Thí sinh không 'mặn mà' với môn Khoa học tự nhiên gây nhiều băn khoăn, lo lắng

Theo chuyên gia, xu hướng thí sinh ngày càng ít chọn các môn Khoa học tự nhiên là một sự lãng phí tiềm năng lớn lao của quốc gia.

Năm 2025 là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi gồm 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Văn. Hai môn còn lại, học sinh chọn từ các môn được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Kết quả khảo sát về lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 của học sinh ở nhiều trường và địa phương cho thấy xu hướng các môn Khoa học xã hội đang chiếm áp đảo hơn so với Khoa học tự nhiên. Điều này gây không ít lo ngại về nguy cơ mất cân bằng trong cơ cấu nguồn nhân lực.

Thực tế, xu hướng ưu tiên các môn Khoa học xã hội đã xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2017, khi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội lần đầu tiên được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ thí sinh chọn hai nhóm bài thi chênh lệch không nhiều (57% ở Khoa học tự nhiên so với 43% ở Khoa học xã hội). Tuy nhiên, đến năm 2024, tỷ lệ này thay đổi đáng kể, với 37% ở Khoa học tự nhiên so với 63% ở Khoa học xã hội.

Tiềm năng Khoa học tự nhiên đang bị lãng phí

Trước xu hướng này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cảm thán: “Rất lạ lùng!”.

Theo lời thầy Tống, vào thời của thầy (khoảng những năm trước 1975), phần lớn học sinh đều chọn học các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Và thực tế, người Việt Nam vốn có năng khiếu và rất giỏi về các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, điều này cũng được bạn bè quốc tế công nhận rộng rãi. Thầy Tống cho rằng, sự kiện tập đoàn thiết kế chip hàng đầu thế giới NVIDIA lựa chọn đầu tư vào Việt Nam mới đây là một minh chứng mạnh mẽ cho năng lực của người Việt. Chính vì vậy, xu hướng thí sinh ngày càng ít chọn các môn Khoa học tự nhiên là một sự lãng phí tiềm năng lớn lao của quốc gia.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam rất cần sự đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức và hành động quyết liệt để có thể bứt phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ XXI.

Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh là yêu cầu cấp thiết. Trong bối cảnh thế giới đang bùng nổ về công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, giáo dục cần tập trung khuyến khích học sinh theo đuổi các lĩnh vực STEM, từ đó góp phần đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên hàng ngũ các quốc gia phát triển.

Theo thầy Tống, một trong những lý do khiến nhiều học sinh hiện nay có xu hướng chọn các môn khoa học xã hội vì cho rằng những môn này dễ học, dễ thi, ít đòi hỏi tư duy phức tạp hay tính toán. Bên cạnh đó, tâm lý không ít bạn trẻ thường thiên về lựa chọn các công việc nhẹ nhàng, dễ kiếm tiền, và e ngại theo đuổi những ngành cơ khí, kỹ thuật vì sợ rằng công việc vất vả và nhiều áp lực.

“Cần có giải pháp để khơi dậy và thúc đẩy niềm đam mê với các môn Khoa học tự nhiên cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ”, thầy Tống nhận định. Từ đó, thầy Tống đề xuất cần tăng cường tổ chức các cuộc thi, giải thưởng liên quan đến lĩnh vực Khoa học tự nhiên để tạo động lực và môi trường học tập thú vị, giúp học sinh khám phá khả năng và nuôi dưỡng tình yêu với các môn học này. Những hoạt động như vậy không chỉ kích thích sự tò mò, sáng tạo mà còn góp phần định hướng nghề nghiệp, từ đó xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và khoa học trong tương lai.

Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho học sinh

 Ảnh minh họa: DN

Ảnh minh họa: DN

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ lo ngại về xu hướng này. Thầy Nhân nhận định rằng nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, dẫn đến sự mất cân bằng và thậm chí khiến một số cơ sở đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật,... không đủ nguồn tuyển sinh. Về lâu dài, điều này có thể trở thành gánh nặng cho chính các em học sinh, khi quá nhiều người tập trung vào một số lĩnh vực, khiến cơ hội tìm được việc làm tốt trở nên khó khăn hơn.

Chênh lệch giữa hai nhóm tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cũng khiến băn khoăn về chất lượng của hoạt động hướng nghiệp ở bậc phổ thông.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: Công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện nay mặc dù đã có nhiều văn bản, hướng dẫn từ các cấp quản lí tuy nhiên vì nhiều lí do cả khách quan lẫn chủ quan nên còn nhiều bất cập, mặc dù đã đây là một nội dung đã được chú trọng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hoạt động hướng nghiệp ở trường phổ thông thường bao gồm các hoạt động như tư vấn định hướng; tổ chức các buổi nói chuyện hay sinh hoạt chuyên đề về nghề nghiệp; phối hợp với chuyên gia, nhà tuyển dụng và cựu sinh viên để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm; cũng như tổ chức các buổi kiểm tra, đánh giá sở thích và năng lực nghề nghiệp của học sinh,...

Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động hướng nghiệp tại nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao. Phần lớn công tác này do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm, nhưng với lịch hoạt động chuyên môn dày đặc và các giáo viên chủ nhiệm chưa được tập huấn, bồi dưỡng nhiều về hoạt động hướng nghiệp. Bên cạnh đó, còn một bộ phận giáo viên chưa thật sự quan tâm hoặc chưa có đủ điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, còn một bộ phận không nhỏ học sinh, thế hệ GenZ ngày nay, cũng chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tìm hiểu nghiêm túc về nghề nghiệp tương lai cho bản thân mình.

Cũng theo thầy Thành, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thiết kế theo hướng cho phép học sinh trung học phổ thông được quyền chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân, trên cơ sở đã “có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp” được trang bị từ bậc trung học cơ sở.

Tuy nhiên, do chương trình được triển khai theo lộ trình cuốn chiếu, học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2024-2025 là các em chuyển đổi từ chương trình 2006 lên chương trình 2018 khi vào lớp 10, do vậy việc định hướng nghề nghiệp của học sinh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Bởi vậy, thầy Thành cho rằng cần chú trọng hơn nữa hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trong đó, cần tăng cường truyền thông đa dạng trên các kênh chính thống như báo chí, đồng thời xây dựng tài liệu, website và cẩm nang hướng nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ về xu hướng thị trường lao động và các ngành nghề triển vọng,… để trên cơ sở đó các nhà trường có thể có các nội dung đặc thù với hoàn cảnh kinh tế, xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo cũng cần tích cực hỗ trợ, giám sát công tác hướng nghiệp tại các trường, đảm bảo các hoạt động này được triển khai một cách hiệu quả và thực chất, gắn với các hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Trung Nhân cũng cho rằng cần chú trọng tới công tác truyền thông, đặc biệt là từ các kênh truyền thông chính thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh về vai trò quan trọng của các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ (STEM). Truyền thông cần tập trung vào việc giới thiệu cơ hội nghề nghiệp, mức thu nhập tiềm năng, cũng như tác động của các ngành này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, cần xem xét và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy học sinh giỏi theo đuổi các ngành STEM. Có thể nghiên cứu phương án học sinh theo học các ngành này có thể được hỗ trợ về học phí hoặc giảm học phí tương tự như mô hình đã áp dụng thành công trong lĩnh vực sư phạm. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho học sinh mà còn tạo động lực để các em lựa chọn những ngành học chiến lược, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-sinh-khong-man-ma-voi-mon-khoa-hoc-tu-nhien-gay-nhieu-ban-khoan-lo-lang-post247929.gd