Thi thử tốt nghiệp THPT, đánh giá thật giáo dục
Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm nay không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn là phép thử cho cả hệ thống giáo dục phổ thông.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Sách đang tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: THẾ ANH
Mấy hôm nay chị gái tôi chuyển bớt công việc ở công ty cho người khác làm để dành thời gian kèm con thứ hai ôn thi tốt nghiệp THPT. Khi báo chí thông tin hơn 31% số bài thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025 của học sinh lớp 12 ở Hà Nội dưới điểm trung bình, chị rất lo lắng. Cháu tôi chưa tự giác học, vẫn mải chơi, trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là thi tốt nghiệp.
Chị bảo 2 năm trước, khi con trai lớn thi tốt nghiệp THPT, gia đình chị không lo lắng, áp lực như bây giờ. Năm nay, học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về cấu trúc, định dạng đề thi, môn thi. Trong khi đó, thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm, học thêm, việc ôn thi tốt nghiệp THPT có thời lượng giảm đáng kể so với năm trước.
Thời gian qua, nhiều phụ huynh cho rằng thi tốt nghiệp THPT không áp lực như thi lớp 10, chỉ cần trên điểm liệt, còn tuyển sinh vào đại học thì nhiều nguyện vọng, nhiều trường, nhiều hướng đi, thành ra cũng nhiều lựa chọn. Khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố kết quả thi thử tốt nghiệp THPT, với 148.003 bài điểm dưới trung bình (chiếm 31,8%), trong đó gần 32.000 bài thi có điểm dưới 3, hơn 4.000 bài điểm 0 - 1, rất hiếm điểm 10, phổ điểm tập trung nhiều nhất ở mức 6 - 7, nhiều phụ huynh ở Hải Dương giật mình và quan tâm đến việc học của con nhiều hơn.
Tại hội nghị tập huấn thi tốt nghiệp THPT vào tháng 4/2025, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã đề nghị tất cả các trường THPT phải tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12.
Một trong những lý do lớn nhất để tổ chức thi thử là giúp học sinh tiếp cận và làm quen với cấu trúc, hình thức, cách ra đề của kỳ thi chính thức. Năm nay, nội dung thi và cách tiếp cận đề thi có sự thay đổi đáng kể so với trước, đặc biệt là chú trọng năng lực vận dụng, tư duy phân tích thay vì chỉ kiểm tra kiến thức ghi nhớ đơn thuần. Thi thử là cơ hội để học sinh trải nghiệm thực tế, từ đó điều chỉnh phương pháp học tập phù hợp hơn, tránh học dàn trải, mất thời gian mà không đạt được hiệu quả cao. Kết quả thi thử cũng là cơ sở để học sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực.
Nhiều học sinh dù có kiến thức tốt nhưng lại dễ mất bình tĩnh trong phòng thi do chưa quen với áp lực thời gian hay môi trường thi cử. Việc thi thử trong điều kiện giống thật sẽ giúp các em luyện kỹ năng quản lý thời gian, rèn tâm lý thi cử, giảm bớt lo lắng và tăng sự tự tin khi bước vào kỳ thi chính thức.
Thi thử còn là công cụ để nhà trường kiểm tra lại quá trình giảng dạy. Từ kết quả thi thử, giáo viên có thể nhận ra những phần kiến thức học sinh còn yếu, từ đó điều chỉnh nội dung ôn tập, củng cố thêm kiến thức cần thiết trong giai đoạn nước rút.
Từ ngày 15 - 16/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương chủ trì tổ chức cho học sinh đang học lớp 12 tham gia thi thử tốt nghiệp THPT. Toàn tỉnh có hơn 26.300 em tham gia thi thử.
Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã tổ chức cho học sinh lớp 12 thi thử. Dù kết quả thấp, nhiều bài thi điểm kém, một số môn chưa đạt yêu cầu nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng để nhìn vào thực chất. Không thể phủ nhận phần nào kết quả thi thử bị ảnh hưởng bởi tâm lý “thi chơi”, không bị áp lực điểm số hay xét tuyển. Với nhiều học sinh, đây chưa phải là “trận chiến" thật, dẫn đến tâm lý chủ quan, làm bài qua loa. Nhưng cũng chính vì vậy, bài thi thử lại càng thấy rõ đâu là học sinh thật sự sẵn sàng, đâu là nhóm cần hỗ trợ thêm, đâu là “lỗ hổng” trong cách dạy, cách học mà nhà trường cần điều chỉnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng chính thức kết thúc một giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để ngành giáo dục nhìn lại toàn bộ quá trình đổi mới. Chỉ khi có kết quả học và thi thực chất, đáng tin cậy, chúng ta mới có cơ sở để đánh giá hiệu quả chương trình, từ đó tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện trong những năm tiếp theo.
Quan trọng hơn, một kỳ thi trung thực sẽ tạo nên dữ liệu minh bạch để các trường đại học xét tuyển công bằng, học sinh định hướng đúng năng lực bản thân và để xã hội lấy lại niềm tin vào giáo dục.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thi-thu-tot-nghiep-thpt-danh-gia-that-giao-duc-411645.html