Thí sinh trượt đợt 1 cần cân nhắc kỹ ở đợt xét bổ sung
Đã có hơn 210 trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm nay điểm trúng tuyển các trường tăng mạnh, có ngành tăng đến 3,5- 4 điểm so với năm trước.
Tăng mạnh ở khối kinh tế, kỹ thuật và sư phạm
Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia tuyển sinh, điểm chuẩn các khối ngành kinh tế, kỹ thuật, sư phạm năm 2021 đã tăng rất mạnh.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM có điểm chuẩn tăng đều ở các ngành từ 0,5- 3 điểm, trong đó ngành Bảo hiểm từ 22 điểm năm 2020 lên 25 điểm, ngành Khoa học dữ liệu từ 24 điểm tăng lên 26 điểm.
Trường ĐH Tài chính - Marketing điểm chuẩn cũng tăng từ 1-2 điểm ở nhiều ngành so với năm ngoái. Trong đó ngành Bất động sản từ 23 lên 25,1 điểm, ngành Marketing từ 26,1 lên 27,1 điểm, ngành Kế toán từ 22,6 lên 24,2 điểm, ngành Kinh doanh quốc tế từ 24,5 lên 25,5 điểm.
Tương tự, điểm chuẩn Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM cũng tăng mạnh ở nhóm ngành Toán học, Toán tin, Toán ứng dụng. Năm 2019 các ngành này có điểm chuẩn là 16,10 điểm, năm 2020 có điểm chuẩn 20 điểm, năm nay lên hơn 24 điểm. Nhóm ngành Kỹ thuật điện tử - Viễn thông năm 2020 là 23 điểm thì năm nay có điểm trúng tuyển ở mức trên 25,05 điểm.
Đánh giá về điểm chuẩn năm nay, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết có nhiều lý do khiến điểm trúng tuyển tăng như đề thi tốt nghiệp dễ hơn năm trước khiến phổ điểm thi tốt nghiệp tăng. Chỉ tiêu còn lại các trường dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp giảm so với năm 2020. Đặc biệt, so với mọi năm, năm nay thí sinh đã thực tế hơn và cân nhắc lựa chọn các phương thức xét tuyển phù hợp ở các đợt xét riêng trước đó.
Ở khối sư phạm, điểm chuẩn có sự gia tăng đột biến so với năm 2020. Điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Sài Gòn ở các ngành đào tạo giáo viên đều tăng, điểm thấp nhất là Sư phạm Lịch sử - Địa lý cũng tới 23 điểm, cao nhất là Sư phạm Toán 27,1 điểm. Trong đó, ngành Giáo dục Chính trị năm 2020 điểm trúng tuyển là 21,25 thì năm nay tăng lên tới 24,25, Sư phạm tiếng Anh từ 24,96 điểm tăng lên 26,69 điểm.
Điểm chuẩn tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng tăng chóng mặt với ngưỡng điểm từ 23 đến 27,15 điểm. Ngành Sư phạm tiếng Anh năm nay có điểm trúng tuyển là 27,15, năm 2020 chỉ là 26,50 điểm. Sư phạm Tin học năm 2020 chỉ 19,50 điểm thì năm nay tăng lên 23 điểm. Các ngành như Sư phạm Lịch sử, Địa lý, Sư phạm tiếng Trung, Sư phạm Khoa học tự nhiên đều tăng trên 3 điểm.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhóm ngành sư phạm cũng có điểm chuẩn tăng từ 0,5 đến 1,75 điểm. Ngành Sư phạm tiếng Anh từ 25,5 lên 27,25 điểm, Công nghệ chế tạo máy từ 25 lên 25,75 điểm, Công nghệ kỹ thuật ô tô từ 26,5 lên 26,75 điểm, Công nghệ kỹ thuật nhiệt từ 24,25 lên 25,15 điểm…
Cơ hội nào cho thí sinh ở đợt tuyển sinh tới?
Là thí sinh có điểm thi tới 26,5 điểm (khối D) nên Nguyễn Công Hiếu (TPHCM) vô cùng tự tin với khả năng trúng tuyển của mình khi xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Mở TPHCM. Tuy nhiên, kết quả xét tuyển 3 nguyện vọng đều rớt .
“Với mức điểm đạt gần 9 điểm/môn, em không nghĩ mình có thể rớt khỏi các nguyện vọng, ngành học ở các trường mà mình yêu thích. Điểm chuẩn trúng tuyển các trường công bố thật sự khiến em bàng hoàng và không thể hiểu nổi vì sao vẫn rớt”, Công Hiếu nói.
Theo TS Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, việc nhiều thí sinh điểm rất cao nhưng vẫn rớt là chuyện vẫn xảy ra hàng năm. Dù rất tiếc nhưng không thể nào khác. Các em nhiều lúc có sự chủ quan, quá tự tin vào điểm số của mình.
“Việc nhiều thí sinh có mức điểm cao đổ xô vào xét ở một ngành nào đó của một trường, trong khi chỉ tiêu chỉ có hạn thì việc thiếu 0,25 đến 0,5 điểm là chuyện có thể xảy ra. Chưa kể những ngành học đó đã xét tuyển thí sinh ở nhiều phương thức khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên… khiến chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi ít, từ đó đẩy điểm trúng tuyển cao lên”, TS Trần Đình Lý phân tích.
Th.s Phùng Quán- Trưởng phòng Tuyển sinh và Thông tin Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM cho rằng thí sinh không trúng tuyển vẫn còn cơ hội bằng việc xét tuyển bổ sung ở các trường.
Theo kế hoạch, ở đợt tuyển sinh bổ sung, các trường được tự chủ hoàn toàn nên thí sinh cần theo dõi sát thông tin về điều kiện, thủ tục, thời gian nộp hồ sơ. Thí sinh cần phải hết sức thực tế và cân nhắc kỹ để tìm kiếm cơ hội thứ 2 cho mình.
“Thực tế mà nói, với những trường tốp trên, trường có tiếng thì sẽ gần như không còn chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung. Vì vậy, muốn tìm kiếm cơ hội cho mình, thí sinh cần tìm hiểu ở những trường tốp giữa, chọn ngành có ngưỡng điểm thật phù hợp và an toàn để gia tăng cơ hội, hơn là cứ tìm kiếm cơ hội ở những trường tốp trên”, Th.s Phùng Quán chia sẻ.
Th.s Phạm Thái Sơn - Giám đốc trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM cũng nhìn nhận có 2 “rủi ro” lớn mà thí sinh có thể phải đối mặt khi đăng ký xét tuyển bổ sung đó là trường/ngành mà thí sinh mong muốn sẽ không xét tuyển bổ sung do đã đủ chỉ tiêu; điểm chuẩn xét tuyển bổ sung cao hơn so với đợt xét tuyển đầu tiên.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT điểm trúng tuyển đợt bổ sung không được thấp hơn so với đợt 1. Mặt khác, phần lớn các ngành xét tuyển bổ sung đều có điểm bằng hoặc cao hơn so với đợt 1, thậm chí nhiều ngành điểm xét tuyển bổ sung còn cao hơn rất nhiều.
Vì vậy, thí sinh cần hết sức cân nhắc lựa chọn ở những trường tốp dưới và ở những ngành học tương tự ngành mình thích, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển”, Th.s Phạm Thái Sơn lưu ý.