Thị trường bất động sản 2025: Chưa thể sôi động

Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đang gặp không ít khó khăn, song nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng 'trong nguy có cơ' - thị trường này cũng đang đứng trước cơ hội phát triển lớn. Dự báo nguồn cung BĐS sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025.

Giới chuyên gia nhận định, sắp tới thị trường BĐS sẽ sôi động hơn, nhưng chưa thể quay về như năm 2018 - 2019. Ảnh: Đức Quang.

Giới chuyên gia nhận định, sắp tới thị trường BĐS sẽ sôi động hơn, nhưng chưa thể quay về như năm 2018 - 2019. Ảnh: Đức Quang.

Có 3 - 4 tỷ đồng vẫn khó mua được nhà

Tại cuộc tọa đàm "BĐS năm 2025 - Tìm kiếm cơ hội trong thách thức" diễn ra sáng 11/2, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, giá nhà hiện nay cao sẽ khiến người lao động thu nhập thấp rất khó mua. Theo ông Bình, thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư, đang chứng kiến đà tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Điều này khiến nhiều người dân, dù có trong tay 3 - 4 tỷ đồng, vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nơi an cư phù hợp.

Giá tăng không chỉ gây khó khăn cho người có thu nhập trung bình và thấp trong việc sở hữu nhà, mà còn làm giảm tính bền vững của thị trường. “Trong năm 2023 - 2024, do thiếu nguồn cung nên giá nhà tăng, tăng rất cao, thậm chí cao đột biến. Nếu giá cao như hiện nay thì người lao động rất khó để tìm được nhà ở. Bây giờ người lao động đi tìm giá nhà có mức giá tầm 50 triệu/m2 rất khó, vì rất hiếm” - ông Bình nói.

Ông Bình cho biết thêm, ngoài các chung cư mới mở bán có giá cao, ngay cả nhà chung cư cũ, tập thể cũ, giá cũng lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây. Tuy nhiên, ông Bình nhận định khi thiết lập khung giá mới, nguồn cung tăng lên, thị trường bắt đầu chững lại.

Cũng theo ông Bình, một nguyên nhân nữa khiến giá nhà trong thời gian gần đây luôn trong tình trạng "trên trời" là quỹ đất trung tâm đang rất chật hẹp, không đa dạng sản phẩm và đặc biệt là chưa giải quyết được vấn đề giao thông.

“Không người dân nào muốn bỏ 2 - 3 giờ/ngày để di chuyển từ ngoại thành đến nội thành để học tập và làm việc. Chúng ta phải nhanh chóng phát triển thêm quỹ đất nội đô hay quy hoạch lại giao thông để tránh ách tắc. Điều này sẽ trực tiếp kéo giá nhà giảm xuống” - ông Bình nêu quan điểm, đồng thời nói thêm rằng: Cần phải phát triển thêm đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội để kéo giãn số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành, khiến sản phẩm nhà ở tại trung tâm không còn khan hiếm.

Trong “nguy” có “cơ”

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay, khởi đầu năm 2025, toàn nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng vẫn đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng tác động của tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, với quan điểm trong “nguy” có “cơ”, thị trường này cũng đang đứng trước cơ hội phát triển lớn.

Phân tích về cơ hội, ông Dũng cho rằng, thời gian qua, những hàng lang luật mới (như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai) đã được triển khai, qua đó đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc liên quan đến việc đầu tư dự án BĐS. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng các thông tư hướng dẫn, được tổ chức triển khai, tập huấn đến tất cả địa phương trên cả nước.

“Các văn bản luật đã cơ bản đầy đủ và được ban hành để UBND các tỉnh triển khai thực hiện. Đó là điều kiện thuận lợi, tạo ra cơ hội. Cùng với đó, việc phân cấp, phân quyền cũng đã được thực hiện rất triệt để. Cơ bản triển khai các dự án BĐS là của UBND các tỉnh. Ví dụ dự án cấp 1, dự án dưới 300ha đều được phân cấp đến UBND cấp tỉnh” - ông Dũng nhấn mạnh.

Sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm sẽ góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở; cải thiện vấn đề giao thông, ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, với việc các bộ, ban, ngành, địa phương đang khẩn trương tổ chức sắp xếp lại bộ máy với tinh thần hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, thị trường BĐS trong năm 2025 dự báo cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển mới.

Ông Lê Văn Bình cũng cho rằng, vai trò của thị trường BĐS tới nền kinh tế rất quan trọng. Theo đó, BĐS phát triển kéo theo các ngành khác phát triển theo...

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam dự báo, giá bán năm 2025 sẽ có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn so với mức tăng quá mức so với năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm sâu sẽ khó xảy ra vì một số vấn đề như giá đất, bảng giá đất, chi phí đang có dấu hiệu tạo áp lực đầu vào cho giá thành cho sản phẩm BĐS.

“Về giao dịch, chúng tôi cho rằng sẽ tăng tốt hơn trong năm 2025 bởi các yếu tố cung tốt hơn, các phân khúc ổn định hơn và đặc biệt giá sẽ được điều chỉnh và giữ nhịp ở mức tốt, dẫn đến giao dịch có xu hướng tăng. Các chỉ số về thị trường cung, cầu cải thiện nhưng chưa thể quay về như năm 2018 - 2019” - ông Đính nhận định.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam: 2 kịch bản có thể xảy ra với thị trường bất động sản

Hiện ở vùng lõi đô thị nhà ở có giá quá cao. Nếu có nhu cầu mua nhà, người dân nên tìm các khu đô thị mới có các hạ tầng kết nối, đường giao thông tốt để lựa chọn.

Theo tôi, dưới góc độ doanh nghiệp, trong thời gian tới, có thể xảy ra 2 kịch bản cho thị trường bất BĐS. Đầu tiên là kịch bản tích cực, khi tinh gọn bộ máy sẽ thúc đẩy thị trường BĐS. Điều này giúp giảm thiểu thời gian, chi phí, chính sách pháp lý khiến thị trường BĐS sẵn sàng bước vào chu kỳ mới, thăng hoa và phát triển tốt.

Còn với kịch bản thứ 2, kịch bản tiêu cực: Khi những cơ quan, cá nhân sau hợp nhất không được phân công nhiệm vụ cụ thể, không chủ động trong công việc khiến cả bộ máy "dậm chân tại chỗ", nhìn ngó rồi không ai dám ký, dám làm khiến thủ tục đầu tư BĐS tiếp tục bị trì hoãn, kéo cả thị trường BĐS đi lùi, thậm chí là "đóng băng".

Xuân Dung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-truong-bat-dong-san-2025-chua-the-soi-dong-10299726.html