Thị trường bán lẻ trước thềm EVFTA

Thời gian qua, với lợi thế từ thị trường phân phối có nhiều tiềm năng phát triển nhờ quy mô dân số lớn (96 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), cùng với nhiều yếu tố thuận lợi khác, làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam.

Mua sắm tại siêu thị Co.opmart

Mua sắm tại siêu thị Co.opmart

Sức ép lớn

Có thể thấy, trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ, bao gồm cả doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Các tập đoàn lớn như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy, tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn, nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.

Với tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của DN nước ngoài, đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại đối với các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt. Các DN lớn của nước ngoài liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới.

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực thì cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân được nhiều DN lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ tại Việt Nam. Trong khi đó, phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, chỉ có số ít DN lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Hóa giải thách thức

Trước sức ép khi hội nhập kinh tế quốc tế phải thực hiện mở cửa thị trường nội địa theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và sắp tới là EVFTA, dẫn đến sự thâm nhập mạnh mẽ của DN nước ngoài nhằm mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, đang đặt ra những thách thức lớn, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra quyết định kịp thời để phát triển thị trường bán lẻ nói riêng và thị trường trong nước nói chung, trong bối cảnh mới.

Để hóa giải thách thức và hưởng lợi từ EVFTA, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, đưa ra một số khuyến nghị đối với các DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực phân phối. Cụ thể, các DN trong nước cần tăng cường liên kết, hợp tác với nhiều đối tác trong, ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết; hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm, tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi cung ứng từ trong nước đến khu vực và toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của DN trên thị trường.

Cùng với đó, tăng cường quản trị chiến lược DN, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước, quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm; tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng (CRM) hiệu quả; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu DN trên các kênh internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội; triển khai thực hiện việc xác định và hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên trong các FTA; thực hiện đa dạng hóa và phát triển bán lẻ đa kênh nhằm tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực DN đáp ứng được yêu cầu của kinh doanh bán lẻ 4.0; tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống…

Liên quan đến EVFTA, vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Thông tư trên áp dụng với đối tượng là cơ quan, tổ chức (do Bộ Công thương ủy quyền) cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O mẫu EUR.1), cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA.

So với các FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đây, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới, phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên hiệp định, cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài hiệp định, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ… được xem là những điểm mới trong EVFTA.

Ngoài ra, vào thời điểm EVFTA có hiệu lực, hàng hóa đang ở tại một nước thành viên hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc khu phi thuế quan có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định, với điều kiện nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành sau cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu...

LÊ DŨNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thi-truong-ban-le-truoc-them-evfta-671432.html