Thi trắc nghiệm khiến môn Toán 'nháo nhào, xô bồ'?

'Có những em bị 'ngộ máy tính', khi làm bài môn Toán chỉ lăm lăm cái máy tính mà không biết mình đang làm gì. Thành quả các năm tiểu học và THCS bị phương pháp thi trắc nghiệm Toán cuốn bay hết', đó là quan điểm của thầy Trần Mạnh Tùng, Giáo viên Toán Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm từ năm 2017 đến nay đã bộc lộ những mặt hạn chế. Ảnh minh họa: Q.Anh

Môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm từ năm 2017 đến nay đã bộc lộ những mặt hạn chế. Ảnh minh họa: Q.Anh

Trắc nghiệm Toán được bàn thảo tại Quốc hội

Vừa qua, thảo luận tại Hội trường Quốc hội về vấn đề giáo dục, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua cử tri hết sức quan tâm đến việc tổ chức thi THPT Quốc gia. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, thi theo phương thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong kỳ thi khiến cử tri chưa yên tâm. Phương thức thi như hiện nay chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt sai phạm hàng loạt trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh như: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Cũng theo đại biểu Dương Minh Ánh, phương thức thi trắc nghiệm Toán khiến tư duy cho học sinh bị thay đổi. Thầy cô chỉ cần dạy cho học sinh cách làm bài thi trắc nghiệm bằng các "mẹo" làm bài, thí sinh khi thi chỉ cần khoanh các phương án đúng, còn lại là khoanh sao cho đủ. Cách học này dẫn đến việc các học sinh bỏ qua các bước làm bài, tư duy logic đối với môn Toán bị xem nhẹ. Nhiều trường đại học cũng có ý kiến về chất lượng của các thí sinh các kỳ thi vừa qua…

Ý kiến của đại biểu Ánh nêu trên cùng rất nhiều ý kiến khác từ các đại biểu Quốc hội phản ánh từ những ý kiến của cử tri, cho thấy trong thi cử hiện nay vẫn là vấn đề "nóng" được quan tâm. Trên thực tế, không chỉ bây giờ mà thi trắc nghiệm môn Toán tại Kỳ thi Quốc gia cũng đã được "mổ xẻ" ngay từ lúc Bộ GD&ĐT đề xuất phương án thi này, cho đến khi áp dụng. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hình thức thi này. Điển hình là từ khi áp dụng, đề thi Toán theo hình thức trắc nghiệm tại kỳ thi THPT Quốc gia khiến các giáo viên, chuyên gia cũng phải "méo mặt" vì độ khó của đề thi.

Ví dụ, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, chia sẻ với báo chí, Giáo sư Toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi làm đề Toán, dù không thể đặt đồng hồ để tính giờ, nhưng ông cho rằng 90 phút không đủ để ông làm hết 50 câu của đề thi. Ông cũng phải bỏ dở giữa chừng không phải vì không làm được, mà vì quá ngán ngẩm với độ khó của đề thi. Đồng thời, GS Hưng nhận định, đề thi này khó, nhưng sẽ không phân loại được học trò.

Môn Toán bị hỏng tạo ra những thế hệ với kiến thức lỏng lẻo

Từng bật khóc khi chứng kiến đề thi trắc nghiệm Toán quá khó đối với các thí sinh thi THPT Quốc gia, thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên dạy Toán Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) thẳng thắn nhìn nhận, nền giáo dục ứng thí (học để đi thi) đã tồn tại cả nghìn năm nay. Bộ GD&ĐT cũng chọn đổi mới thi cử để đổi mới cách dạy và học, nhưng có thể nói vẫn là cách thi quyết định cách học. Từ khi thi trắc nghiệm Toán (năm 2017), trào lưu trắc nghiệm nở rộ, nhiều nơi, từ lớp 10 đã thi trắc nghiệm 100%. Với các học sinh lớp 12, hầu như không còn hình thức tự luận trong các bài kiểm tra, thi cử.

Cũng theo thầy Trần Mạnh Tùng, sau 3 năm, việc dạy và thi trắc nghiệm Toán làm hỏng các mục tiêu giáo dục của môn Toán, bởi mục tiêu lớn nhất của môn Toán là rèn cho học sinh phương pháp tư duy logic. Tiếp theo là cách làm việc khoa học, năng lực giải quyết vấn đề của Toán học, của cuộc sống,… Từ khi chuyển sang thi trắc nghiệm, môn Toán trở nên nháo nhào, xô bồ… Tính tuần tự, các quy trình logic bị xóa bỏ, bị xem nhẹ… Giáo viên rất khó hướng dẫn để học sinh đạt được các mục tiêu của bài học.

Cũng theo thầy Tùng, năng lực Toán học của học sinh THPT và sinh viên hiện nay ở mức đáng lo ngại. Nhiều giáo viên than vãn về sự đi xuống này và họ không đồng tình, bày tỏ sự lo lắng nếu trắc nghiệm Toán 100% được duy trì và kéo dài. Học sinh giờ đây thường chọn cách học, cách làm bài từ trên xuống (từ ngọn) nên hầu hết mất gốc, làm việc tự do, tùy tiện,… năng lực tư duy, phân tích, giải quyết vấn đề rất kém.

"Nếu điều này kéo dài, không những môn Toán bị hỏng mà còn tạo ra những thế hệ với kiến thức lỏng lẻo, làm việc tùy tiện, sống thiếu trách nhiệm. Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận lại, đánh giá các mặt sau 3, 4 năm thi trắc nghiệm Toán. Lắng nghe ý kiến các giáo viên và các phản biện xã hội, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Các tổ chức độc lập cũng cần có các nghiên cứu của riêng mình và cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Cân nhắc kĩ các hình thức thi cử, kiểm tra, đánh giá trước khi triển khai chương trình và SGK mới. Theo đề xuất của cá nhân tôi, môn Toán và Văn nên thi tự luận", thầy Trần Mạnh Tùng đề xuất.

Bộ GD&ĐT cho biết, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 vẫn giữ ổn định như năm 2019 nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông. Kết quả kỳ thi sẽ là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và làm cơ sở cho các cơ sở Giáo dục đại học, Giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, và 2 bài thi thuộc tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tất cả các môn thi theo trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn.

Quang Huy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/thi-trac-nghiem-khien-mon-toan-nhao-nhao-xo-bo-20191101192408208.htm