Thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Đạt điểm khá không khó

Đó là nhận định của cô Bùi Hằng Nga, giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục Hocmai về đề thi tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đây là môn thi cuối của kỳ thi vào chiều nay 8/7.

 Một thí sinh tươi cười với người thân trước giờ làm bài môn tiếng Anh chiều nay 8/7 tại điểm thi THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Đ.A

Một thí sinh tươi cười với người thân trước giờ làm bài môn tiếng Anh chiều nay 8/7 tại điểm thi THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Đ.A

Theo cô Bùi Hằng Nga, đề thi môn tiếng Anh năm nay nhìn chung kiến thức nằm trong chương trình THPT. Đề có thể coi là khá dễ thở với học sinh.

Về ngữ pháp, xuất hiện các chủ điểm ngữ pháp : Giới từ, Trật tự tính từ (câu 1), câu hỏi đuôi, Câu điều kiện, Đảo ngữ, Phối hợp thì, Sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, so sánh, Cấu tạo từ, Liên từ, Rút gọn mệnh đề, Câu trực tiếp gián tiếp… Cơ bản về ngữ pháp không có sự đánh đố.

Bài đọc hiểu có mức độ dài vừa phải thậm chí có thể nói là khá ngắn, từ vựng không khó. Một học sinh thông thường khi làm bài đọc hiểu này có thể hiểu được đến 85%. "Để đạt được mức điểm 8 - 9 không phải là quá khó" – cô Nga nói.

Về nội dung kiến thức, các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, bám sát các đơn vị kiến thức ở đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố hồi 31/3/2021 với các kiến thức - Ngữ pháp quen thuộc như: câu hỏi đuôi, câu bị động, câu so sánh, thì động từ, mệnh đề chỉ lí do, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian, modal verbs (động từ khuyết thiếu), câu tường thuật.

Duy nhất có 1 câu số 10 (mã 424) rút gọn mệnh đề dùng phân từ hoàn thành nằm trong chương trình lớp 11 và là một câu kiểm tra kiến thức mở rộng, không nằm trong chương trình trong SGK về trật tự của tính từ.

Về độ khó của đề thi, theo cô Hằng Nga, có khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Đề thi không xuất hiện câu hỏi cực khó và đánh đố, các câu đòi hỏi thí sinh phải tư duy, suy luận vẫn tập trung vào phần từ vựng và đọc hiểu như câu 36,41,42 (mã 424).

Phần lớn các các câu hỏi kiến thức, từ vựng rất quen thuộc với thí sinh trong quá trình học và ôn tập lớp 12. Các dạng bài như câu giao tiếp rất gần gũi với đời sống - đáp lại lời khen và lời xin lỗi; Dạng bài tìm câu đồng nghĩa, nối câu không xuất hiện các kiến thức mới, vẫn là các câu hỏi liên quan đến biến đổi thì, modal verb, câu gián tiếp, câu ước và đảo ngữ.

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thi-tot-nghiep-thpt-mon-tieng-anh-dat-diem-kha-khong-kho-20210708213607434.htm