Thi tốt nghiệp THPT 2025: Giảm học tủ, khoanh bừa

Bộ GDĐT vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 cho 17 môn để các thí sinh tham khảo. Theo đánh giá, đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 đổi mới, theo hướng chú trọng năng lực của người học, giảm học tủ.

Bộ GDĐT cho hay, tại thời điểm này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) mới thực hiện đến lớp 11, do vậy các nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11. Trước đó, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Thí sinh sẽ thi 4 môn với 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn.

Theo phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 của Bộ GDĐT), môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy. Thời gian thi của mỗi môn: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; các môn học khác 50 phút.

Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố cấu trúc đề minh họa tốt nghiệp THPT 2025, các chuyên gia cho rằng, cấu trúc định dạng đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình GDPT mới, được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Theo đó, người học sẽ biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa. Cùng với đó, đề thi giảm phụ thuộc kiến thức sách giáo khoa (SGK), tránh việc học vẹt; hai dạng trắc nghiệm mới ngăn chặn cách học cầu may, khoanh bừa, theo các giáo viên.

Về đề minh họa môn Ngữ văn: Không khó để đạt điểm 7

Theo đánh giá của Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI: Dựa trên Đề minh họa và các thông tin được cung cấp trước đó, cũng như định hướng trong hoạt động kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018, có thể thấy, học sinh cần nắm chắc các kiến thức về mặt thể loại, hình thành kỹ năng và năng lực đọc – hiểu văn bản theo thể loại mới có thể hoàn thành bài thi. Đề thi minh họa vẫn giữ nguyên hình thức là 100% tự luận, sự “quen thuộc” này chính là lợi thế cho học sinh, đồng thời cũng kiểm tra được toàn bộ kỹ năng viết, đặc biệt là viết văn bản nghị luận văn học về một nhân vật, cốt truyện hoặc chi tiết trong tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh: Quang Vinh)

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh: Quang Vinh)

Cụ thể với phần đọc hiểu, văn bản Chiến thắng Mtao Grự là ngữ liệu bên ngoài SGK, thuộc thể loại sử thi. Phần câu hỏi nghị luận xã hội tương đối quen thuộc, vấn đề “những khó khăn, thử thách đối với tuổi trẻ” không mới, học sinh cũng đã được làm quen về kĩ năng, phương pháp triển khai bài viết nên chắc chắn không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, để có được điểm trọn vẹn, học sinh cần có những ví dụ hay, dẫn chứng thuyết phục và để lại ấn tượng. Các thao tác lập luận cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và thể hiện rõ được quan điểm của người viết.

Từ việc phân tích đề minh họa có thể thấy, đề có sự đổi mới về nội dung, cách hỏi để kiểm tra kiến thức, kỹ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của Chương trình GDPT 2018; Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc – hiểu thể loại văn học, rèn luyện kỹ năng Viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 – 7,25 điểm. Mặc dù là ngữ liệu bên ngoài SGK nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… đây có lẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi 2025.

Về đề minh họa môn Toán: 4/10 điểm là câu hỏi vận dụng

Theo đánh giá của Tổ Toán – Hệ thống giáo dục HOCMAI, so với đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay, đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Toán có những điểm đổi mới sau. Về số lượng câu hỏi: Gồm 50 lệnh hỏi với 34 câu hỏi làm trong thời gian 90 phút; Dạng thức câu hỏi và cách tính điểm: Bổ sung thêm hai dạng thức câu hỏi mới (Trắc nghiệm đúng sai và Trắc nghiệm trả lời ngắn) với cách tính điểm riêng biệt cho từng dạng thức; Về cấp độ tư duy: Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh: Minh Quang)

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh: Minh Quang)

Tỷ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề Toán minh họa là khoảng 73% nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi, 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng. Chính vì vậy các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào trường.

Như vậy, với đề thi này, học sinh cũng cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của Chương trình GDPT mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Về đề thi minh họa môn Ngoại ngữ: Mức độ khó hơn

Theo nhận định của Tổ Tiếng Anh- Hệ thống giáo dục HOCMAI: Đề thi minh họa tiếng Anh tập trung đánh giá cao kỹ năng đọc hiểu, phân tích thông tin và sắp xếp ý logic của thí sinh. Bài thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút bao gồm 8 dạng bài.

Như vậy, đề thi vẫn có những dạng bài quen thuộc như bài phát âm, trọng âm, hoàn thành câu, hoàn thành đoạn văn với các từ đơn, đọc hiểu. Nhưng bên cạnh đó là sự biến mất các dạng bài hay gặp trước đây như sửa lỗi sai, viết lại câu, nối câu, chức năng giao tiếp mà thay bằng các dạng bài hoàn thành đoạn văn bằng các cụm từ/ câu, hoàn thành thông tin của bài quảng cáo/ thông báo, sắp xếp trật tự đoạn văn/ lá thư.

Thí ính dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh: Quang Vinh)

Thí ính dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh: Quang Vinh)

Có thể thấy rõ ràng mức độ đề khó hơn, phân loại mạnh hơn và xoáy sâu vào kỹ năng đọc hiểu, phân tích thông tin và sắp xếp ý logic của học sinh, bám sát định hướng đề thi đánh giá năng lực. Với đề thi này, các trường ĐH hoàn toàn có thể tự tin sử dụng để xét tuyển ĐH.

Về đề thi minh họa môn Lịch sử: Bổ sung thêm dạng trắc nghiệm đúng- sai

Theo Tổ Khoa học xã hội (KHXH) – Hệ thống giáo dục HOCMAI, so với đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay, đề minh họa thi tốt nghiệpTHPT 2025 môn Lịch sử có những điểm đổi mới sau: Về số lượng câu hỏi: Gồm 28 câu hỏi với 40 lệnh hỏi làm trong thời gian 50 phút; Về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm: Bổ sung thêm dạng thức câu hỏi mới là trắc nghiệm đúng sai với cách tính điểm riêng biệt cho từng dạng thức; Về cấp độ tư duy: Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh: Quang Vinh)

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (ảnh: Quang Vinh)

Tỷ trọng câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa là khoảng 70% nhưng sẽ chỉ chiếm khoảng 6/10 điểm trong đề thi, 4/10 điểm vẫn là các câu hỏi vận dụng.

Với đề minh họa môn Lịch sử, các trường ĐH- CĐ cũng hoàn toàn yên tâm có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Với dạng đề thi này, học sinh cũng cần có sự điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của Chương GDPT mới nhằm có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kỳ vượt vũ môn năm 2025.

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo chương trình GDPT mới thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn trong số các môn còn lại. Như vậy, số môn thi từ năm 2025 giảm hai và số buổi thi giảm một. Theo Bộ GDĐT, phương án này giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2025-giam-hoc-tu-khoanh-bua-10270286.html