Thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc sẽ công bằng cho mọi thí sinh
Các giáo viên cho rằng thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc sẽ công bằng cho mọi thí sinh, dù là học sinh vùng khó khăn hay vùng thuận lợi, học sinh hệ phổ thông hay hệ giáo dục thường xuyên, học sinh có thế mạnh môn tự nhiên hay môn xã hội…
Bộ GD-ĐT mới đây đưa ra kiến nghị tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo phương án Bộ GD-ĐT nêu, kỳ thi sẽ gồm hai môn bắt buộc là Toán, Văn cùng hai môn tự chọn. Đây cũng là phương án được phần đông cán bộ, giáo viên ở các địa phương lựa chọn (chiếm 60%) khi được khảo sát ý kiến.
Đồng tình với phương án thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho hay phương án này vừa giảm áp lực, căng thẳng cho người học, vừa đỡ tốn kém cho xã hội. Hơn nữa, phương án cũng đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, sở trường của từng học sinh.
Cụ thể, với 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn, môn Toán là môn học nền tảng cho nhiều môn học khác, đồng thời cũng là công cụ phát triển tư duy logic cho học sinh. Trong khi đó, môn Ngữ văn giúp phát triển ngôn ngữ, giáo dục đạo đức, bồi dưỡng cảm xúc, tâm hồn con người và hình thành năng lực giao tiếp.
Hai môn thi còn lại tùy vào sự lựa chọn của học sinh, chẳng hạn muốn phát triển năng lực ngoại ngữ, các em có thể chọn tiếng Anh cùng một môn học khác. Nếu có sở trường, định hướng nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội, các em có thể chọn thêm 2 môn Lịch sử và Địa lý. Còn nếu có thiên hướng về lĩnh vực khoa học tự nhiên, thí sinh có thể chọn thêm Vật lý và Hóa học.
Trước băn khoăn “nếu môn Ngoại ngữ không bắt buộc thi sẽ dẫn tới học sinh không học”, ông Thành dẫn ví dụ từ tỉnh Nghệ An, cách đây 5 năm chất lượng dạy và học tiếng Anh ở mức thấp. Tuy nhiên, sau khi tỉnh có những thay đổi về cơ chế, chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh đã từng bước nâng lên.
“Muốn nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh cần phải có cơ chế tác động tới giáo viên, học sinh và có môi trường học tập chứ không phải cứ bắt buộc thi là kết quả ngoại ngữ sẽ tốt lên”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đưa ra đề xuất, trong tương lai khi Bộ GD-ĐT thành lập được các trung tâm khảo thí đánh giá năng lực ở các địa phương, thí sinh có thể chỉ cần thi tập trung 2 môn Toán và Ngữ văn.
Với các môn thi còn lại, thí sinh có thể thi vào những thời điểm khác nhau trong năm, thậm chí có thể chọn thi nhiều lần. Bằng cách này, học sinh được đánh giá năng lực ở tất cả các môn học, được ghi nhận kết quả và có thể sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng.
PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương, cũng ủng hộ phương án thi 4 môn bởi phương án này phù hợp với những nguyên tắc cốt lõi Bộ GD-ĐT đưa ra như: Giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội; không gây mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên như hiện nay.
Việc được chọn 2 trong số 9 môn học sẽ tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích, điều kiện của bản thân.
Ông Nguyễn Quang Thi, giáo viên Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng), cũng cho rằng phương án thi 4 môn gọn nhẹ, tạo công bằng giữa học sinh hệ phổ thông và học viên hệ giáo dục thường xuyên; học sinh vùng khó khăn không có điều kiện tiếp cận ngoại ngữ với học sinh vùng thuận lợi.
“Môn Ngoại ngữ dù không thi, học sinh cũng cần phải học vì đây là ngôn ngữ giao tiếp và để làm việc với người nước ngoài, do đó học sinh buộc phải trang bị để hội nhập”, ông Thi cho hay.
Ngoài ra, ông Thi cho rằng phương án này sẽ không gây mất cân bằng trong việc chọn tổ hợp, học sinh được phát huy năng lực, sở trường và giảm áp lực thi cử. “Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay gồm 6 môn. Nếu chỉ còn 4 môn thi sẽ khiến học sinh học đỡ vất vả hơn trong việc ôn thi tốt nghiệp. Công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh cũng gọn nhẹ, giảm tốn kém, đồng thời vẫn phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Đồng tình với phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, ông Thi đề xuất môn Toán và hai môn tự chọn vẫn nên thi theo hình thức trắc nghiệm, tuy nhiên cần có sự thiết kế theo hướng đánh giá năng lực học sinh để làm cơ sở vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học. Cụ thể, môn Toán sẽ bao gồm 50 câu với thời lượng 90 phút, trong đó có 35 câu cơ bản để xét tốt nghiệp và 15 câu nâng cao dùng xét tuyển đại học.
Hai môn tự chọn mỗi môn gồm 40 câu với thời lượng 60 phút, trong đó có 30 cơ bản để xét tốt nghiệp và 10 câu nâng cao dùng xét tuyển vào đại học. Riêng môn Ngữ văn sẽ thi tự luận với thời lượng làm bài 120 phút. Nội dung kiến thức ra đề nên tập trung chủ yếu vào lớp 12.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 theo 3 phương án lựa chọn là 4+2, 3+3 và 2+2.
Phương án 4 + 2: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn gồm 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 3 + 2: Thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 2 + 2: Thí sinh phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.