Thị thực chung cho Đông Nam Á: Việt Nam sẽ hưởng lợi gì?

Một thỏa thuận thị thực chung cho Đông Nam Á có tiềm năng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, ngành du lịch và mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước ASEAN khác.

Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã nhiều lần thảo luận về đề xuất áp dụng thị thực chung cho khu vực Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.

Cơ hội lớn thu hút thêm khách quốc tế

Theo số liệu thống kê chính thức, 6 quốc gia kể trên đã đón tổng cộng 70 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2023. Trong đó, Thái Lan và Malaysia đóng góp hơn 50% tổng doanh thu du lịch, đạt khoảng 48 tỷ USD.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành du lịch khu vực, Thủ tướng Srettha Thavisin đã đề xuất ý tưởng này để thúc đẩy khả năng di chuyển liền mạch cho du khách giữa 6 quốc gia Đông Nam Á.

Việt Nam là nước có nhiều cơ hội đón khách khu vực “thị thực chung” hoặc điểm cuối hành trình, vì có lợi thế 10 sân bay quốc tế và mạng bay rộng khắp cả nước.

Việt Nam là nước có nhiều cơ hội đón khách khu vực “thị thực chung” hoặc điểm cuối hành trình, vì có lợi thế 10 sân bay quốc tế và mạng bay rộng khắp cả nước.

Góp ý về câu chuyện trên, các chuyên gia tin rằng sáng kiến thị thực chung 6 nước Đông Nam Á do Thái Lan đưa ra là cơ hội lớn cho du lịch Việt trong việc hút khách quốc tế và tăng cạnh tranh.

"Nhiều công ty du lịch Việt Nam mong muốn điều này từ lâu", CEO Lux Group Phạm Hà nhận xét về sáng kiến thị thực chung 6 nước Đông Nam Á của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin.

Hiện tại, Việt Nam tìm mọi cách hút khách đường xa như châu Âu, Mỹ hoặc Australia nhưng lại "quên" rằng không ít khách ở thị trường này đang đến châu Á du lịch. Thái Lan đưa đề xuất tạo thị thực chung với 5 quốc gia khu vực chính là cơ hội để "lôi kéo" tệp khách có sẵn. "Du lịch Việt Nam nói nhiều nhưng chưa làm được mấy. Trong khi đó, Thái Lan phân tích thị trường rất tốt", ông Hà nói thêm.

Nếu đến nước nào cũng phải xin visa, khách sẽ cảm thấy không được chào đón, bất tiện và tốn kém. Họ sẽ ưu tiên các nước không cần visa hoặc rút ngắn số nước ghé thăm. "Thay vì chọn đến cả Thái Lan và Việt Nam, khách sẽ cân nhắc chọn một trong hai, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng cao", ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel chia sẻ.

Đặc biệt, cũng theo đại diện các doanh nghiệp nếu thỏa thuận thành công, lợi thế đường bay thẳng sẽ bộc lộ rõ. Quốc gia nào có nhiều đường bay thẳng đến châu Âu, Bắc Mỹ hay châu Đại Dương sẽ càng hưởng lợi vì khách sẽ tập trung đến những nơi này đầu tiên. Trong 6 nước, Thái Lan và Malaysia có nhiều đường bay hơn Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều đường bay hơn hai nước láng giềng Lào, Campuchia. Tham gia liên minh là cơ hội giúp Việt Nam trở thành một "hub" - cảng trung chuyển - ở khu vực Đông Dương. Khách thích Campuchia hay Lào sẽ bay tới Việt Nam, rồi mới đến hai nước còn lại.

Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách quốc tế, ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch phiêu lưu cùng Mr Linh, cho rằng, nếu Việt Nam và các nước Đông Nam Á được áp dụng chung 1 thị thực sẽ là “điều quá tuyệt vời” cho ngành du lịch nước nhà.

Đề xuất chung thị thực sẽ tạo cơ hội cho du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách trong khối ASEAN, đặc biệt là lượng khách lớn từ Thái Lan. Khách tham quan cũng được hưởng lợi bởi có thể đi nhiều nước thuận tiện, không tốn thêm chi phí xin visa.

“Việt Nam là nước có nhiều cơ hội đón khách khu vực “thị thực chung” hoặc điểm cuối hành trình, vì có lợi thế 10 sân bay quốc tế và mạng bay rộng khắp cả nước. Giao thông đường bộ cũng khá thuận lợi. Đặc biệt, chúng ta nhìn những kết quả tích cực có được từ Cộng đồng các nước châu Âu (EU), cho thấy đây chính là cơ hội nâng cao vị thế cho ngành du lịch bằng tiềm năng và tài nguyên du lịch sẵn có của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung”, ông Nguyễn Tuấn Linh nói thêm.

Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội?

Nghiên cứu cho thấy việc ủng hộ sáng kiến visa chung với các nước láng giềng ở Đông Nam Á cũng phù hợp với mục tiêu của Việt Nam trong việc thu hút các du khách thuộc nhóm này. Các nghiên cứu chỉ ra những nhóm khách chi tiêu nhiều mà sáng kiến nhắm tới cũng giống các nhóm đã tới Thái Lan, Malaysia và nhiều nước Đông Nam Á khác. Những khách này thường tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa đa dạng, những điểm đến tự nhiên và cơ hội du lịch độc đáo, vốn cũng là những điều rất phổ biến ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp nhận định, khi số lượng khách từ Thái Lan được chia sẻ tới thị trường Việt, các khách sạn, công ty du lịch sẽ có thêm nguồn thu nhập lớn, từ đó có thêm động lực để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo.

Các doanh nghiệp nhận định, khi số lượng khách từ Thái Lan được chia sẻ tới thị trường Việt, các khách sạn, công ty du lịch sẽ có thêm nguồn thu nhập lớn, từ đó có thêm động lực để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo.

Thêm nữa, dữ liệu từ các tổ chức nghiên cứu du lịch cho thấy các khách đã tới Thái Lan, Malaysia và những nước khác trong khu vực cũng sẽ thường tham gia các tour nhiều điểm đến, khám phá nhiều địa danh ở Đông Nam Á trong cùng một hành trình. Do đó, nếu tham gia sáng kiến visa chung, Việt Nam có thể trở thành một phần liên tục trong lịch trình khám phá của những du khách đó, giúp họ có được sự thuận lợi trong đi lại xuyên biên giới mà không bị rườm rà với thủ tục nhiều lần xin visa.

Đại diện các doanh nghiệp cũng nhận định rằng, khi số lượng khách từ Thái Lan được chia sẻ tới thị trường Việt, các khách sạn, công ty du lịch sẽ có thêm nguồn thu nhập lớn, từ đó có thêm động lực để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo ở nước ta. "Tuy nhiên, muốn tăng sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam so với của các nước trong khu vực, trước tiên doanh nghiệp du lịch cần nâng chất sản phẩm, còn các điểm đến cần giải quyết vấn nạn chặt chém du khách, ô nhiễm môi trường du lịch. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá truyền thông cho các sản phẩm đặc trưng, đặc thù của Việt Nam", ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông TST Tourist, đề xuất.

Để chuẩn bị và sẵn sàng tận dụng các cơ hội mà thị thực chung mang lại, TS. Nuno F. Ribeiro cho rằng Việt Nam cần thực hiện một số bước như thiết lập các hiệp định song phương và đa phương với các nước ASEAN cũng như các quốc gia khác. Theo ông, Việt Nam và các nước tham gia khác nên xác định khung pháp lý, giải quyết các mối lo ngại chung về an ninh và giám sát, đồng thời đảm bảo tính tương thích của chính sách thị thực.

Những quốc gia tham gia phải đồng ý với các quy tắc nhập cảnh chung dành cho du khách đến từ nước thứ 3 và điều chỉnh các chính sách nhập cư dành cho du khách quốc tế. Họ cũng phải hài hòa hóa cơ sở hạ tầng công nghệ và bảo mật của mình.

Nếu việc áp dụng thị thực chung trở thành hiện thực, Việt Nam cần chuẩn bị cho tiềm năng lượng khách du lịch quốc tế tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông cần được nâng cấp, tập trung vào phát triển mạng lưới kết nối các phương thức vận tải khác nhau và cùng một phương thức vận tải.

Bên cạnh đó, TS. Nuno F. Ribeiro lưu ý thêm rằng, Việt Nam cũng nên sửa đổi các thủ tục nhập cảnh và an ninh mạng cũng như đào tạo và nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực. Mặc dù một số vấn đề cần được xem xét trước mắt và những hạn chế khác, nhưng các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách vẫn rất lạc quan về tiềm năng của sáng kiến này.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO) ước tính việc đơn giản hóa quy trình cấp thị thực có thể giúp gia tăng đáng kể lượng du khách quốc tế đến ASEAN, cũng như doanh thu từ du lịch và số việc làm được tạo ra. Nghiên cứu này dự báo lượt khách quốc tế sẽ tăng 3-5,1%, doanh thu du lịch tăng 2,8-4,7% và số việc làm tăng 1,6-3,1%.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thi-thuc-chung-cho-dong-nam-a-viet-nam-se-huong-loi-gi-1100836.html