Thí sinh Quảng Ninh đánh giá phần làm văn ở đề thi Ngữ văn khá 'hóc búa'
Đa số thí sinh Quảng Ninh đánh giá đề thi năm nay vừa sức và có tính phân hóa rõ rệt. Phần làm văn được nhiều em đánh giá khá 'hóc búa'.
Sáng 28/6, hơn 16.000 học sinh Quảng Ninh chính thức bước vào môn thi đầu tiên - môn Ngữ văn với thời gian làm bài là 120 phút. Cán bộ coi thi phát đề cho thí sinh vào lúc 7h30 phút, thí sinh bắt đầu làm bài lúc 7h35 phút.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần quen thuộc: Phần đọc hiểu (3 điểm): đề thi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu và từ đó đặt ra câu hỏi với độ khó được phân hóa theo từng câu, yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề được đặt ra từ đoạn văn bên trên. Phần làm văn (7 điểm): gồm 2 câu, câu 1 làm văn về nghị luận xã hội, câu 2 làm văn về nghị luận văn học.
Sau 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn, đa số thí sinh Quảng Ninh đánh giá đề thi năm nay ấn tượng và có tính phân hóa cao. Thí sinh cho rằng phần dễ ghi điểm nằm ở nghị luận xã hội còn phần làm văn khá “hóc búa” khi không yêu cầu phân tích nhân vật mà là nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân.
Theo em Trần Triệu Phương Anh, học sinh tham gia thi tại điểm Trường Trung học phổ thông Hòn Gai (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), phần đọc hiểu trong đề thi năm nay được nhiều thí sinh đánh giá là khó còn phần nghị luận xã hội rơi vào vấn đề “cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống” rất sát với cuộc sống và là một đề mở, đây cũng là phần giúp thí sinh giành điểm.
Về phần làm văn rơi vào đoạn trích của tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, Phương Anh đánh giá: “Quá trình học trên lớp và ôn tập em thấy các bạn hầu hết sẽ tập trung vào phân tích nhân vật Thị, Tràng hoặc bà cụ Tứ trong các tình huống như là nhặt vợ, dẫn vợ về nhà hay đưa về nhà gặp bà cụ.
Theo đó, ban đầu đọc đề phần làm văn em khá ngạc nhiên, đây cũng là cảm nhận chung của nhiều bạn học khác. Đề yêu cầu học sinh phải hiểu sâu cốt truyện cũng như nhân vật của học sinh. Nếu không đào sâu, phân tích kỹ được tác phẩm thì rất khó đạt được điểm cao, bài thi sẽ mờ nhạt”.
Đồng quan điểm trên, một thí sinh ở điểm thi Trường Trung học phổ thông chuyên Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) cũng đánh giá phần làm văn của đề thi năm nay khá bất ngờ.
Tuy nhiên, nếu so sánh với đề thi năm trước, tác phẩm Vợ nhặt vẫn có cốt truyện dễ bám, phân tích hơn tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa. Thí sinh vẫn có thể giành được điểm nhưng để có điểm tuyệt đối cần rất nhiều kỹ năng.
Còn theo em Vũ Phương Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hạ Long đánh giá: “Em thấy đề thi có 2 phần yêu cầu thí sinh phải có năng lực, tư duy tốt đó là yêu cầu trong câu nghị luận xã hội khi phải có sự liên kết với dữ liệu trong câu đọc hiểu.
Bản thân em cũng nắm chắc vì rất khó để liên kết giữa đoạn trích Đi qua cơn giông của tác giả Anh Ngọc và vấn đề cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đây cũng là chia sẻ chung của nhiều bạn thi cùng phòng với em, sự liên hệ giữa dữ liệu và yêu cầu không rõ ràng lắm.
Phần làm văn theo em có tính phân hóa rõ khi đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng phân tích sâu, hiểu tác phẩm và nhân vật. Theo đó, đề thi có thể vừa sức với em nhưng lại khó ghi điểm với bạn khác, đề phân hóa rõ năng lực của thí sinh”.
Buổi chiều hôm nay (ngày 28/6), các thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán với thời gian làm bài là 90 phút.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, tỉnh có 16.024 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 (tăng 265 thí sinh so với năm trước).
Toàn tỉnh tổ chức 1 Hội đồng thi với 37 điểm thi ở tất cả các địa phương trong tỉnh, đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi, đảm bảo đúng quy chế thi, thuận tiện cho thí sinh và an toàn cho công tác tổ chức của kỳ thi.