Thí sinh trượt tốt nghiệp THPT 2024, hướng xử lý thế nào?
'Đối với những thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 - lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình cũ thì các em hoàn toàn có thể yên tâm', đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.
Chiều 29/11, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi họp báo công bố thông tin chi tiết về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đây là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) tốt nghiệp THPT nên kỳ thi phải thay đổi.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn.
Cụ thể, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Tại buổi họp báo chiều nay, nhiều ý kiến quan tâm tới vấn đề nếu học sinh chẳng may trượt tốt nghiệp THPT 2024 sẽ được giải quyết ra sao, bởi lứa học sinh này các em học theo chương trình cũ.
Trả lời vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Nguyên lý chung là các em học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó. Với em mà trượt tốt nghiệp năm 2024, Bộ GD&ĐT có thể tính toán để các em vẫn có thể được thi theo hình thức của chương trình phổ thông 2006. Do đó, các em hoàn toàn có thể yên tâm, rằng không phải học theo chương trình 2006 mà phải thi theo chương trình phổ thông 2018", ông Hà nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại buổi họp báo cũng nhấn mạnh nguyên tắc "bất di bất dịch" là lấy học sinh làm trung tâm. "Số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT thường không nhiều, nên việc tổ chức riêng một kỳ thi cho các em cũng không quá tốn kém".
Về định dạng, cấu trúc và ngân hàng thi, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng cho biết, song song với việc chuẩn bị phương án thi năm 2025, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo nghiên cứu sớm cấu trúc, định dạng, ngân hàng thi, tích cực tổ chức hội thảo, mời chuyên gia góp ý. Đề thi phải đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, đặc biệt phù hợp với lứa học sinh đầu tiên, mới chỉ có 3 năm học theo chương trình mới.
Bên cạnh đó, định dạng đề thi sẽ cân đối giữa các môn, tránh được độ lệch điểm lớn giữa một số môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Ngay sau khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề mô phỏng. Nội dung có thể lấy từ chương trình lớp 10, 11 nhưng vẫn giúp giáo viên, học sinh hình dung được câu trúc, hàm lượng kiến thức, các năng lực cần đạt.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng: "Việc này sẽ được thực hiện trong quý IV". Bộ GD&ĐT đang phát triển một số định dạng trắc nghiệm mới với môn Toán nhằm khắc phục những hạn chế trong không gian tư duy của học sinh. Đề thi môn Toán có thể không hoàn toàn là các câu trắc nghiệm chọn một trong bốn phương án nữa. Việc này sẽ được bàn luận và xin ý kiến trước khi đưa ra quyết định.
Về thắc mắc với phương án thi 2+2, thí sinh có được chọn nhiều hơn 2 môn tự chọn hay không? Và nếu tự chọn có nhất thiết phải trong môn học các em đăng ký tổ hợp môn học học ở cấp THPT?
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, cũng cần xem xét việc liệu có nhất thiết để các em thi nhiều môn, nhiều tổ hợp với mục tiêu tiết kiệm cho xã hội. Trong khi với 2 môn tự chọn, các em cũng đã có thể hình thành nên những tổ hợp phù hợp xét tuyển đại học cho mình.
Trong Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT, Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ: Nội dung thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình mới. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc, theo cách thức chung đề, chung đợt, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Giai đoạn 2025 - 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.