Thi tốt nghiệp THPT: Không để mất điểm khi làm bài môn Văn

Để làm tốt bài thi môn Ngữ văn, thí sinh cần nắm vững kiến thức và kỹ năng làm bài.

Cô Lưu Mai Tâm, giáo viên trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương đã chia sẻ một số bí quyết để không bị mất điểm khi làm bài thi môn Văn.

1. Ôn thi

Chỉ còn ít ngày nữa, các thí sinh bước vào kì thi. Đây là thời điểm các em nên xem lại toàn diện kiến thức của mình. Đối với môn Ngữ Văn, thí sinh có thể tự hệ thống lại kiến thức bằng cách tóm tắt theo sơ đồ. Các em nên tự thực hiện để củng cố ghi nhớ. Khi hệ thống lại kiến thức, phần nào còn thiếu sót, các em bổ sung ngay.

2. Làm bài thi

- Làm đầy đủ các câu trong đề bài.

Thực tế, có rất nhiều thí sinh, cố ý hoặc vô tình bỏ sót các câu trong đề bài. Trường hợp cố ý thường rơi vào các thí sinh chỉ muốn chống điểm liệt môn Văn. Trường hợp không cố ý thường do thí sinh trình bày không khoa học, dễ bỏ sót một câu nào đó ở phần đọc hiểu.

- Trình bày rõ ràng, khoa học.

Khi làm bài, các em cần tuân thủ hệ thống kí hiệu câu hỏi của đề bài.

- Đối với từng phần của đề thi:

+ Đọc hiểu:

• Trả lời lần lượt các câu hỏi, không nên đảo trình tự các câu hỏi khi trả lời.

• Trả lời trực tiếp vào yêu cầu đề, diễn đạt thành câu có chủ ngữ - vị ngữ.

• Đọc kĩ đề, xác định đúng yêu cầu đề để trả lời đủ ý. Câu hỏi thông hiểu, vận dụng cần trả lời thành một số ý ngắn; tập trung vào lí lẽ, không phân tích dẫn chứng khi trả lời các câu hỏi này.

+ Làm văn

Các em nên tham khảo đáp án chính thức đề thi môn Ngữ Văn các năm trước của Bộ GD để nắm vững những yêu cầu bắt buộc cho từng câu.

• Câu 1 - NLXH (2 điểm): viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) thể hiện quan điểm về một khía cạnh của một vấn đề xã hội liên quan đến ngữ liệu đưa ra ở phần Đọc hiểu.

-Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Về hình thức, đoạn văn được tính từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến dấu chấm xuống dòng. Tuyệt đối không được xuống dòng ở giữa đoạn văn. Các em có thể chọn kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích, tổng phân hợp. Khuyến khích các em viết đoạn tổng - phân - hợp.

-Về dung lượng: đoạn văn 200 chữ. Các em được viết đoạn văn khoảng 20-25 dòng. Không nên viết quá dài. Không biến đoạn văn thành bài văn thu nhỏ.

-Xác định đúng vấn đề nghị luận: vấn đề nghị luận nằm trong câu lệnh của đề bài, các em cần nêu rõ vấn đề trong đoạn văn của mình.

-Triển khai vấn đề nghị luận: Khi xác định đúng yêu cầu nghị luận, các em định hình lại hướng triển khai vấn đề. Ví dụ, nếu đề yêu cầu trình bày ý nghĩa/giá trị/hậu quả..., các em có thể phát triển ý theo hướng ý nghĩa/giá trị/hậu quả... đối với bản thân và đối với cộng đồng, xã hội (tham khảo đáp án của Bộ các năm 2019, 2017).

-Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

-Sáng tạo.

Để đoạn văn NLXH của mình có tính thuyết phục cao, các em cần thủ sẵn cho mình nguồn dẫn chứng (dẫn chứng thực tế, danh ngôn/nhận định/ca dao/tục ngữ...). Khi đưa dẫn chứng, cần phân tích, đánh giá dẫn chứng chứ không kể suông.

Câu 2 - NLVH (5 điểm) Đây là phần "khó nhằn" nhất trong đề thi môn Ngữ Văn, vì thí sinh phải tổng hợp vốn kiến thức, kĩ năng về Văn của mình để viết một bài văn hoàn chỉnh theo yêu cầu của đề bài.

Các em nên tham khảo đáp án chính thức của các đề thi qua các năm để nắm bắt những điều bài làm của mình sẽ được chấm.

︎Yêu cầu thiên về hình thức: Đảm bảo cấu trúc bài văn; đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp

︎Các yêu cầu thiên về nội dung:

* Xác định đúng vấn đề nghị luận: vấn đề NL nằm trong câu lệnh của đề bài.

* Triển khai vấn đề nghị luận: Khi đọc kĩ đáp án của đề thi các năm trước, các em sẽ thấy những yêu cầu về kiến thức của phần này cũng chia ra các mức độ, từ nhận biết (vài nét về tác giả, tác phẩm), thông hiểu (làm rõ đối tượng trong đoạn trích/tác phẩm cả về nội dung và nghệ thuật) đến vận dụng (bình luận, nhận xét về một khía cạnh của nội dung, nghệ thuật trong đoạn trích/tác phẩm, về sự thể hiện phong cách tác giả...). Các em chú ý cách trình bày để thấy rõ hệ thống luận điểm của bài viết. Mức độ phân hóa của bài làm nằm ngay trong cách diễn đạt, trình bày luận điểm của mỗi thí sinh.

︎Sáng tạo: Sáng tạo về nội dung (suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận), về hình thức (cách diễn đạt mới mẻ). Để tăng tính thuyết phục cho bài NLVH, thí sinh cũng cần mở rộng phạm vi dẫn chứng trong bài viết của mình. Các em nên ưu tiên dẫn chứng là những tác phẩm cùng đề tài, cùng tác giả, những nhận định mang tính lí luận liên quan đến vấn đề nghị luận..

Để hoàn thành tốt bài thi, thí sinh cũng cần lưu ý vấn đề phân bố thời gian làm bài hợp lí cho từng phần.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-khong-de-mat-diem-khi-lam-bai-mon-van-929445.html