Thị trấn cảng Hy Lạp nguội lạnh trên Vành đai và Con đường

Cửa ngõ vào châu Âu của Trung Quốc vấp phải sự phản đối ngày càng tăng của địa phương. 'Họ đã bán nơi này cho Trung Quốc và Nga', một dòng chữ được vẽ lên con đường dọc Cảng Piraeus, cách Athens khoảng 20 phút lái xe.

Cảng Piraeus, một khu phức hợp rộng 40 km2 gồm các bến container, bến tàu sửa chữa và hàng loạt cơ sở vật chất khác, hiện do một công ty nhà nước Trung Quốc quản lý, đóng vai trò là cửa ngõ của Trung Quốc vào châu Âu và Trung Đông theo sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Bến cảng container Piraeus, cách Athens khoảng 20 phút lái xe.

Nhưng điều kiện làm việc tồi tệ và các khoản đầu tư bị trì hoãn đã thúc đẩy sự bất bình chống lại việc tham gia của Trung Quốc. Công chúng cũng trở nên cảnh giác với ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc khi toàn bộ châu Âu bắt đầu xa rời Trung Quốc. Quan hệ song phương giữa Athens và Bắc Kinh có dấu hiệu rạn nứt.

Công ty Nhà nước COSCO Shipping của Trung Quốc lần đầu tiên bảo đảm quyền vận hành các phần của cảng Piraeus vào năm 2008. Công ty mua lại 51% cổ phần của nhà điều hành cảng thuộc sở hữu nhà nước của Hy Lạp vào năm 2016, sau đó tăng cổ phần lên 67% vào tháng 10 năm nay.

Trong 10 năm từ 2009 - sau khi COSCO bắt đầu khai thác các bến cảng tại Piraeus - sản lượng container của cảng đã tăng khoảng 7 đến 5,65 triệu TEU. Gã khổng lồ vận tải biển Trung Quốc cho biết họ sử dụng trực tiếp hơn 2.000 người tại cảng và tạo ra khoảng 10.000 việc làm tổng thể. Công ty trả 3,5% doanh thu của cảng cho chính quyền địa phương.

Piraeus cho thấy Vành đai và Con đường “không phải là một khẩu hiệu hay câu chuyện, mà là một thực tiễn thành công rực rỡ”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói khi đến thăm cảng vào năm 2019.

Nhưng một số người dân địa phương không đồng ý. Giorgos Gogos, lãnh đạo công đoàn công nhân bến tàu tại Piraeus, cho biết Trung Quốc tạo ra nhiều việc làm, nhưng không phải việc làm tốt.

Gogos cho biết một số hoạt động nhất định dựa vào lao động hàng ngày làm việc thông qua các nhà thầu và ít hoặc không được đào tạo về an toàn. Các công đoàn của cảng đã kêu gọi đình công 24 giờ sau khi một công nhân bị cẩu container đâm tử vong vào tháng 10.

“COSCO đã không nâng cao nền kinh tế địa phương nhiều như cộng đồng hy vọng”, Gogos nói.

Hầu hết các thiết bị và vật liệu được sử dụng trong xây dựng do COSCO đứng đầu tại bến số 2 và số 3 dường như được đưa từ Trung Quốc sang. Công ty cũng cam kết đầu tư thêm 294 triệu euro (332 triệu USD) vào nhà khai thác cảng Hy Lạp vào năm 2021, nhưng đến nay mới hoàn thành khoảng 100 triệu euro. Các kế hoạch xây dựng một khách sạn mới, trung tâm mua sắm và các cơ sở khác trong khu vực đã bị đình trệ.

COSCO đổ lỗi cho sự chậm trễ là do các yêu cầu hành chính phức tạp của Hy Lạp và sự phản đối của địa phương. Hy Lạp đã từ chối chấp nhận các nghiên cứu về môi trường của công ty, cho rằng chúng không đủ bằng chứng. Cư dân gần cảng đã đệ đơn chống lại các kế hoạch của COSCO.

Những diễn biến này diễn ra khi Hy Lạp báo hiệu kết thúc tuần trăng mật ngoại giao với Trung Quốc. Vào tháng Giêng, Hy Lạp đã chặn các công ty nhà nước Trung Quốc đấu thầu dự án phân phối điện, với lý do sở hữu nước ngoài.

COSCO đầu tư lần đầu vào Piraeus ngay khi Hy Lạp đang loay hoay với cuộc khủng hoảng nợ lớn và khả năng vỡ nợ.

Adonis Georgiadis, bộ trưởng đầu tư và phát triển, nói với Nikkei trong một tuyên bố bằng văn bản rằng việc Trung Quốc đầu tư vào đây “được thực hiện vào một thời điểm khi rất ít quốc gia quan tâm đến việc đầu tư vào Hy Lạp”.

“Như Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis, nhấn mạnh gần đây, chúng tôi muốn và chúng tôi có quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng họ cũng là đối thủ cạnh tranh chiến lược”, Georgiadis nói.

Các vấn đề nhân quyền và cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến Liên minh châu Âu xích lại gần Đài Loan hơn, trong sự chuyển hướng khỏi việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Hy Lạp, với tư cách là một thành viên của EU, sẽ phải lựa chọn.

Trung Quốc cũng đã tung ra một đòn tấn công “quyến rũ” để mong lật ngược tình thế. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Joseph Wu, thăm châu Âu, Bắc Kinh đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến bốn nước châu Âu bao gồm cả Hy Lạp để đàm phán về việc hợp tác nhiều hơn nữa.

Huy Hoàng (Theo Nikkei)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-tran-cang-hy-lap-nguoi-lanh-tren-vanh-dai-va-con-duong-post171849.html