Thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự kiến chỉ còn 4 môn
Chiều 2/1, Bộ GDĐT cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến sẽ chỉ còn 4 môn thay vì 6 môn như mọi năm. Sẽ có 2 môn bắt buộc là Văn-Toán, 2 môn tự chọn được lựa chọn từ: Sử-Địa-Lý-Hóa.
Tại Dự thảo Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt, Bộ GDĐT đã đưa ra 2 phương án thi tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến.
Theo phương án thứ nhất sẽ có 4 môn thi, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Lịch sử, Địa lý, Hóa học và Sinh học.
Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN), có thể là: Bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, giảm bớt tốn kém cho cả xã hội. Đồng thời đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn.
Theo lý giải của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, lâu nay việc dạy Ngoại ngữ chỉ chú trọng ngữ pháp chứ chưa chú trọng kỹ năng giao tiếp. Chính vì vậy, với phương án 1, nếu thí sinh nào thực sự yêu thích và học tốt môn Ngoại ngữ sẽ được ưu tiên cộng điểm. Đây là một cách Bộ GDĐT khuyến khích học sinh yêu thích học ngoại ngữ, đồng thời giúp Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ đến năm 2020.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng khuyến cáo rằng phương án này dễ khiến môn Ngoại ngữ bị coi nhẹ trong các trường phổ thông, vì rất có thể không bắt buộc thi các em sẽ không học.
Với phương án thứ 2, Bộ dự kiến sẽ có 5 môn thi trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và sẽ có 2 môn do thí sinh tự chọn tương tự như phương án 1.
Với các thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không theo hết chương trình hiện hành hoặc khó có điều kiện học, sẽ được tự chọn một môn thi thay thế môn Ngoại ngữ (Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học), miễn đảm bảo đủ 5 môn thi khác nhau.
Theo đánh giá của Bộ, phương án này có ưu điểm là bắt buộc phần lớn học sinh phải học Ngoại ngữ. Tuy nhiên số môn thi lại tăng lên.
Về phía Bộ GDĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ nghiêng về phương án 1. Lý do là vì Bộ dự kiến sẽ áp dụng phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT lần này cho tới khi có học sinh đầu tiên kết thúc chương trình dạy và học theo Đề án đổi mới căn bản toàn diện (ít nhất là 9 năm).
Nếu cách thi này diễn ra trong 9 năm, sẽ kéo dài phương pháp học (chú trọng ngữ pháp, coi nhẹ kỹ năng giao tiếp), phương thức thi Ngoại ngữ đã lạc hậu (trắc nghiệm, viết câu). Điều này sẽ hạn chế nhiều tới tiến độ đổi mới phương pháp dạy và học Ngoại ngữ về lâu dài.
Các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử sẽ được thi theo phương pháp tự luận. Các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học được thi bằng phương pháp trắc nghiệm. Riêng môn Ngoại ngữ có 2 phần: Trắc nghiệm và viết luận.
Môn Toán và Ngữ văn sẽ thi trong 150 phút. Môn Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ có thời gian thi 90 phút. Môn Vật lý, Hóa học và Sinh học: 60 phút.
Một đổi mới nữa của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 là: Bộ sẽ đánh giá kết quả thi tốt nghiệp bằng điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN).
ĐXTN tính theo công thức: Điểm trung bình các bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12 chia đôi + tổng điểm khuyến khích (nếu có) trên tổng số bài thi.
Điểm xếp loại tốt nghiệp được tính theo công thức điểm trung bình các bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12 chia đôi.
Đặc biệt, sẽ có 20% thí sinh học, rèn luyện tốt được miễn thi tốt nghiệp. Bộ cũng cho phép miễn thi với những thí sinh có điểm trung bình cả năm lớp 12 cao. Trong kỳ thi đầu tiên theo phương án mới, Bộ quy định tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi sở GDĐT tối đa là 20%.
Như mọi năm, các đối tượng như người học khiếm thị, người học lớp 12 tham gia kỳ thi chọn đội tuyển Quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc khu vực các môn văn hóa và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế, khu vực về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, các thí sinh (học sinh GD THPT và học viên giáo dục thường xuyên) có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa theo một số tiêu chí cơ bản.
Dự thảo Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt, sẽ đăng công khai trên Cổng TTĐT của Bộ GDĐT và Báo Giáo dục thời đại để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của xã hội, giáo viên, chuyên gia, phụ huynh và học sinh.
Nhận ý kiến đóng góp trong 1 tháng, sau đó, Bộ GDĐT sẽ chốt phương án thi tốt nghiệp và ban hành Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt để áp dụng ngay cho kỳ thi tốt nghiệp 2014.