Thị trường bất động sản ì ạch trước giờ G
Cả thị trường bất động sản và các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi một huých rõ nét, sau khi các bộ luật chính thức có hiệu lực để đánh dấu mốc cho sự phát triển mới của thị trường.
Thị trường bất động sản trong tiến trình phục hồi
Sáu tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực khi nhiều chủ đầu tư mạnh dạn bung hàng, nhiều dự án được tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Tính từ đầu năm 2023 đến hết quý II/2024, thị trường đã có 4.589 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động.
Số lượng các môi giới bất động sản gia nhập thị trường cũng tăng cao trở lại. Ước tính tổng số lượng bằng khoảng 60% so với giai đoạn "đỉnh" tháng 6/2022. Đây là con số đã tăng đáng kể so với 20% lượng môi giới còn lại thị trường của quý IV/2023.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản đang khởi sắc trở lại là do thị trường đang tiếp tục đón nhận những thông tin tích cực, bổ sung thêm các kết quả dẫn chứng cho tiến trình phục hồi.
Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Xét về nguồn cung, trong sáu tháng đầu 2024, thị trường có hơn 27.000 sản phẩm mới. Trong đó, 89% thuộc phân khúc nhà ở; 11% thuộc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Thị trường miền Bắc và miền Trung đã ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, tăng cung trở lại. Trong khi tại khu vực phía Nam, nguồn cung vẫn gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh nguồn cung, giao dịch trên thị trường cũng rất khả quan khi niềm tin của các khách hàng, nhà đầu tư dần hồi phục, dòng tiền dần “tự tin” trở lại thị trường.
Trong quý vừa qua, thị trường có hơn 16.000 giao dịch thành công, 89% lượng giao dịch được đóng góp bởi phân khúc nhà ở.
Sáu tháng đầu có hơn 22.000 sản phẩm được giao dịch thành công ra thị trường, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hội Môi giới, các tháng cuối quý I và đầu quý II được xem là thời kỳ “đỉnh nhiệt” của thị trường. Qua “đỉnh nhiệt”, toàn thị trường lại trở về trạng thái duy trì, tiếp tục bám sát tiến trình phục hồi.
Bên cạnh sự trở lại của các khách hàng, nhà đầu tư, hiện chính phủ, các cơ quan ban ngành cũng đang nỗ lực không ngừng nhằm đẩy tiến độ để các luật mới sớm có hiệu lực, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp bất động sản.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, từ đó kích thích tiêu dùng, đầu tư bất động sản.
Đây chính là các yếu tố tạo lực đẩy cho tiến trình hồi phục của thị trường. Những sôi động đạt được trên thị trường trong sáu tháng đầu năm 2024 là kết tinh của nhiều điểm trội với sự hợp lực của cả Chính phủ, các cơ quan ban ngành và bản thân các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Cần một cú huých đủ mạnh
Mặc dù vậy, theo Hội Môi giới, thị trường vẫn tồn tại âm ỉ nhiều “điểm lặn”. Nếu không được can thiệp một cách kịp thời và dứt điểm, chắc chắn trong thời gian tới sẽ làm “lu mờ” cả “những điểm trội”.
Một trong những nút thắt chưa thể tháo gỡ là điểm nghẽn pháp lý. Lãnh đạo một số địa phương vẫn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc "gỡ vướng" cho các dự án hiện đang gặp khó.
Một số địa phương thiếu hụt các nhân sự chủ chốt trong bộ máy điều hành, gây ảnh hưởng tới quá trình phê duyệt hồ sơ dự án.
Cả cộng đồng vẫn đang chờ đợi giờ phút các bộ luật được bấm nút chính thức có hiệu lực. Đây được kỳ vọng sẽ là thời điểm quan trọng đánh dấu mốc cho sự phát triển mới của thị trường.
Chính phủ, các cơ quan ban ngành duy trì nỗ lực không ngừng nhằm đẩy tiến độ để các luật mới sớm có hiệu lực.
Đầu tư căn hộ chung cư có chắc thắng?
Tuy nhiên, ngay cả khi các bộ luật mới có chính thức hiệu lực, thị trường cũng cần một khoảng thời gian để “vận hành” một cách trơn tru cho đến khi thực sự phát huy tác dụng. Mặt khác, việc nhanh chóng bổ sung các nhân sự cốt cán tại một số địa phương là hết sức quan trọng.
Trong khoảng thời gian chờ các bộ luật mới "ngấm", thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi bền vững, với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ có tiến triển rõ nét.
Song, kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.
Trong đó, phân khúc căn hộ chung cư sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Phân khúc biệt thự, liền kề "ấm" trở lại trên toàn quốc. Phân khúc đất nền thoát "đáy" giảm giá, dần dần trở lại là "kênh đầu tư vua". Phân khúc nhà ở xã hội có cơ hội "đảo chiều". Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục "sôi động".
Trái lại, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ hồi phục chậm hơn so với các phân khúc khác.
Các chủ thể tham gia thị trường bắt đầu "tăng tốc" gia nhập, xúc tiến các kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, cần lưu ý nguy cơ phát sinh “mâu thuẫn” nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và thống nhất được với các điều luật, hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể.
Trên cơ sở đó, Hội Môi giới bất động sản kiến nghị Chính phủ quyết tâm để Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8.
Chính phủ cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết luật, tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình phổ biến cơ chế, chính sách.
Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo không tạo ra khoảng trống hay kẽ hở pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-truong-bat-dong-san-i-ach-truoc-gio-g-1721121914975.htm