Thí sinh sốc vì điểm chuẩn tăng, chuyên gia nói 'không có gì bất ngờ'

Các chuyên gia giáo dục đã lường trước chuyện điểm chuẩn tăng và chỉ ra một số lý do khiến ngưỡng trúng tuyển của nhiều ngành lên đến 28-29 điểm.

 Điểm chuẩn tăng khiến nhiều thí sinh trượt nguyện vọng trong nuối tiếc. Ảnh: Thế Bằng.

Điểm chuẩn tăng khiến nhiều thí sinh trượt nguyện vọng trong nuối tiếc. Ảnh: Thế Bằng.

Điểm chuẩn xét tuyển đại học 2024 đã được công bố. Năm nay, hàng loạt ngành lấy điểm chuẩn trên 28, thậm chí vượt mức 29 điểm như Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của Đại học Sư phạm Hà Nội (29,3 điểm), Quan hệ công chúng của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (29,1 điểm), Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao (29,2 điểm)...

Khi các trường công bố điểm, thí sinh và phụ huynh sốc vì điểm chuẩn cao hơn tưởng tượng, nhiều em trượt nguyện vọng khi chỉ thiếu 0,1-0,2 điểm. Điều này cũng gây ra làn sóng tranh luận trên mạng xã hội và nhiều người nói rằng các trường đại học đang “lạm phát điểm chuẩn”.

Điểm chuẩn tăng là chuyện dễ hiểu

Trao đổi với Tri Thức - Znews về những tranh cãi của dân mạng xoay quanh chuyện điểm chuẩn tăng, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Đại học Công thương TP.HCM, nói rằng hiện tượng điểm chuẩn tăng cao, thậm chí vượt ngưỡng 29 điểm, có thể khiến nhiều người cảm thấy sốc.

Nhưng dưới góc nhìn của một nhà giáo dục đại học, đây không phải điều gây bất ngờ vì nhiều trường đại học - đặc biệt là trường hot, có ngành hot - luôn có sức cạnh tranh rất cao.

Nguyên tắc xét tuyển đại học luôn là xét từ trên xuống, từ thí sinh có điểm cao nhất cho đến khi đủ chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những thí sinh đạt điểm cao nhất mới có cơ hội trúng tuyển.

 Các chuyên gia giáo dục nhận định điểm chuẩn tăng là điều dễ hiểu, không phải "lạm phát" như dư luận đánh giá. Ảnh: Thế Bằng.

Các chuyên gia giáo dục nhận định điểm chuẩn tăng là điều dễ hiểu, không phải "lạm phát" như dư luận đánh giá. Ảnh: Thế Bằng.

Về việc cộng đồng mạng nhận xét “lạm phát điểm chuẩn”, thầy Phạm Thái Sơn phản đối cách nói này vì nó có thể khiến xã hội lo ngại mức điểm cao không thực sự phản ánh đúng năng lực của thí sinh, từ đó khiến các em áp lực, buồn bã.

Trong khi đó, thực tế điểm chuẩn tăng cao là hệ quả tự nhiên của sự gia tăng về số lượng thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi. Nó phản ánh năng lực học tập của thí sinh và có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác trong hệ thống giáo dục và tuyển sinh đại học.

Yếu tố thứ nhất là về độ khó của đề thi. Năm 2024, đề thi tốt nghiệp THPT có phần dễ hơn các năm trước nên thí sinh đạt điểm cao hơn. Khi mặt bằng chung điểm thi của thí sinh cao lên, điểm chuẩn các ngành hot sẽ tăng để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh.

Thầy Sơn lấy ví dụ với các môn khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), trung bình điểm thi 3 môn này của thí sinh cao hơn năm 2023 nên năm nay, ngưỡng đầu vào các ngành sử dụng tổ hợp xét tuyển này cũng bị đẩy lên cao.

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến điểm chuẩn là sự thay đổi trong cách thức xét tuyển. Khi các trường đại học áp dụng hình thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với tiêu chí phụ như học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ…, sự chênh lệch trong mức điểm có thể xảy ra, từ đó khiến điểm chuẩn tăng.

Chung quan điểm với ThS Phạm Thái Sơn, TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia, nói rằng điểm chuẩn đại học tăng là điều bình thường, không phải chuyện gây bất ngờ và càng không thể nói là “lạm phát điểm”.

Thứ nhất, việc thi cử hiện nay đã chuyển từ kỳ thi “3 chung” sang một kỳ thi duy nhất nên đề thi vừa phải đáp ứng nhu cầu tốt nghiệp, vừa phải đáp ứng nhu cầu xét tuyển đại học, kéo theo hiện tượng điểm thi của thí sinh cao hơn, điểm chuẩn theo đó cũng tăng.

Tuy nhiên, ông Hiệp nhấn mạnh một điểm rằng điểm chuẩn ngày nay so với 10-15 năm trước có thể gọi là tăng cao, nhưng so với 5-7 năm nay - kể từ khi áp dụng hình thức thi mới - thì không thể gọi là tăng cao mà chỉ là tăng bình thường.

Thứ hai, điểm chuẩn tăng hay không, tăng như thế nào còn phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường đưa ra. TS Hiệp nói chúng ta không nên chỉ nhìn vào mỗi điểm chuẩn để đánh giá mức độ tăng - giảm, càng không nên nhìn vào những ngành chỉ tuyển rất ít chỉ tiêu.

Ví dụ, ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao chỉ tuyển 40 chỉ tiêu và dành 28 suất trong số đó để xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi lượng chỉ tiêu thấp như vậy, nhà trường buộc phải nâng điểm chuẩn để tuyển vừa đủ số thí sinh theo đề án tuyển sinh. Đó cũng là lý do điểm chuẩn ngành này lên đến 29,2 điểm.

Về việc nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1 khi chỉ thiếu 0,1-0,2 điểm, TS Phạm Hiệp nói nếu trượt nguyện vọng 1, các bạn vẫn có cơ hội trúng tuyển các nguyện vọng sau, các nguyện vọng sau cũng rất tốt nên không việc gì phải buồn hay thất vọng.

“Thiếu 0,1 hay 0,2 thì vẫn là thiếu, các bạn đã tham gia thì phải chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận quy định tuyển sinh. Tôi giả sử bây giờ nhà trường hạ điểm chuẩn 0,1-0,2 điểm, các bạn đậu, những bạn khác bằng điểm các bạn cũng sẽ đậu. Khi đó, trường lại thừa chỉ tiêu, lại trái với đề án tuyển sinh ban đầu, như vậy cũng không được”, ông Hiệp nhấn mạnh.

 Thí sinh 2007 cần chuẩn bị sẵn sàng để tránh bị "sốc điểm chuẩn" như thí sinh 2006. Ảnh: Phương Lâm.

Thí sinh 2007 cần chuẩn bị sẵn sàng để tránh bị "sốc điểm chuẩn" như thí sinh 2006. Ảnh: Phương Lâm.

Nên quay về một kỳ thi

Cũng liên quan chuyện tuyển sinh đại học, TS Phạm Hiệp nói rằng cá nhân ông vẫn mong nước ta quay về một kỳ thi duy nhất giống gaokao của Trung Quốc hoặc CSAT của Hàn Quốc để giảm bớt sự phức tạp trong xét tuyển đại học, đồng thời bỏ xét tuyển sớm để tránh khiến nhiều người thấy loạn và khó hiểu.

Khi áp dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, người lớn loạn, học sinh cũng loạn và dễ chạy theo phong trào cho “an toàn” hoặc nghe theo hướng dẫn của giáo viên để nộp hồ sơ. Điều này cũng có thể gây thiệt thòi cho các bạn.

“Các trường dùng SAT hay IELTS cũng được, nhưng chỉ nên dùng làm tiêu chí phụ chứ không nên coi đó là tiêu chí chính để tuyển sinh. Giả sử trường vẫn muốn dùng những tiêu chí này để tuyển sinh thì chỉ tiêu chỉ nên giới hạn ở mức 10-20%. Nói chung, chúng ta vẫn chỉ cần một kỳ thi duy nhất và dùng một cách đánh giá chung cho dễ quản lý, vừa đỡ phức tạp, vừa đỡ mất thời gian”, ông Hiệp nói.

Điểm chuẩn 2024 vừa công bố, các thí sinh 2007 đã bắt đầu lo lắng cho điểm chuẩn của mùa tuyển sinh 2025. ThS Phạm Thái Sơn nói rằng các bạn chưa nên áp lực sớm quá vì tình hình điểm chuẩn sẽ còn phụ thuộc vào đề thi tốt nghiệp THPT - đề dễ, điểm thi cao thì điểm chuẩn tăng và ngược lại.

Thay vì lo lắng chuyện điểm chuẩn tăng giảm, ThS Sơn khuyên ngay từ bây giờ, các học sinh 2007 nên xác định rõ ngành học và trường đại học mình mong muốn ngay từ sớm, đồng thời nghiên cứu kỹ về điểm chuẩn các năm trước, xu hướng tăng điểm, và các tiêu chí xét tuyển khác của ngành học đó. Việc này giúp bạn có định hướng học tập và chuẩn bị kỹ càng hơn.

Các bạn cũng nên tập trung học tập và rèn luyện kỹ năng để đạt được điểm cao, phân bổ thời gian hợp lý giữa các môn học, đặc biệt là những môn có trọng số cao trong kỳ thi tuyển sinh. Ngoài ra, việc rèn luyện kỹ năng làm bài thi như giải đề minh họa, học cách quản lý thời gian trong phòng thi… cũng rất quan trọng.

“Và để tăng cơ hội đậu, thí sinh nên đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và cân nhắc kỹ lưỡng giữa các ngành học, các trường đại học. Các bạn nên chọn một số nguyện vọng phù hợp với năng lực và một số nguyện vọng an toàn để đảm bảo không bị trượt tất cả nguyện vọng, như vậy sẽ rất đáng tiếc”, thầy giáo khuyên.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thi-sinh-soc-vi-diem-chuan-tang-chuyen-gia-noi-khong-co-gi-bat-ngo-post1492820.html