Thi trắc nghiệm môn Toán, tranh cãi trái chiều chưa hồi kết

Chuyên gia toán học và thầy cô đang tranh cãi trái chiều về phương án thi trắc nghiệm môn toán kì thi trung học phổ thông quốc gia.

Chuyên gia toán học tranh cãi trái chiều

Vừa qua, một số chuyên gia về toán học đã xới lại vấn đề tưởng như đã cũ về việc thi trắc nghiệm môn Toán của kì thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay.

Ngày 4/11/2019, Báo Tri thức trực tuyến đăng tải bài viết: "GS Phùng Hồ Hải: ‘Thi trắc nghiệm 100% môn Toán là sai lầm’". [1]

Theo đó, Giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đề nghị xem xét lại việc thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia quốc gia.

Bởi, đối với môn Toán, năng lực đầu vào của sinh viên hiện nay ở mức báo động. Do đối phó kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn không được chuẩn bị kiến thức Toán học căn bản để có thể tiếp thu kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến chất lượng đề thi không giúp chọn được đúng học sinh năng lực.

Đề cập đến việc thi trắc nghiệm môn Toán, ngày 7/11/2019, Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết: “Thi trắc nghiệm môn Toán: Chuyên gia nói gì?” [2]

Bài báo dẫn lời Giáo sư Lưu Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học) nói rằng, việc thi trắc nghiệm môn Toán là phù hợp cho kỳ thi đánh giá quy mô lớn như thi trung học phổ thông quốc gia quốc gia hiện nay.

Cùng quan điểm,Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng khẳng định, không có chuyện thi trắc nghiệm làm mất đi tư duy logic Toán học của học sinh.

Chuyên gia toán học và thầy cô đang tranh cãi trái chiều về phương án thi trắc nghiệm môn toán kì thi trung học phổ thông quốc gia.(Ảnh minh họa: VTV)

Chuyên gia toán học và thầy cô đang tranh cãi trái chiều về phương án thi trắc nghiệm môn toán kì thi trung học phổ thông quốc gia.(Ảnh minh họa: VTV)

Giáo viên cũng trái quan điểm

Thế nhưng, không chỉ các chuyên gia về toán học, mà chính thầy cô cũng có những tranh cãi trái chiều về thi trắc nghiệm môn toán của kì thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay.

Chúng tôi xin ghi lại ý kiến của hai thầy giáo có uy tín, hiện đang giảng dạy môn Toán bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh để bạn đọc có thêm một góc nhìn tham khảo.

Thạc sĩ Toán học N.X.M. (chúng tôi xin không nêu tên), người đã từng nhiều năm dạy trường chuyên, hiện đang là Hiệu phó một trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu một số quan điểm không đồng tình với hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán.

Thứ nhất, Toán học là bộ môn khoa học chú trọng tư duy logic. Vẻ đẹp của một lời giải thể hiện qua sự lập luận chính xác, ngắn gọn và đậm nét sáng tạo.

Vì vậy thi trắc nghiệm chỉ cho biết kết quả đúng sai mà không biết thí sinh làm bằng cách nào để có được kết quả ấy.

Thứ hai, mỗi câu hỏi có thường có 4 phương án lựa chọn, nghĩa là nếu cứ chọn ngẫu nhiên một phương án nào đó thì xác suất đúng là 1/4.

Điều này sẽ dẫn tới tình trạng “mèo mù vớ cá rán” rất dễ xảy ra và do đó không đánh giá đúng thực chất trình độ của thí sinh.

Thứ ba, sự gian dối trong quá trình coi và chấm thi dễ xảy ra hơn so với thi tự luận vì học sinh quay cóp dễ hơn, cán bộ chấm thi dễ sửa điểm hơn. Sự việc xảy ra ở Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang năm ngoái là một ví dụ.

Thứ tư, đó là qui định về cách cho điểm chưa hợp lí. Thầy M. kể rằng, thầy có dạy một học sinh ở trường quốc tế theo chương trình giáo dục của Anh.

Em cho biết, chương trình này có nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Trong quá trình làm bài, học sinh chọn sai đáp án ở câu nào sẽ bị trừ 1/2 số điểm câu đó, vì thế không bao giờ học sinh chọn bừa đáp án.

Ở ta không làm như vậy, học sinh không bị trừ điểm nếu chọn sai đáp án (có thể đánh lụi).

Ngược lại, thầy Trần Văn Bình, tổ trưởng chuyên môn tổ Toán Trường trung học phổ thông Hồng Đức (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) có quan điểm khác.

Thầy Bình cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm nói chung và thi trắc nghiệm môn Toán nói riêng là phương án tối ưu cho kì thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay, trước tiên là mục đích xét tốt nghiệp.

Theo thầy Bình, việc thi trắc nghiệm môn Toán có 3 ưu điểm nổi trội:

Thứ nhất, việc thi trắc nghiệm làm cho khâu chấm thi nhanh và chính xác (không tính tiêu cực) vì dùng máy chấm.

Thứ hai, giáo viên Toán phải dạy đủ, không dạy tủ, không cắt xén chương trình học.

Thứ ba, kì thi sẽ nhẹ nhàng vì thời gian 90 phút thay vì 180 phút làm bài tự luận như trước đây.

Thầy Bình cũng không phủ nhận một số hạn chế đối với việc thi trắc nghiệm môn Toán. Đó là, nhiều giáo viên còn dạy ‘chiêu’ cho học sinh mà ít chú trọng tư duy; nhiều câu học sinh chỉ cần dùng máy tính casio là xong (về sau này đỡ hơn); học sinh yếu đánh lụi được điểm cao (chỉ số ít).

“Phương án thi tự luận môn Toán chỉ nên sử dụng cho kì thi tuyển sinh đại học, nếu sau này trường đại học tổ chức thi riêng”, thầy Bình nêu quan điểm.

Bảng so sánh ưu, nhược điểm của phương án trắc nghiệm và tự luận (Nguồn: Thầy Phạm Minh Chánh, Trường trung học phổ thông Chơn Thành, tỉnh Bình Phước)

Tài liệu tham khảo:

[1]//news.zing.vn/gs-phung-ho-hai-thi-trac-nghiem-100-mon-toan-la-sai-lam-post1009339.html

[2]//giaoducthoidai.vn/giao-duc/thi-trac-nghiem-mon-toan-chuyen-gia-noi-gi-4045505-b.html

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thi-trac-nghiem-mon-toan-tranh-cai-trai-chieu-chua-hoi-ket-post204674.gd