chuyện học sinh không tập trung sâu nữa vào việc học để hoàn thành chương trình phổ thông.

Đây là vấn đề chúng ta đang phải tìm cách để xử lý. Theo tôi, phải có cách thức xử lý hài hòa, vừa để các trường đại học vẫn có cơ hội sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau, đảm bảo đầu vào cho mình nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tuyển sinh đại học không được đi ngược lại với giáo dục phổ thông.

Nguyên tắc rất căn bản là các yêu cầu đầu vào của giáo dục đại học chính là các yêu cầu để hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu như đầu vào của đại học chỉ dành cho đại học, không góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông thì cũng không được. Đây là bài toán hết sức khó vì liên quan đến nhiều bên.

Thí sinh xét tuyển năm 2025 cần chú ý điều gì?

- Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điều chỉnh gì trong các phương thức xét tuyển? Ông có lời khuyên gì cho các thí sinh xét tuyển năm 2025, các em có nhất thiết phải đợi đến kỳ thi tốt nghiệp THPT không, hay nên tham gia xét tuyển sớm?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã bắt đầu nghĩ đến việc thực hiện tuyển sinh 2025 từ rất sớm. Đây là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 xét tuyển đại học, như vậy có thể các tổ hợp phải khác đi đôi chút. Chúng tôi đang phải tính toán phương thức tuyển sinh năm tới, lấy tổ hợp cho từng ngành như thế nào, format của kỳ thi riêng,... Đây bài toán chúng tôi vẫn đang suy nghĩ, nhưng chắc hẳn sẽ có sự điều chỉnh nhất định.

Một lời khuyên của chúng tôi cho thí sinh xét tuyển năm tới là các em nên hết sức chú ý những điều chỉnh về mặt chính sách của các trường và của Bộ GD-ĐT. Trong hội nghị về tổng kết giáo dục đại học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số định hướng cho việc tuyển sinh từ năm 2025, trong đó có định hướng việc xét tuyển sớm sẽ có những thay đổi nhất định.

Các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tập trung vào những định hướng như thế để điều chỉnh cách thức cũng như quy trình tuyển sinh trong năm tới. Tôi chưa thể nói được rằng những phương thức nào chắc chắn sẽ có trong tuyển sinh năm tới của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy vậy, nguyên tắc số một là chúng ta sẽ giữ ổn định, mà ổn định thì việc lấy điểm thi tốt nghiệp THPT là điều chắc chắn.

Đến thời điểm này, các trường đại học vẫn lấy một tỷ lệ tương đối lớn chỉ tiêu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, một lời khuyên cho các bạn học sinh năm lớp 12 là các em phải theo dõi rất sao xem xu hướng trong việc điều chỉnh của các trường như thế nào.

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các môn trong chương trình GDPT mới

- Các trường sư phạm đã mở nhiều mã ngành theo những môn mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhưng hiện các tỉnh vẫn thiếu nguồn tuyển. Theo ông, cần giải pháp nào để giải quyết bài toán này?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Đây là vấn đề mang tính chất tổng thể và rất khó. Hiện nay, chỉ tiêu đào tạo của các trường do Bộ GD-ĐT phân bổ, trên cơ sở đăng ký của các địa phương. Thế nhưng, địa phương đăng ký chỉ tiêu thế nào là một câu chuyện rất khó.

Tôi lấy ví dụ, ngành Giáo dục đặc biệt rất ít thí sinh đăng ký nhưng để điều hành một cách hệ thống thì Bộ vẫn phải cho chỉ tiêu vì nhu cầu xã hội là có thực, ta không thể bỏ.

Như vậy, cần làm thế nào để nhu cầu của địa phương khớp với việc đào tạo của các trường sư phạm và địa phương thực sự cam kết trong việc đăng ký nhu cầu với Bộ GD-DT, từ đó ta có chỉ tiêu tổng để điều và phân bổ cho các trường thì sẽ giải quyết được câu chuyện thiếu giáo viên.

Liên quan đến các môn mới, chúng ta biết rằng chu trình mới được vài năm, các trường không thể đào đào tạo ồ ạt ngay lập tức. Ví dụ, cần 20.000 giáo viên, ngay lập tức phải đào tạo 20.000 giáo viên là không thể vì các trường sư phạm muốn đào tạo phải căn cứ vào năng lực dựa trên số giảng viên, trình độ của giảng viên, chương trình này đã mở bao lâu và tăng chỉ tiêu như thế nào,... Có hàng loạt những quy tắc về mặt đào tạo, về các chuẩn mực mà các trường buộc phải theo để đảm bảo chất lượng. Ta sẽ đào tạo dần dần để bù đắp vào số đó.

Tuy nhiên, có một giải pháp mà các địa phương có thể thực hiện được, chính là các chương trình bồi dưỡng. Hiện nay, đội ngũ dạy đơn môn của chúng ta vẫn có, ta phải bồi dưỡng cho đội ngũ này để dạy được tích hợp. Chuyện này chắc chắn rất khó, bởi thói quen vài chục năm, bây giờ lại học và thay đổi sang một thứ mới là không dễ. Nhưng buộc ta phải thích ứng với yêu cầu mới.

Một giải pháp khác là các thầy cô đơn môn có thể học văn bằng thứ hai. Họ sẽ không phải học toàn bộ thời gian mà chỉ học khoảng 2/3 hoặc 1/2 thời gian cho văn bằng hai, tùy từng chương trình. Lúc đó, thầy cô có đầy đủ năng lực để dạy một cách chính thức môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Đây là những giải pháp chúng ta đưa ra. Tuy nhiên, giải pháp thì không bao giờ giải quyết được một vấn đề ngay lập tức, ta nhìn thấy vấn đề và dần dần thực hiện các giải pháp. Tôi cho rằng các bên liên quan đều đang cố gắng làm việc này.

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Đức Sơn!

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/thi-sinh-hon-9-5-diem-mon-van-truot-nguyen-vong-hieu-truong-truong-dh-su-pham-ha-noi-noi-gi--i384667/