Thị trường bán lẻ sôi động về cuối năm

Từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế hàng tháng đang có xu hướng giảm dần, cho thấy sức mua đang chậm lại. Tác động tích cực của các chính sách và chương trình kích cầu, cùng chiến lược đa dạng của doanh nghiệp, sẽ giúp thị trường bán lẻ sôi động hơn về cuối năm.

Thị trường bình ổn, song sức mua đang chậm lại

Thị trường trong nước được đánh giá là khá bình ổn, không có biến động bất thường trong tháng 8/2023

Thị trường trong nước được đánh giá là khá bình ổn, không có biến động bất thường trong tháng 8/2023

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2023, nguồn cung hàng hóa bảo đảm, giá hàng hóa không có biến động bất thường so với tháng trước. Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng trong tháng 8 giảm so với tháng trước khi thời gian nghỉ hè kết thúc, nhu cầu đối với các mặt hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị, vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng do học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%). Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế hàng tháng đang có xu hướng giảm dần, cho thấy sức mua đang chậm lại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng các năm 2019-2023 - Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng các năm 2019-2023 - Nguồn: Tổng cục Thống kê

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định, mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối tháng 7 âm lịch. Riêng giá lợn hơi tiếp tục có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào, một số địa phương xuất hiện trở lại dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi có xu hướng bán chạy dịch, đồng thời nhu cầu giảm do nhiều người có thói quen ăn chay trong tháng Bảy âm lịch…

Do ảnh hưởng của giá thế giới nên một số mặt hàng có xu hướng tăng giá như: xăng dầu, LPG, giá bán buôn đường kính trắng trong nước (giá bán lẻ đường trong nước ổn định ở mức cao), giá gạo trong nước tăng khá mạnh, nhất là gạo nguyên liệu cho xuất khẩu (giá thóc, gạo tẻ thường ước tăng khoảng 500-1.500 đồng/kg, tùy loại và địa phương), một số loại phân bón như SA, Kali nhích nhẹ (các loại khác giữ ổn định). Một số mặt hàng có xu hướng giảm giá như: thép xây dựng, thức ăn hỗn hợp cho lợn…

Địa phương đẩy mạnh kích cầu, thị trường sẽ sôi động hơn về cuối năm

Số liệu thống kê cho thấy, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 11,8%; Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,2%; Hà Nội tăng 6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,8%; Đà Nẵng tăng 3,1%.

Trước diễn biến chung của thị trường trong nước, nhiều địa phương đang đẩy mạnh triển khai các chương trình kích cầu từ nay đến cuối năm.

Tháng 5/2023, Sở Công Thương Hà Nội đã phát động Chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội năm 2023, giới thiệu chuỗi các hoạt động sự kiện khuyến mại trong khuôn khổ Chương trình kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11/2023.

Chương trình phát động sự kiện khuyến mại tập trung quy mô lớn, trọng tâm vào các tháng 5,7,11/2023 với mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100% thu hút từ 1.000 - 2.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kích cầu, tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, tăng gấp đôi so với năm 2022 và dự báo còn tiếp tục bổ sung thêm trong thời gian tới.

Các chương trình kích cầu năm nay tập trung vào huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong thực hiện chương trình ưu đãi lên đến 100%

Các chương trình kích cầu năm nay tập trung vào huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong thực hiện chương trình ưu đãi lên đến 100%

Đặc biệt, trong tháng 11, hai sự kiện lớn là "Tháng khuyến mại" và “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight sale 2023” sẽ cùng diễn ra, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Tại TP. Hồ Chí Minh, Chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2023 diễn ra làm 2 đợt, đợt 1 vào 15/6-15/7 và đợt 2 vào 15/11-31/12, tương ứng với hai thời điểm nhu cầu mua sắm cao của người dân. Thành phố khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để kích cầu mua sắm, tiêu dùng với hạn mức tối đa 100%, tức tương đương mua 1 tặng 1.

Thống kê cho thấy, sau ba tuần phát động chương trình khuyến mãi, tập trung đợt 1 Shopping Season năm 2023, đã có hơn 3.300 doanh nghiệp tham gia với hơn 7.000 chương trình ưu đãi với hạn mức tối đa lên đến 100%.

Để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa gần 100 triệu dân, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khuyến mãi, Hỗ trợ xúc tiến hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP,…

Trong đó, Chương trình Khuyến mại tập trung Quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023 sẽ diễn ra từ ngày 4/12/2023 đến ngày 10/1/2024 trên phạm vi toàn quốc, tập trung khuyến mại đồng thời trên phạm vi toàn quốc kết hợp với các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng, hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.

Doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi tăng trưởng rõ nét hơn

Giới quan sát cũng cho rằng nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng của Nhà nước và chiến lược đa dạng của doanh nghiệp đang giúp bức tranh chung của ngành bán lẻ sáng rõ nét hơn trong những tháng cuối năm.

Báo cáo vừa được công bố của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, ngành bán lẻ sẽ phục hồi nhẹ vào nửa cuối năm 2023 và cải thiện rõ ràng hơn vào năm 2024. Những công ty dẫn đầu thị trường sẽ tiếp tục tăng thị phần sau giai đoạn giảm tốc. Tăng trưởng dài hạn sẽ tập trung vào các phân khúc có độ phân mảnh và tiềm năng mở rộng cao.

Riêng với mảng tiêu dùng, dù mức thu nhập và sức mua vẫn là yếu tố quyết định chính, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) gần đây đã góp phần tác động tích cực đến sự phục hồi của các doanh nghiệp bán lẻ. Đặc biệt, đối với ngành hàng thiết yếu, doanh thu bán hàng đã chậm lại nhưng vẫn tương đối ổn định. Các nhà bán lẻ cũng thận trọng trong chiến lược mở mới và ưu tiên việc đạt điểm hòa vốn.

Số lượng cửa hàng của các chuỗi bách hóa. (Nguồn: Euromonitor, VDSC)

Số lượng cửa hàng của các chuỗi bách hóa. (Nguồn: Euromonitor, VDSC)

Xem thêm: "Tập đoàn Masan (MSN): Đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường bán lẻ hiện đại vùng nông thôn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

VDSC đánh giá, trong dài hạn hai mảng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng doanh thu bán hàng mạnh mẽ nhất là bán lẻ dược phẩm và bách hóa. Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi thị phần ngày càng tăng của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong phân khúc này có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với mức tăng trưởng doanh thu, do hưởng lợi từ lợi thế quy mô.

Mảng bán lẻ ICT & CE (điện thoại di động và điện máy) gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô cửa hàng do hai doanh nghiệp đầu ngành đã nắm giữ hơn 60% thị phần. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong 5 năm tới sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm công nghệ và chu kỳ thay thế của các sản phẩm công nghệ hiện có.

Các nhà bán lẻ sẽ ngày càng chú ý đến các khu vực phía Bắc, nơi các kênh thương mại hiện đại chưa phát triển đáng kể. Tuy nhiên, trước tiên các doanh nghiệp này sẽ tập trung vào việc củng cố thị phần ở miền Nam trước khi khai thác các thị trường mới. Đồng thời, đô thị hóa sẽ đóng một vai trò trong việc hình thành hành vi của người tiêu dùng, cho phép mở rộng mạng lưới bán lẻ hiện đại ở các khu vực cấp 2 và 3, theo VDSC.

Thị phần mảng bách hóa theo kênh bán lẻ hiện đại 2017-2022. (Nguồn: Euromonitor, VDSC)

Thị phần mảng bách hóa theo kênh bán lẻ hiện đại 2017-2022. (Nguồn: Euromonitor, VDSC)

Trong khi đó, SSI Research cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua, và cầu tiêu dùng đã bắt đầu phục hồi dần, tuy rằng tốc độ khá chậm. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ có tăng trưởng so với quý trước bắt đầu từ quý 3 năm nay.

Bên cạnh đó, để đối phó với các thách thức đến từ bên ngoài, các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng nhiều chiến lược khác nhau như: Tăng tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng để chiếm lĩnh thị phần trên thị trường bán lẻ như Công ty Cổ phần Masan (MSN), Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); Đa dạng hóa danh mục sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, như Công ty Cổ phần Thế Giới Số (DGW), FRT, PNJ; Thay đổi nhận diện thương hiệu như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) hoặc giảm đòn bẩy.

Những động thái này được kỳ vọng không chỉ giúp các công ty vượt qua những thách thức ngắn hạn mà còn thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thi-truong-ban-le-soi-dong-ve-cuoi-nam-110877.htm