Thi tốt nghiệp THPT: 18 cán bộ bị xem xét, tổ chức thi lại ở 9 phòng thi
18 cán bộ coi thi bị xem xét kỷ luật vì chưa đảm bảo đầy đủ giờ làm bài của thí sinh. Cụ thể, 1 phòng thi Ngữ văn ở Bắc Ninh, 1 phòng thi Địa lý ở Bình Phước, 7 phòng thi môn Địa lý ở Điện Biên. Các thí sinh sẽ được tổ chức thi lại vào ngày 11/8.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 năm nay phải chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 gần 900.000 thí sinh đến từ những địa phương ít có nguy cơ bùng phát dịch C0VID-19 (tổ chức từ ngày 8 đến 10/8); đợt 2 gồm thí sinh ở các địa phương đang giãn cách xã hội và thí sinh F1, F2 ở các tỉnh/ TP.
Mở đầu họp báo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đánh giá tổng kết kỳ thi từ ngày 8 đến 10/8. Ông Trinh nói, trong bối cảnh dịch COVID-19 quay lại, việc tổ chức kỳ thi là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, Bộ đã quyết tâm tổ chức kỳ thi đến thời điểm này thành công. Bộ phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi an toàn nhất. Sắp đến ngày thi, tất cả địa phương chuẩn bị các phương án thi để tổ chức kỳ thi trong tình hình mới một cách an toàn nhất.
Đến nay, có thể nói tất cả chúng ta đã cố gắng tổ chức kỳ thi. Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện đề thi; có giải pháp nâng cao tính bảo mật phần mềm ngăn ngừa gian lận…Trong 2 ngày thi, công tác thanh tra có tác dụng giúp kỳ thi. Có 26.308 thí sinh chưa tham gia thi trong đợt 1. Còn lại, thí sinh đến dự thi đợt 1 đảm bảo trên 96%. Đánh giá chung, các điểm thi an toàn, trật tự, không có phao thi, chưa phát hiện gian lận thi.
Các tổ chức Đoàn, các lực lượng hỗ trợ thí sinh đến điểm thi, không có thí sinh vì lý do nào đó không đến được điểm thi. Một số thí sinh bị tai bạn bất ngờ được hỗ trợ. Cả nước có 38 thí sinh bị đình chỉ thi.
Tuy nhiên, vẫn còn 18 cán bộ coi thi bị xem xét chưa thực hiện quy chế thi do không đảm bảo đầy đủ giờ làm của thí sinh môn Ngữ văn hội đồng thi Bắc Ninh, 7 phòng thi môn Địa Lý tỉnh Hưng Yên…
11/8, phải tổ chức thi lại cho một số thí sinh
Theo ông Trinh, trong buổi thi môn Ngữ văn ở Hội đồng thi Bắc Ninh, cán bộ coi thi ký nhầm vào ô chấm thi.
“Nếu để thí sinh nộp bài như vậy và tổ chức chấm thi chung thì việc này sẽ bình thường nhưng ở đây thầy cô lại yêu cầu thí sinh chép lại nên để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức thi lại cho các thí sinh này theo đề dự phòng”, ông nói.
Ở bài thi môn Địa lý của Hội đồng thi tỉnh Điện Biên khi phát đề ở 7 phòng thi của một điểm thi, cán bộ coi thi lại phát chậm, hụt của thí sinh 5 phút nhưng không bù giờ.
Thứ 3 là ở Bình phước có 1 thí sinh cả thí sinh và cán bộ coi thi đều nghĩ thí sinh được miễn thi môn Địa lý. Khi xem lại danh sách em này vẫn phải thi. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, ngày mai (11/8) em được dự thi lại bài thi môn này.
Điểm thi công bố theo lộ trình
Nhiều vấn đề liên quan đến đề thi, tuyển sinh, tổ chức kỳ thi đợt 2 ra sao…được phóng viên đặt ra. Trả lời các câu hỏi, ông Mai Văn Trinh cho biết, sau khi kết thúc kỳ thi, trừ Đà Nẵng, 62 tỉnh/ TP đều đã chuẩn bị các điều kiện để chấm thi tự luận và trắc nghiệm. Bộ dự trù quỹ thời gian để các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đảm bảo tiến độ.
"Lần thi tiếp theo phải dựa vào tình hình dịch COVID-19 được khống chế, các địa phương có yêu cầu. Việc tổ chức lần 2 cũng sẽ nghiêm túc, đảm bảo an toàn, đúng quy chế và đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết. Kỳ thi vẫn sẽ được tổ chức tại các địa phương hoặc căn cứ tình hình thực tế để các địa phương có đề xuất phương án", ông Trinh nói
Liên quan đến công bố đáp án thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, đây là giải pháp ngăn ngừa gian lận và đáp án sẽ được công bố theo tiến độ chấm thi.
"Công bố điểm thi khi hoàn thành công tác chấm thi, bảo đảm bí mật đời tư thí sinh.
Việc phân tích phổ điểm vẫn sẽ được tiến hành phân tích bình thường như kế hoạch đề ra.", ông Trinh khẳng định.
Đề thi vừa sức có độ phân hóa cao
Bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH cho rằng đề thi năm nay vừa sức thí sinh nhưng cũng có độ phân hóa thí sinh nên thuận lợi cho xét tuyển ĐH. Các trường có sức cạnh tranh cao cũng yên tâm tuyển sinh.
Các trường ĐH dành chỉ tiêu thế nào tránh thiệt thòi cho thí sinh chưa được dự thi đợt này, bà Thủy nói rằng, Bộ tính toán đến đảm bảo quyền lợi cho thí sinh bằng việc ban hành công văn hướng dẫn, đề nghị các trường ĐH dành tỉ lệ, chỉ tiêu phù hợp cho các thí sinh lùi kỳ thi đợt sau.
Thí sinh phải lùi thi không chỉ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, các trường cũng có phương án dành chỉ tiêu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, đến thời điểm này có thể nói kỳ thi kết thúc đảm bảo nghiêm túc, an toàn đảm bảo mục tiêu kép đúng với quan điểm của Bộ GD&ĐT dù kỳ thi tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh, thời tiết ở một số địa phương không thuận lợi, công tác vận chuyển đề khó khăn. Một số nơi đã phải dùng máy bay, xuồng để vận chuyển đề thi...
Việc tổ chức thi lại cho thí sinh cũng là nhằm đảm bảo quyền lợi thí sinh. Còn cán bộ coi thi vi phạm quy chế sẽ bị xem xét kiểm điểm.
Ông Độ cũng nói rằng, vẫn có thí sinh mang điện thoại vào phòng thi dù giám thị nhắc nhở rất nhiều. Có thể nói, các em cố tình mang điện thoại vào phòng thi là không trung thực.
Ông Mai Văn Trinh cũng thông tin, qua kiểm tra thi ở các địa phương cho thấy, kỳ thi đảm bảo an ninh, an toàn, không có phao thi. Dù kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, các Hội đồng thi vừa tổ chức thi vừa lo chống dịch COVID-19 nhưng thí sinh yên tâm thực hiện bài thi. Khảo sát ý kiến thí sinh cho thấy, đề thi vừa sức, bám sát đề minh họa Bộ GD&ĐT công bố trước đó nhưng cũng đảm bảo yếu tố phân hóa. Những nội dung tinh giản không được đưa vào đề thi.
Cũng theo ông Trinh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Hội đồng thi đề nghị điểm thi nhắc nhở thí sinh trước khi vào phòng thi để hết tư trang, điện thoại ở ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, bị lập biên biển kỷ luật. Đây thực sự là những trường hợp đáng tiếc. Bộ cũng chỉ đạo phòng ngừa gian lận thiết bị công nghệ cao ngày càng tinh vi.