Thì thầm tiếng cát

Tôi sinh ra ở cuối một con sông lớn của Quảng Bình, nơi mỗi cuộc đời của người dân làng tôi đều bắt đầu và kết thúc từ cát.

Nhúm rau sơ sinh chôn vào cát và cát rưng rưng đón người trở về sau khi họ đã trút hơi thở cuối cùng trên thế gian này. Những hạt cát bé li ti và thô tháp, thế mà khi quần tụ lại là thành cồn, thành bãi, tiếp tiếp nối nối nhau không dứt ở bốn phía làng tôi.

Cát trắng.

Cát làng tôi thật trắng.

Có lẽ bởi vì thế mà nắng làng tôi chang chang và trăng làng tôi vằng vặc hơn mọi vùng quê khác chăng. Tôi nhớ, mùa hè chân trần băng qua cát chẳng khác gì đi trên than nóng. Nắng hừng hực như dội lửa xuống những cồn cát thưa thớt bóng cây, gần xa chỉ xùm xòa đôi bụi phi lao cằn và mấy khóm hoa tứ quý màu hồng thắm rung rinh trong gió nóng. Những chiếc dép mo cau của vùng cát nghèo khó, thời xa xôi ấy, tôi cũng chưa bao giờ quên. Cái mo cau khô được cắt ra thành từng miếng hình chữ nhật sao cho vừa với cỡ chân mình rồi xỏ dây vào làm quai, thế là thành dép. Những đôi dép mo cau tự tạo rất thô sơ đó vừa nhẹ, vừa tiện lợi khi đi qua cát nóng.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Tôi lại nhớ tới những con đường trên cát. Đó là con đường riêng của mỗi người, nói chính xác hơn dấu chân của họ để lại trên cát thành đường. Những con đường như thế thường có tuổi đời rất ngắn. Nó sẽ không tồn tại sau một trận gió lớn. Gió lào, gió bấc, thậm chí cả gió nồm đều có thể khỏa lấp hết những dấu chân trên cát. Và thế là con đường của họ cũng mau chóng hòa lẫn vào cát trắng miên man. Bởi thế, tôi đã viết trong trường ca “Sinh ở cuối dòng sông”, rằng: “Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru”...

Nhớ mạ! Nhớ lắm. Dắt tôi đi qua cát, mạ nói, chẳng có nơi mô khoai lang bùi như khoai làng miềng. Thương sao thương lạ những củ khoai lang dỡ ra từ các luống cát ven dòng Linh Giang luộc lên bẻ đôi ra bột trắng như nếp và thơm nắc nỏm. Thứ khoai lang luộc ấy phải ăn kèm với canh bầu nấu cá nục mới khỏi bị nghẹn. Dân tôi nói trạng, ăn khoai làng miềng phải ôm cột nhà mà nuốt và nhớ đeo kính râm để tránh bụi bay vô mắt.

Đã có lần tôi vin vào câu mạ hát “Khoai lang đất cát vừa ngon lại bùi” để thủ thỉ với em rằng cát không khắc nghiệt, cỗi cằn, bạc bẽo như ai từng chê đâu. Giữa lòng cát có những mạch nước rất trong, rất ngọt. Những mạch nước nuôi cây, nuôi người ẩn khuất ở các tầng nông sâu khác nhau, lặng lẽ chảy, âm thầm chảy ở dưới nền làng. Lặng lẽ, âm thầm tồn tại và tỏa lan trong cát.

Tôi trở lại với những cái giếng nông choèn nhưng lúc nào cũng săm sắp nước ngọt bên chân sóng mặn. Ta múc nước lên không phải bằng gàu mà bằng những chiếc gáo dừa. Chợt nhớ…Cô bạn tuổi thơ láng giềng của tôi ngày ấy. Bây giờ em đã con bế con bồng. Nuối tiếc gì nữa đây mà tôi thẫn thờ mang theo nỗi buồn dìu dịu về với cái giếng nông choèn bên chân sóng ngồi với bóng hình của cô bé ngày xưa; cô bé sinh năm Hợi có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt lá răm lay láy, túm tóc đuôi gà hoe hoe, miệng ngậm bông hoa tía tô đỏ tím. Một con chuồn chuồn kim gầy mảnh như bay ra từ giấc mơ chiều đậu xuống búi cỏ lông chông đang được nằm yên trên cát khi trời vắng gió. Tôi giơ tay bắt. Phía sau có tiếng con gái cất lên trong trẻo: “Chuồn chuồn có cánh thì bay/ Có thằng con nít giơ tay bắt chuồn”. Thằng con nít trong ca dao của em là người đàn ông tóc điểm màu sương gió hôm nay...

Xa xa là nghĩa trang của làng. Những ngôi mộ cát là là. Chao ôi, những ngôi mộ cát cứ thấp dần đi sau những trận gió phơn, bão bấc nom nhỏ bé và mong manh làm sao giữa mênh mang cát trắng. Tôi thương không nói hết những nấm mộ được đánh dấu bằng những khóm dứa dại đầy gai nhọn, những bụi xương rồng xứ cát. Đó là mộ của kẻ khó, những dòng họ nghèo. Còn những gia đình khá giả, những dòng họ sung túc thì phần mộ của người đã khuất đều được xây dựng vững chãi, màu mè... Chỉ cát là trắng như nhau. Người sống, sống trên cái nền trắng của cát. Người chết cũng nằm trong màu trắng muôn đời ấy của làng. Cát trắng. Trắng vào ngày. Trắng vào đêm. Trắng trong nắng. Trắng trong mưa. Trắng cho những người đang sống và trắng cho cả những ai đã khuất. Cái màu trắng ấy là nỗi bịn rịn, thấp thoáng trong ký ức của tôi suốt những năm tháng xa quê...

Tản văn của NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thi-tham-tieng-cat-627139