Thị trường bất động sản công nghiệp tăng trưởng khả quan

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp tăng trưởng khả quan, nhờ nhu cầu đầu tư sản xuất hồi phục. Yếu tố này góp phần duy trì ổn định giá thuê, tỷ lệ lấp đầy loại hình BĐS này trong thời gian qua. Thời gian tới, thị trường BĐS công nghiệp sẽ có tín hiệu tăng trưởng tích cực trong dài hạn.

Những nỗ lực cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư, tăng cạnh tranh và tính hấp dẫn của các KCN... là các yếu tố thúc đẩy phát triển thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.

Những nỗ lực cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư, tăng cạnh tranh và tính hấp dẫn của các KCN... là các yếu tố thúc đẩy phát triển thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.

Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam của Avison Young Việt Nam vừa công bố cho thấy, trong quý II/2024, thị trường BĐS công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và TP. Hà Nội không ghi nhận biến động về giá thuê, tỷ lệ lấp đầy và nguồn cung mới.

Cụ thể, tại khu vực phía Bắc như Hà Nội, giá thuê hạ tầng trong khu công nghiệp (KCN) và tỷ lệ lấp đầy trung bình duy trì ổn định, lần lượt ở mức 214 USD/m2/kỳ hạn và 86%. Do giá thuê ở Thủ đô cao và diện tích trống thấp trong khi cơ sở hạ tầng kết nối liên tỉnh hoàn thiện.

Còn các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Vĩnh Phúc ghi nhận giá thuê tăng trưởng theo quý, từ 5% - 7% tùy khu vực. Trong quý II, Bắc Ninh là điểm sáng công nghiệp phía Bắc nhờ nhiều dự án lớn, như nhà máy sản xuất bảng bo mạch 14,26 ha trị giá 383 triệu USD của Tập đoàn Foxconn tại KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh, hay nhà máy vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại KCN Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm 1,07 tỷ USD.

Tại khu vực phía Nam, tiêu biểu như TP. Hồ Chí Minh, nhiều năm liền, thị trường BĐS công nghiệp không có nguồn cung mới. Giá thuê trung bình ở mức 230 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy trung bình trong KCN đạt 90%. Thành phố đang khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất bằng cách đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án ở TP. Thủ Đức, Củ Chi và Bình Chánh.

Cùng với đó, chính quyền TP. Hồ Chí Minh nỗ lực làm mới quỹ đất công nghiệp, hướng đến các ngành công nghệ cao để nâng cao vốn đầu tư và giá trị sản xuất trên mỗi m2 đất. Đầu tháng 5/2024, Tập đoàn Hàn Quốc Hyosung thông báo muốn đầu tư một trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Avison Young Việt Nam, 6 tháng đầu năm, có 10 dự án KCN mới được thông qua với tổng diện tích 2.804 ha, hứa hẹn nguồn cung dồi dào trong dài hạn.

Nhận định về loại hình BĐS này trong thời gian tới, ông Vũ Minh Chí – Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam cho rằng: Phân khúc BĐS công nghiệp đang chứng kiến sự cạnh tranh giữa thị trường cấp hai với thị trường cấp một, cụ thể như giữa Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc với Bắc Ninh, Bắc Giang; hay Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu với Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Lợi thế cạnh tranh của các thị trường cấp hai là diện tích đất công nghiệp cho thuê còn lớn với tỷ lệ lấp đầy chưa cao và giá thuê vừa sức.

Thêm vào đó là xu hướng phát triển KCN đạt tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và thân thiện với môi trường để thu hút dòng vốn FDI trong các ngành công nghệ cao.

“Những nỗ lực cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư, tăng cạnh tranh và tính hấp dẫn của các KCN... là các yếu tố thúc đẩy phát triển thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam trong dài hạn”, ông Vũ Minh Chí nhận định.

Minh Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-bat-dong-san-cong-nghiep-tang-truong-kha-quan.html